Bất chấp nhiều đường dây tội phạm đã bị triệt phá, tình trạng buôn bán hóa đơn đỏ vẫn diễn ra ngang nhiên, nhức nhối, gây thiệt hại lớn cho ngân sách nhà nước. Cơ quan chức năng cho biết đang tích cực phối hợp, triển khai nhiều giải pháp để xử lý vấn đề này. Trong số đó, đẩy mạnh áp dụng hóa đơn điện tử có thể một biện pháp hữu hiệu, căn cơ.
Liên tiếp các đường dây bị triệt phá
Mới đây, thực tế ghi nhận của PV Báo Lao Động cho thấy, tình trạng buôn bán hóa đơn trái phép vẫn diễn ra, hết sức nan giải. Tại khu vực gần Ga Hà Nội (phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội), chỉ cần có nhu cầu, người mua có thể dễ dàng mua được hóa đơn giá trị gia tăng có dấu đỏ.
Đầu mối cung cấp đôi khi đơn giản chỉ là một người bán hàng hay lái xe ôm trên vỉa hè. Đáng nói, theo nhiều người dân phản ánh, tình trạng trên đã diễn ra trong thời gian dài, các đầu mối tiêu thụ hóa đơn hoạt động gần trụ sở Công an phường Cửa Nam khoảng chừng 100m mà không bị phát giác.
“Ở đây bán 250.000 đồng/tờ, hóa đơn giá trị gia tăng viết thoải mái. Có dấu hết rồi, chỉ việc viết số tiền vào thôi" - một cò buôn hóa đơn nói với PV.
Những cuộc bán mua hóa đơn như vậy vẫn diễn ra từng ngày, tràn lan, chớp nhoáng, dù không có bất cứ giao dịch thực sự nào. Trước đó, trong thời gian gần đây, lực lượng chức năng cũng liên tục triệt phá các đường dây mua bán hóa đơn trái phép.
Ngày 30.5, tại Thanh Hóa, một đường dây mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng với tổng giá trị lên tới trên 2.000 tỉ đồng vừa bị triệt phá. 8 đối tượng trong đường dây này đã lập hàng chục công ty "ma" để thực hiện hành vi của mình. Trong khoảng 10 tháng, các đối tượng đã phát hành và bán gần 5.000 chứng từ hóa đơn cho nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, thu lời bất chính hơn 200 tỉ đồng.
Cũng với chiêu thức tương tự, tháng 3 vừa qua, theo Công an TP.Hà Nội cho biết, đối tượng Lê Thị Hạnh (sinh năm 1985, quận Hoàng Mai) đã cùng ổ nhóm lập nên 28 công ty “ma” để thực hiện mua bán trái phép hoá đơn giá trị gia tăng. Qua xác minh, các đối tượng đã mua bán trót lọt hơn 48.000 hóa đơn giá trị gia tăng với trị giá hơn 1.553 tỉ đồng trên phạm vi cả nước.
Hay như một vụ án gây nhiều sự chú ý của đại gia xăng dầu Ngô Văn Phát - Chủ tịch HĐQT Cty Cổ phần Thương mại xăng dầu Phát. Tháng 9.2020, cơ quan chức năng đã khởi tố ông Ngô Văn Phát và 6 bị can khác để điều tra về tội mua bán bán trái phép hóa đơn. Ông Phát được xác định đã lập nên hàng loạt công ty "ma" để thực hiện hành vi mua bán hóa đơn với lượng giao dịch lên tới hàng nghìn tỉ đồng.
Theo nhận định của luật sư Nguyễn Thanh Hà (Đoàn luật sư TP.Hà Nội), việc buôn bán hóa đơn trái phép ngày càng diễn ra có tổ chức và chuyên nghiệp. Không chỉ dừng lại ở những hoạt động tự phát của cá nhân đơn lẻ, nâng khống giá trị hàng hóa mà những công ty "ma" còn có sự câu kết với nhiều những đối tượng tại địa phương bằng các hành vi: Tổ chức nhóm phụ trách công ty ma, nhóm tìm kiếm địa bàn, đối tượng có nhu cầu để cung cấp hóa đơn (là những doanh nghiệp có nhu cầu hợp thức hóa đầu vào, hợp thức hóa hàng hóa trôi nổi, nhập lậu…).
Kỳ vọng vào hóa đơn điện tử
Trong câu chuyện về tình trạng mua bán hóa đơn trái phép, một số ý kiến cho rằng, việc để cho doanh nghiệp tự in, phát hành và sử dụng hóa đơn có thể là nguồn cơn cho các hành vi phạm tội. Thực tế này đòi hỏi các cơ quan quản lý cần tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát, không thể để sự thông thoáng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trở thành lỗ hổng để các đối tượng trục lợi.
Ngày 9.6, trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Đức Huy - Phó Chánh Văn phòng Tổng cục Thuế - cho biết, hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp được Tổng cục Thuế tiến hành hằng năm và sẽ tiến hành kiểm tra 20% số doanh nghiệp trên cơ sở phân tích các rủi ro, trong đó có các rủi ro liên quan đến dấu hiệu bất thường về hóa đơn, xuất bán hàng hóa.
"Gian lận về hóa đơn thường xuyên diễn ra. Để xử lý, cơ quan thuế đều thực hiện thanh tra, kiểm tra thuế. Ngoài ra, kiểm soát vấn đề này còn có sự phối hợp với các cơ quan ban ngành như: Công an, quản lý thị trường, Ban chỉ đạo 389 quốc gia về phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại. Và trong nhiều vụ việc, thanh tra thuế đã tích cực đối chiếu, xác minh và liên tục phối hợp với cơ quan công an để phát hiện và xử lý tội phạm" - ông Nguyễn Đức Huy thông tin.
Phó Chánh Văn phòng Tổng cục Thuế cũng nhìn nhận, hoá đơn được tự in nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong việc thực hiện nhiệm vụ, tuy nhiên, tình trạng làm giả, mua bán trái phép hóa đơn vẫn còn nhiều gian nan để xử lý. Theo đại diện Tổng Cục Thuế, một giải pháp cho thực trạng trên là việc phổ biến sử dụng hóa đơn điện tử.
"Một trong những giải pháp triệt để, căn cơ nhất để xử lý tình trạng này đó là áp dụng hoá đơn điện tử, đặc biệt là hoá đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế. Theo các quy định mới nhất, đến thời điểm 1.7.2022, tất cả các doanh nghiệp sẽ phải thực hiện hoá đơn điện tử. Cơ quan thuế cũng đang thực hiện thí điểm khoảng hơn 250 doanh nghiệp thực hiện hoá đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế. Tất cả các hóa đơn của các doanh nghiệp này sẽ phải được chuyển qua hệ thống kiểm soát của cơ quan thuế để xác minh, kiểm tra và cấp mã xác định hóa đơn để đảm bảo" - ông Nguyễn Đức Huy cho hay.
Theo thống kê của Tổng cục Thuế, trong 2 năm gần đây, cơ quan Thuế đã tổng hợp các hành vi vi phạm mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp và củng cố hồ sơ chuyển cho cơ quan Công an hàng trăm trường hợp có dấu hiệu vi phạm. Riêng năm 2019 là 135 trường hợp và năm 2020 là 162 trường hợp.
Tổng cục Thuế đang tiến tới xây dựng hệ thống để tất cả các hoá đơn điện tử được xuất ra sẽ truyền dữ liệu về ngay cơ quan thuế để kiểm tra, kiểm soát. Từ đó, việc giám sát sẽ đến được tất cả các cục, chi cục để quản lý doanh nghiệp.
Xem thêm: odl.836819-pehp-iart-nod-aoh-nab-aum-nahc-nagn-eht-oc-ut-neid-nod-aoh-gnud/taul-pahp/nv.gnodoal