Ý tưởng điên rồ hay ước mơ có thật?
Rộng khoảng 2.060km vuông, Bir Tawil nằm giữa biên giới ngăn cách Ai Cập với Sudan. Đây là một sa mạc với những luồng gió khô thường xuyên thổi vào từ bán đảo Arab, cuốn bay những lớp bụi cát khiến tầm nhìn gần như bằng 0. Nó không có sông hồ hay ao ngòi và cũng không cây cối dù chỉ là thực vật cấp thấp như rêu hoặc địa y. Bir Tawil đóng vai trò là cửa ngõ trước khi đi vào sa mạc Nubian rộng lớn, có diện tích gấp đôi lục địa Anh và gần như cằn cỗi.
Bir Tawil cũng hoàn toàn không có người sinh sống ngoại trừ vài nhóm đào vàng thỉnh thoảng đến đây với hy vọng đổi đời nhưng chỉ sau vài ngày, họ nhanh chóng rút lui bởi lẽ họ chẳng tìm đâu ra nguồn nước dùng để đãi vàng cũng như sinh hoạt. Đã vậy, nếu cần thêm lương thực hoặc xăng dầu cho máy móc, họ phải đi hàng trăm dặm mới đến được thị trấn Abu Hamed ở Sudan để mua, chưa kể các nhóm cướp vũ trang sẵn sàng trấn lột tất cả những gì họ có.
Heaton và con gái Emyli trước lá cờ Vương quốc Bắc Sudan tại nhà riêng trước khi lên đường đến Bir Tawil |
Tháng 6-2014, một nông dân 38 tuổi là Jeremiah Heaton, sống ở bang Virginia, Mỹ, khi đọc trên mạng Internet những thông tin về vùng đất Bir Tawil vô chính phủ nên đã nảy sinh ý định sở hữu nơi này để thành lập một vương quốc mà ở đó, con gái ông - Emily sẽ là công chúa. Bằng nhiều cách, Heaton xin được những giấy tờ cần thiết từ nhà chức trách quân sự Ai Cập để bắt đầu chuyến đi đến Bir Tawil.
Trước lúc lên đường, Heaton đã may một lá cờ hình chữ nhật với nền màu xanh đậm, giữa có một vòng tròn màu vàng còn bên trong vòng tròn là cái vương miện tỏa ra nhiều tia sáng, phía trên có 1 ngôi sao vàng tượng trưng cho công chúa Emily còn phía dưới có 3 ngôi sao trắng, tượng trưng cho 3 đứa con còn lại. Trên trang Facebook, Heaton viết: "Bir Tawil sẽ mãi mãi được biết đến với cái tên Vương quốc Bắc Sudan. Vương quốc được thành lập và được cai trị bởi một chế độ quân chủ có chủ quyền. Tôi là vua, con gái tôi Emily là công chúa".
Khởi hành từ thành phố Aswan, cực nam Ai Cập trên chiếc xe bán tải, Heaton cùng con gái Emily đi qua vùng đất khô cằn nằm giữa hồ Nasser ở phía Tây và Biển Đỏ ở phía Đông, qua những hẻm núi hẻo lánh và những bình nguyên lởm chởm đá. Trên đường đi, cô con gái Emily 7 tuổi luôn miệng hỏi Heaton rằng có chắc chắn cô sẽ trở thành công chúa hay không? Vẫn trên trang Twitter, Heaton viết: "Tôi chính thức tuyên bố với thế giới con gái tôi là công chúa. Vương quốc của tôi sẽ là một trong những quốc gia hiếu khách nhất hành tinh mặc dù nó không có dân cư cố định, không có biển và không có đất canh tác. Tuy nhiên nó sẽ trở thành một trung tâm nghiên cứu công nghệ nông nghiệp tiên tiến, mang lại lợi ích cho toàn thể nhân loại".
Những tuyên bố của Haeton trên mạng Twitter được một tờ báo địa phương ở bang Virginia là Bristol Herald-Courier đăng tải và nó nhanh chóng trở thành "tin nóng" trên Internet. Các tập đoàn truyền thông lớn nhất nước Mỹ như CNN, Time, Newsweek cùng hàng trăm hãng tin khác trên thế giới đều có bài nói về chuyện này. Phản hồi của độc giả thì một số người gọi Vương quốc Bắc Sudan là "ý tưởng điên rồ tạo ra bởi một kẻ tâm thần" nhưng nhiều người khác lại cho rằng đó là "ước mơ có thật". Chưa kể khi Heaton phát động chiến dịch quyên góp 250 nghìn USD để Vương quốc Bắc Sudan có thể bắt đầu đi vào hoạt động thì dư luận lại càng xôn xao hơn nữa. Trả lời một cuộc phỏng vấn của Đài CNN, Heaton nói: "Bất kỳ ý tưởng mới nào mang tính táo bạo luôn gặp phải sự chế giễu, hoặc bị đặt câu hỏi về yếu tố hợp pháp của nó nhưng tôi tin rằng tôi đang làm đúng bởi lẽ đến nay, vẫn chưa có một quốc gia hay cá nhân nào tuyên bố chủ quyền với sa mạc Bir Tawil. Vì vậy, không chỉ mình tôi mà ai cũng đều có thể sở hữu nó. Vấn đề là người nào nhanh tay nhất mà thôi…".
Heaton cắm cờ Vương quốc Bắc Sudan trên sa mạc Bir Tawil |
Tình trạng bất thường của Bir Tawil
Nằm giữa biên giới Sudan và Ai Cập, sau 18 năm giao tranh dữ dội giữa một bên gồm quân đội Ai Cập, Anh Quốc và một bên là phiến quân Mahdist ở Sudan, năm 1899, đại diện chính phủ Anh đã ký một thỏa thuận thiết lập quyền thống trị chung của Anh đối với Ai Cập và Sudan, trong đó biên giới phía Bắc của Sudan chạy dọc theo vĩ tuyến 22, cắt một đường thẳng qua sa mạc Nubian ra biển.
Tuy nhiên, ba năm sau, một thỏa thuận khác cũng do người Anh soạn thảo, ghi nhận núi Bartazuga ở ngay phía Nam vĩ tuyến 22 là nơi sinh sống của bộ tộc du mục Ababda, được coi là có mối liên hệ chặt chẽ với Ai Cập hơn là với Sudan nên thỏa thuận quy định khu vực này sẽ do Ai Cập quản lý. Trong khi đó, một mảnh đất ở phía Bắc vĩ tuyến 22, tên là Hala'ib, tiếp giáp với Biển Đỏ, được giao cho các bộ tộc người Beja, chủ yếu sống ở Sudan để chăn thả gia súc nên nó thuộc về Sudan.
Tranh chấp lãnh thổ bắt đầu khi Sudan giành được độc lập vào năm 1956. Ngay lập tức Chính phủ Khartoum tuyên bố rằng biên giới quốc gia họ đúng với thỏa thuận thứ 2 do người Anh thiết lập nhưng Cairo từ chối vì cho rằng thỏa thuận thứ 2 chỉ liên quan đến các khu vực tài phán hành chính tạm thời, còn chủ quyền thì đã được thiết lập trong thỏa thuận số 1. Theo luận cứ này, vùng Hala'ib vẫn thuộc về Ai Cập nhưng nếu dựa vào thỏa thuận thứ 2 thì nó là của Sudan!
Đầu những năm 1990, khi một công ty dầu khí Canada bắt đầu khoan thăm dò ở Hala'ib, nơi được cho là có trữ lượng dầu mỏ khá lớn thì bất đồng giữa hai bên không còn mang tính ngôn từ nữa. Ai Cập cử lực lượng quân sự đến đòi lại Hala'ib từ Sudan. Riêng cái rẻo đất sa mạc Bir Tawil rộng 2.060km vuông nằm ngay phía Nam vĩ tuyến 22, xung quanh núi Bartazuga thì chẳng bên nào đả động bởi lẽ nếu Sudan công nhận chủ quyền của mình với Bir Tawlil thì điều đó đồng nghĩa với việc núi Bartazuga cũng thuộc về họ. Còn nếu Ai Cập tuyên bố sở hữu Bir Tawil thì khu vực phía Bắc vĩ tuyến 22, tên là Hala'ib đương nhiên thuộc về Ai Cập. Chính vì thế, trên bản đồ địa lý quốc gia của cả Ai Cập lẫn Sudan không hề có cái tên Bir Tawil.
Từ đó đến nay, Bil Tawil vẫn là mảnh đất vô chính phủ và việc Heaton dự định biến nó thành "Vương quốc Nam Sudan" dựa trên yếu tố này. Trên trang Twitter, Heaton nhấn mạnh: "Rất nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đã nhìn thấy cơ hội thị trường bởi những gì tôi đang làm, và một trong những nguyên tắc chính của tôi là chia sẻ thực phẩm, tài nguyên mà tôi phát triển ở Vương quốc Bắc Sudan đến những người khác.
Vì vậy tôi nghĩ rằng họ hiểu dự án này sẽ mang lại lợi ích cho tất cả. Tôi không phải là người theo chủ nghĩa thực dân, đi xâm chiếm đất đai của kẻ khác. Tôi cũng không dùng Vương quốc Bắc Sudan để khoan dầu, đào kim cương hay khai thác Uranium. Ngay cả những người du mục Bedouin mà tôi gặp trên đường đến Bir Tawil cũng không phản đối ý định của tôi khi tôi tiếp xúc với họ".
Zhikarev và Mikhail dựng cờ Nga ở Bir Tawil. |
Tranh chấp
14 ngày kể từ khi Heaton rời khỏi Ai Cập để tiến vào sa mạc Bir Tawil, căn cứ vào hệ thống định vị GPS, ông biết rằng mình đã ở ngay trung tâm của "vương quốc". Vài phút sau đó, lá cờ màu xanh có hình vương miện tỏa sáng được Heaton dựng lên trên một mòm đá. Heaton tuyên bố: "Vương quốc Bắc Sudan chính thức ra đời. Vấn đề còn lại là tôi cần phải làm việc với cả Ai Cập lẫn Sudan cùng cộng đồng quốc tế để họ nhìn nhận sự xuất hiện của vương quốc".
Thế nhưng, đầu tháng 9-2015, hơn 1 năm sau khi Heaton cắm lá cờ "Vương quốc Bắc Sudan" lên sa mạc Bir Tawil, một người Nga tự nhận mình là "vua Zhikharev" bất ngờ lên tiếng, khẳng định mình cùng người bạn là Mikhail Ronkainen đã đặt chân lên Bir Tawil và đã cắm cờ Nga ở nơi này trước cả Heaton nên chủ quyền của Bil Tawil thuộc về Zhikharev.
Chứng cứ mà Zhikharev đưa ra là bức ảnh ông ta cùng Mikhail Ronkainen đứng trước cờ Nga cùng nhật ký GPS ghi lại ngày giờ, tọa độ của Zhikharev ở Bir Tawil trong điện thoại vệ tinh. Zhikharev nói: "Tại sao tôi cần nhật ký GPS? Câu trả lời là nó chứng minh Bir Tawil thuộc về tôi bởi lẽ nếu không có GPS, bất cứ ai cũng có thể đến gỡ lá cờ ấy".
Khi được hỏi tại sao sau khi cắm cờ, Zhikharev không công bố việc làm của mình để khẳng định chủ quyền đối với Bir Tawil, Zhikharev trả lời: "Để làm gì? Tôi không hề gọi điện cho một đài truyền hình hay một tờ báo nào vì nếu tôi làm thế, người ta có thể nói rằng những người Nga độc ác đang đánh cắp giấc mơ công chúa của một cô bé". Trong một lá thư gửi Heaton, Zhikharev viết: "Tôi phản đối yêu sách của anh về Bir Tawil. Một mối quan hệ với tôi trong Chính phủ Ai Cập đã cho tôi biết anh đã không vượt qua biên giới Ai Cập. Những bức ảnh anh đang tạo dáng với lá cờ trên sa mạc có thể được chụp ở bất cứ đâu. Tốt hơn hết anh không nên tiếp tục tuyên bố chủ quyền trên lãnh thổ của tôi".
Theo Heaton, có thể Zhikharev và Mikhail đã đến cắm cờ ở Bil Tawil nhưng điêu đó chỉ xảy ra sau khi Heaton làm việc này: "Căn cứ vào nhật ký GPS mà Zhikharev công bố thì ông ta đến Bir Tawil vào ngày 17-12-2014, nghĩa là sau tôi gần 6 tháng. Tôi nghĩ Zhikharev lưu lại Bir Tawil trong khoảng thời gian rất ngắn vì lá cờ mà ông ta cho rằng mình đã cắm, nằm không xa đường biên giới Ai Cập. Và bởi vì ông ta không dám vào sâu trong sa mạc nên ông ta không thể gỡ bỏ lá cờ của "Vương quốc Bắc Sudan".
Trong những lần trao đổi với tôi qua mạng Internet, ông ấy ra sức thuyết phục tôi về vị trí nơi tôi đã cắm cờ, chưa kể trong lá thư gởi tôi, ông ấy viết "người ta có thể nói rằng những người Nga độc ác đang đánh cắp giấc mơ công chúa của một cô bé". Điều ấy chứng tỏ trước khi đến Bir Tawil, ông ấy đã biết về việc con gái tôi sẽ là công chúa của "Vương quốc Bắc Sudan". Rõ ràng Zhikharev là kẻ lừa đảo".
Hiện tại, kế hoạch quyên góp 250 nghìn USD của Heaton để xây dựng "Vương quốc Bắc Sudan" gặp thất bại nặng nề. Suốt 5 năm, Heaton chỉ nhận được 10.638 USD, kể cả khi Heatn hứa sẽ phong tước "Hiệp sĩ Vương quốc Bắc Sudan" cho những người ủng hộ từ 300USD trở lên. Từ đó đến nay cả Heaton lẫn Zhikharev đều không ai quay lại Bir Tawil mặc dù Zhikharev đã khẳng định như đinh đóng cột: "Tôi sẽ trở về đó để tặng dân du mục những cái lều vững chắc thay vì họ phải ở dưới những tấm giẻ, căng giữa hai cây cọc để chống nắng", còn Heaton thì: "Cuộc khủng hoảng nhân đạo ở châu Âu đang lên đến đỉnh điểm. Hàng chục nghìn người, chủ yếu từ châu Phi đang cố gắng đến Đức, Anh, Pháp… Vì thế tôi đang làm hết sức để có thể xây dựng cho họ một nơi sinh sống lâu dài trên lãnh thổ Vương quốc Bắc Sudan…".
Và như vậy, trò chơi vương quyền ở đây xem ra vẫn tiếp tục!
Vũ Cao (Theo Traveller)