- Đề nghị truy tố 16 đối tượng trong vụ cướp tiền ảo Bitcoin tương đương 35 tỷ đồng
- Làm rõ nhiều chiêu lừa đảo bằng kinh doanh đồng đen và tiền ảo
- Nghệ sĩ Việt quảng cáo tiền ảo đến kiếm tiền thật?
Làm chủ cuộc chơi hay bị nhấn chìm luôn?
Người đứng đầu dự án tiền ảo Robomine này là Đoàn Mạnh Tuấn (SN 1984, trú Đan Phượng, Hà Nội). Tuấn cùng ê-kíp của mình lập trang web: https://robomine.io mô tả về dự án Robomine blockchain, còn được gọi là ngân hàng số; Sổ cái: https://explorer.robomine.io/ mô tả về các ví điện tử và lịch sử giao dịch blockchain; Ví điện tử cá nhân: https://wallet.robomine.io/en chỉ sử dụng được trên trình duyệt di động (nền tảng Android hoặc iOS). Nhà đầu tư tạo tài khoản và nạp coin (Etherium, Tron, USDT hoặc Bitcoin vào ví Robomine).
Thời điểm bắt đầu, Tuấn và ê-kíp thường tổ chức các buổi chia sẻ về dự án Robomine tại một chung cư hạng sang ở số 2 Đỗ Đức Dục, Mễ Trì, Hà Nội. Tuấn giới thiệu dự án Robomine được sáng lập bởi tiến sĩ Nicolas Kokkalis, Trường Đại học Stanford...
Một số nhà đầu tư trình bày sự việc với phóng viên. |
Ngày 9-1-2021, Tuấn khai trương Trung tâm đào tạo Blockchain Academy (hay còn gọi là Học viện Blockchain Academy) có văn phòng tại tầng 3, tòa nhà Dolphin Plaza, số 6 phố Nguyễn Hoàng, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Tuy nhiên, ngày 29-6-2020, Trung tâm đào tạo Blockchain Academy đã bị Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục và môi trường (trực thuộc Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam) ra quyết định giải thể.
Tuấn tổ chức rất nhiều hội thảo tại Học viện Blockchain Academy, Zoom online để giới thiệu dự án Robomine, kêu gọi hàng nghìn người từ các tỉnh thành như Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ, Đồng Tháp, Thái Bình, TP. Hồ Chí Minh... tham gia đầu tư dự án Robomine.
Theo lời quảng bá của Tuấn thì nhà đầu tư tạo ví cá nhân trên địa chỉ: https://wallet.robomine.io/en và mua coin (Etherium, USDT, Tron, Bitcoin) trên các sàn giao dịch và gửi vào ví Robomine để hưởng lãi hằng ngày (9-15%/tháng) được trả bằng coin của Robomine tự phát hành có tên RBM. Để rút lãi về thì nhà đầu tư phải chuyển coin RBM sang Etherium, USDT, Tron hoặc Bitcoin. Tiếp đó, nhà đầu tư chia sẻ cho những người khác để hưởng hoa hồng hệ thống (F1 hưởng 100%; F2 hưởng 50%; F3~F20 hưởng 5% của lợi nhuận coin đào).
Nhà đầu tư nạp coin vào ví cá nhân trên app RBM, sau đó kích hoạt việc đào coin RBM. Theo giới thiệu RBM là coin đào có thuật toán SHA3 trên nền tảng di động đầu tiên, có blockchain riêng, đào coin RBM trên nền tảng POS (bằng chứng cổ phần) và có sổ cái không thể sửa chữa, làm giả. Dự án này giới thiệu việc dừng đào và rút gốc, lãi bất kỳ lúc nào bằng đúng số coin đã gửi nên nhà đầu tư càng tin tưởng vì nghĩ rằng “cuộc chơi” này mình là người chủ động.
Chị Nguyễn Thị H, trú tại Phúc La, Hà Đông (Hà Nội) cho biết: “Tôi là người hiểu biết và cũng đã từng tham gia chơi một số loại tiền ảo trước đó, ban đầu khi đến dự buổi chia sẻ của Tuấn, tôi không tin, bởi có nhiều điểm đáng để nghi vấn. Thế nhưng, khi tôi hỏi những người xung quanh là đã “vào” chưa, họ nói đã “vào” rồi và thấy đúng như lời Tuấn quảng cáo. Tôi cũng đầu tư một khoản tiền nhỏ để thử, thì thấy đúng là người chơi có thể chủ động rút cả gốc lẫn lãi bất cứ lúc nào. Nhưng, tôi mới vào được 10 ngày với số tiền là 82 triệu đồng thì hệ thống thông báo bắt đầu nâng cấp rồi sau đó dừng hoạt động”.
Các nhà đầu tư cho biết, trong quá trình đầu tư rất nhiều lần dự án thông báo cập nhật nâng cấp phần mềm, có lúc thông báo cho nhà đầu tư thời gian cụ thể quá trình nâng cấp. Tuy nhiên, ngày 25-1-2021 thông báo nâng cấp ví Robomine trên trang Twitter chính thức của Robomine là @robomine_io. Nhưng, sau đó quá trình cập nhật tiếp tục bị chậm 1 ngày, rồi 2 ngày, rồi chậm đến cả tháng.
Nhà đầu tư sốt ruột hỏi Tuấn về quá trình cập nhật, lúc này Tuấn chỉ trả lời quá trình vẫn đang tiếp tục cập nhật chưa xong, cộng đồng nhà đầu tư hãy chờ đợi. Hiện tại các nhà đầu tư không rút được coin trong ví, nhiều ví lập từ tháng 12 đến nay không thể đăng nhập được. Các lịch sử giao dịch nạp coin Tron (TRX) vào ví RBM cũng không thể kiểm tra, không đăng nhập được. Nhiều ví kiểm tra lịch sử thấy coin gốc nạp vào đã bị di chuyển tới các địa chỉ không xác định. Đến nay Tuấn vẫn nói Robomine đang cập nhật.
Tan cửa nát nhà vì Robomine
Chị Nguyễn Thị H (Phương Liên, Đống Đa, Hà Nội) - một nạn nhân của dự án này chia sẻ: “Trước đó tôi không biết gì về tiền ảo hay blockchain, cả đời chỉ để tiền trong ngân hàng. Một hôm, tôi gặp đồng nghiệp cũ, cô ấy bảo: “Chị ơi, giờ gửi tiền trong ngân hàng thì lợi nhuận thấp lắm, chị vào cái này đi, hay lắm “mua trâu chị lại đào được nghé”. Nghe theo cô ấy, đầu tiên tôi cũng chỉ vào 2.000 USD thôi. Sau khoảng 10 ngày đầu tư thì cô ấy báo tin vui là “trâu đã đẻ ra nghé”, có muốn rút ra để xem không? Thế là tôi rút thử thì được lãi hơn 20 USD. Thấy lợi nhuận là có thật, lại được chủ động rút bất cứ lúc nào nên tôi lại vào tiếp 8.000 USD rồi lại 15.000 USD. Hồi đó Ngân hàng Techcombank mở cho tôi cái thẻ tín dụng 200 triệu, thế là cứ sẵn tiền đó tôi rút ra để đầu tư vào dự án này. Giờ thì hằng tháng vẫn phải ngấm ngầm xoay tiền trả ngân hàng, vì khi tôi đầu tư cái này thì gia đình không ai hay biết”.
Còn vợ chồng ông Nguyễn Minh Th (65 tuổi) bị lôi kéo vào dự án này và “tự nguyện” thế chấp sổ đỏ của 3 căn nhà mà cả đời vợ chồng ông tiết kiệm mua được. Số tiền vợ chồng ông Th đổ vào đầu tư tiền ảo Robomine là gần 10 tỉ đồng. Ông Th nói: “Đó thực sự là một sự xấu hổ, một nỗi nhục không thể nói nên lời. Mình đường đường là một người có học hành đàng hoàng, cũng có học hàm học vị mà lại bị một kẻ lông bông, không nghề nghiệp nó lừa, mà lừa tất tay mới sợ”.
Một trường hợp khác là chị Lê Thị H (An Lão, Hải Phòng). Chị H có chồng đi lao động ở Đài Loan 7-8 năm nay. Tổng số tiền chồng chị gửi về cho vợ lên tới hơn 4 tỉ. Hai vợ chồng chị dự định cuối năm nay sẽ mua một căn nhà đàng hoàng để an cư. Thế nhưng, vì nghe bạn bè rủ rê đầu tư vào Robomine sẽ sinh lời nhanh. Hậu quả, tất cả số tiền mà vợ chồng chị H quyết định đầu tư giờ đã “không cánh mà bay”. Hiện tại vợ chồng chị vẫn phải sống trong căn nhà thuê mà không biết khi nào mới có cơ hội ra khỏi đó.
Chơi Robomine đến mức vợ chồng đâm đơn ra tòa ly dị là trường hợp của chị Nguyễn Thị M (Yên Nghĩa, Hà Nội). Để có tiền đầu tư vào dự án Robomine, chị M tỉ tê với mẹ đẻ bán đất, ngoài ra có bao nhiêu tiền tiết kiệm của gia đình, chị M cũng dốc hết vào đó. Sau khi mọi chuyện vỡ lở, chồng chị M đã chửi bới và đuổi chị ra khỏi nhà.
Nhiều bị hại của dự án tiền ảo Robomine nói rằng, chỉ vì tin lời chém gió của “nhà sáng lập” cùng với việc choáng ngợp trước những buổi hội thảo xa xỉ và những chiếc xe sang trọng mà Tuấn đang sở hữu nên đã khiến họ không ngần ngại dốc tiền đầu tư.
Chân dung “nhà sáng lập” Robomine
Xem các video đăng tải trên YouTube trước đó của Tuấn (các video này hiện nay Tuấn đã gỡ xuống, chỉ còn nhà đầu tư lưu lại) thì anh ta giới thiệu mình được ông Trần Trọng Hiếu, Chủ tịch Quỹ IDJ Việt Nam cử sang New Zealand du học. Và hiện Tuấn đang là Phó Chủ tịch Quỹ IDJ Việt Nam. Tuy nhiên, sau khi nhiều nhà đầu tư gọi điện cho ông Hiếu để hỏi về thông tin này (đồng thời gửi kèm video lời Tuấn khẳng định về những điều nói trên) thì ông Hiếu đã rất bức xúc.
Đoàn Mạnh Tuấn bê hoa (bên phải) trong một buổi tiệc. |
Trên Facebook cá nhân, ông Hiếu viết một status dài có nhan đề “Bị lợi dụng uy tín để đi lừa đảo tiền ảo”. Trong bài viết của mình, ông Hiếu khẳng định: “Tuấn chưa bao giờ là nhân viên của tôi và tôi không tham gia đầu tư tiền ảo với Tuấn dưới bất kỳ hình thức nào. Bạn này không liên quan đến IDJ... Tôi xin thông báo để cộng đồng được rõ và hãy báo Cơ quan công an nếu bạn là nạn nhân của Tuấn...”.
Theo tìm hiểu của phóng viên, vào năm 2018, Đoàn Mạnh Tuấn lúc đó công việc không ổn định, cả gia đình sống dựa vào quán ăn vặt của vợ ở khu tập thể Tô Hiệu. Sau đó, nhờ giới thiệu, Tuấn làm quản lý một công trình xây dựng của một công ty người quen. Tuy nhiên, trong quá trình làm việc, dựa vào sự tin tưởng của ban lãnh đạo, Tuấn đã làm thất thoát tiền của công ty.
Ông Chu Quang Vui - Giám đốc công ty này cho biết, trong một email Tuấn gửi cho ông vào ngày 15-1-2020, Tuấn cam kết chịu trách nhiệm về khoản tiền này và hứa trong năm 2020 sẽ khắc phục hậu quả, hoàn trả lại số tiền gây thất thoát cho công ty. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn chưa thấy Tuấn có động thái khắc phục nào. Công ty và nhóm luật sư của tôi đang tiến hành khởi kiện vụ việc này với cơ quan chức năng.
Được biết, trong thời gian này, Tuấn vẫn lên mạng xã hội, ngang nhiên "thách thức dư luận" cùng cộng đồng mạng khi thể hiện mình cũng là người bị hại và "phủi tay" toàn bộ trách nhiệm của mình đối với các nhà đầu tư Robomine.
Trâm AnhXem thêm: /660546-ioh-cob-enimoboR-oa-neit-na-ud-iv-na-tab-ut-uad-ahN/lopretnI-os-oH/nv.moc.dnac.gtna