Những chuyến xe 0 đồng
Chúng tôi đến điểm tiếp nhận hàng hóa ở đầu cầu 144 Tây Trà, điểm tập kết chính ở Hà Nội của một nhóm bạn trẻ để ghi nhận. Mọi người đang tất bật tiếp nhận hàng hóa từ các “Mạnh Thường Quân” trên cả nước gửi tặng bà con Bắc Giang. Từ nhu yếu phẩm, thực phẩm, đến các vật dụng cần thiết để phòng chống dịch.
Lê Thư, một sinh viên tình nguyện cho biết, điểm Tây Trà có 10 thành viên chủ chốt đến từ nhiều vùng quê khác nhau, ngoài ra còn có nhiều sinh viên, các thành viên tình nguyện ở cả hai đầu Hà Nội, Bắc Giang cùng tham gia vận chuyển, bốc dỡ hàng hóa. Khi dịch COVID-19 bùng phát và trở thành điểm nóng ở Bắc Giang, các thành viên trong đó có nhiều người quê ở Bắc Giang đã nảy ra ý định giúp đỡ, hỗ trợ bà con vùng dịch, kêu gọi mọi người ủng hộ và trực tiếp vận chuyển hàng hóa về cho bà con cũng như giúp bà con giải cứu nông sản.
Những suất cơm nghĩa tình. |
Địa điểm tập kết hàng hóa ở Hà Nội gồm 3 điểm: Bán đảo Linh Đàm, Long Biên và 144 Tây Trà, Hà Nội. Hằng ngày, các thành viên sẽ có mặt tại điểm tiếp nhận hàng ở Hà Nội từ rất sớm, thậm chí, bất cứ lúc nào hàng được chuyển đến điểm tập kết là các thành viên có mặt kịp thời để bốc vác, phân loại hàng hóa, rồi lại chuyển lên xe tải để chở về Bắc Giang.
Điểm tiếp nhận ở Hà Nội gồm rất nhiều các loại hàng hóa khác nhau. Khi phân loại, các thành viên sẽ ưu tiên những loại hàng hóa phục vụ cho tuyến đầu chống dịch như khẩu trang, đồ bảo hộ, dung dịch sát khuẩn, sữa, nước điện giải. Sau đó sẽ là những mặt hàng phục vụ thiết yếu cho nhu cầu người dân như gạo, mỳ, củ quả... Mùa hè oi nóng, rau xanh không để được lâu nên củ quả sẽ được lựa chọn thay thế phục vụ nhu cầu hằng ngày của người dân.
Đặc biệt, các thành viên trong nhóm lại là người tài trợ chính những chuyến xe 0 đồng, chở hàng hóa về cho bà con Bắc Giang. Điểm tập kết hàng hóa ở Bắc Giang là ở Q17 Quang Trung, thành phố Bắc Giang. Từ đây, các chuyến hàng sẽ tỏa về khắp các vùng nông thôn bị cách ly, các bệnh viện dã chiến, các khu ở của công nhân trong vùng phong tỏa đang gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn về mọi mặt
Đang là giám đốc một công ty kiến trúc, anh Trịnh Văn Thắng gác lại mọi công việc công ty, tình nguyện tham gia các nhóm từ thiện, trực tiếp huy động xe ô tô cá nhân vận chuyển hàng hóa.
Anh Thắng còn kết nối các thành viên cùng tham gia vận chuyển miễn phí hàng hóa từ Hà Nội về Bắc Giang, từ đó tỏa đi các vùng phong tỏa, cách ly. Từ sự kết nối, hỗ trợ nhau chỉ qua Facebook, Zalo, nhóm những chuyến xe 0 đồng ngày càng kết nạp được nhiều thành viên, kết nối nhiều nhóm từ thiện, vận chuyển hàng hóa miễn phí từ Hà Nội về các vùng tâm dịch.
Anh Nghiêm Văn Trí, một thành viên của hội những chuyến xe 0 đồng hiện đang sinh sống ở Tân Yên, Bắc Giang chia sẻ: "Ban đầu mình dùng xe cá nhân trực tiếp chở hàng. Làm được vài ngày thì nhiều anh chị cùng tham gia và nhận vận chuyển hàng hóa từ điểm tập kết ở Bắc Giang đi đến các vùng dịch".
Chưa bao giờ những chuyến xe 0 đồng lại đắt hàng đến vậy. Mỗi ngày 8-10 chuyến từ Hà Nội về thành phố Bắc Giang. Rồi từ thành phố Bắc Giang, thêm nhiều chuyến xe miễn phí về đến điểm cần hàng. Với hàng trăm cuộc điện thoại kết nối, những chuyến xe 0 đồng đang chở tình yêu thương của nhân dân cả nước đến các vùng tâm dịch.
Không chỉ là lái xe, anh Thắng, anh Trí và các lái xe kiêm luôn nghề bốc vác, tổng hợp lại danh sách các chuyến xe để sắp xếp cho hợp lý và kịp thời gian. Mọi chi phí xăng xe, đi lại, thuê lái xe, các anh đều tự bỏ tiền ra lo.
Mang rau quả đến cho bà con vùng dịch. |
Anh Đào Ngọc Đạo cũng là một thành viên tích cực của đội lái xe 0 đồng. Anh là người điều phối các chuyến xe 0 đồng từ Hà Nội đi các vùng tâm dịch. Là chủ nhiều cửa hàng kinh doanh, ăn uống, cung ứng thực phẩm trên địa bàn Hà Nội nhưng anh Đạo gác lại mọi công việc kinh doanh, cùng các lái xe làm nhiệm vụ bốc vác, chở hàng. Có những hôm trời nắng nóng, vừa phải bốc dỡ hàng hóa trong bộ đồ bảo hộ kín mít, anh em sốc nhiệt, mệt lử, nằm lăn ngay trên đường để nghỉ ngơi. Đỡ mệt lại sốc lại tinh thần, lên xe vận chuyển tiếp đến nơi mọi người đang cần.
Nhiều người bảo anh "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng" khi đường đường là một ông chủ lại đi lo chuyện bao đồng, làm việc hùng hục, không khác gì dân lao động, bốc vác ngoài chợ. Hơn một tháng tham gia, công việc vất vả, đi sớm về muộn biến một anh chủ cửa hàng bóng bẩy thành một anh công nhân bốc vác đen nhẻm.
Những tấm lòng đáng quý
Đang có cơ sở kinh doanh làm ăn phát đạt ở thành phố Bắc Giang nhưng khi dịch COVID-19 bùng phát ở Bắc Giang, chị Lê Hà Ngân tự đóng cửa hàng, chung tay phòng chống dịch. Thời gian này chị tham gia nhiệt tình vào các nhóm thiện nguyện hỗ trợ bà con vùng dịch. Trước đó, Ngân đã là thành viên tích cực của nhóm từ thiện xây dựng nghĩa trang cho các hài nhi bị bỏ rơi, tích cực kêu gọi giúp đỡ và xây dựng nhà tình nghĩa cho các hoàn cảnh khó khăn... ở Bắc Giang. Trong đợt dịch lần này, Ngân đã kêu gọi được hơn 3 tỉ đồng, cả tiền mặt lẫn vật chất ủng hộ bà con các khu cách ly, phong tỏa.
Chồng Ngân cũng là một cán bộ Công an huyện Yên Thế. Kể từ đầu đợt dịch, chồng vắng nhà liên tục vì bận đi phòng chống dịch, lẽ ra, Ngân phải ở nhà chăm con cái, để chồng yên tâm công tác, thế nhưng nghĩa tình với quê hương, với bà con vùng dịch khiến chị không thể ngồi yên ở nhà.
Gửi lại hai đứa con cho bà ngoại chăm sóc, Ngân theo những chuyến hàng tập kết từ Hà Nội về điểm cầu Bắc Giang lại phân loại, chuyển hàng hóa lên những phương tiện khác để chuyển sâu vào vùng tâm dịch, các bệnh viện dã chiến và các khu cách ly. Đi sớm về muộn, nhiều hôm, Ngân còn không có cả thời gian nhìn mặt con vì cứ về nhà lúc nửa đêm, sáng sớm đã phải đi nhận hàng, chuyển hàng. Không chỉ lo nhận, sắp xếp hàng hóa, Ngân còn tham gia nấu những suất cơm nghĩa tình gửi tặng bà con và các bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch. Có những hôm bốc dỡ, vận chuyển giường xếp đến các bệnh viện dã chiến, bị rơi vào chân, mất mấy ngày phải đi cà nhắc nhưng Ngân vẫn không rời địa điểm tập kết.
Nhóm thiện nguyện bốc dỡ hàng hóa. |
Giống chị Ngân, chị Nguyễn Thu Hường cũng đang là bà chủ một cơ sở kinh doanh ở ngay điểm tập kết Q17 Quang Trung, thành phố Bắc Giang. Dịch COVID-19 bùng phát, chị Hường tạm nghỉ kinh doanh, biến cơ sở kinh doanh của mình thành điểm tập kết hàng hóa. Chị Hường còn vận động cả người thân, bạn bè tham gia hỗ trợ vận chuyển hàng hóa cũng như đóng góp cho bà con vùng dịch. Có những đêm 11 rưỡi, 12 giờ chị vẫn lọ mọ ra mở cửa kho để nhận hàng cũng như chuyển hàng cho các chuyến xe 0 đồng kịp tỏa về các vùng cách ly.
"Nửa đêm vẫn nghe điện thoại, nhận điện thoại hàng hóa, chồng em cứ trêu là gọi điện cho anh nào mà đêm còn nhỏ to, thì thầm thế. Có lần nhận được cuộc gọi điện thoại của một nhóm bảo vệ xin cứu trợ vì trong vùng dịch lúc nửa đêm vì không có đồ ăn nước uống, vậy là em lại tìm cách xác minh, nhờ người chuyển đủ đồ ăn về cho họ", chị Hường cười tươi chia sẻ.
Dù con đang còn nhỏ, đứa thứ 3 mới hơn 5 tháng tuổi nhưng chị Nguyễn Thị Nga (quê Tân Yên, Bắc Giang) tranh thủ gửi con cho bà ngoại trông, tham gia tiếp nhận hàng hóa, phân loại ở điểm cầu Tây Trà. Trước đây, chị là cán bộ xã Đại Hóa, Tân Yên, Bắc Giang, cũng từng hết mình vì công việc xã hội, công việc thiện nguyện ở quê hương, giúp đỡ được nhiều mảnh đời bất hạnh ngay trên chính mảnh đất quê hương mình.
"Các điểm tập kết nhận được rất nhiều mặt hàng khác nhau cũng như đóng góp của nhiều người. Có cả bé 12 tuổi nhưng dành toàn bộ tiền tiết kiệm mua 20 thùng nước chanh muối điện giải và viết thư gửi tặng các bác sĩ tuyến đầu chống dịch đọc mà xúc động lắm", chị Nga chia sẻ.
Từ đầu đợt dịch đến giờ, các anh chị em trong nhóm đều sút vài cân, gầy, đen nhẻm khi thường xuyên phải thức khuya dậy sớm, bốc dỡ hàng hóa những ngày nắng nóng. Thế nhưng, ai cũng vui vẻ, nhiệt huyết, chỉ mong đến ngày hết dịch để bình yên được trở lại trên khắp mọi miền đất nước. Không chỉ có họ mà khắp nơi trên dải đất hình chữ S này mọi người đều đang đoàn kết, đồng lòng hướng về những vùng cách ly, phong tỏa đang gặp nhiều khó khăn, ủng hộ các bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch.Trâm Anh
Xem thêm: /520546-gnaiG-caB-iov-es-aihc-neyugn-hnit-gnah-neyuhc-gnuhN/us-gnohP/nv.moc.dnac.gtna