- Họa sĩ Đoàn Quốc: Tình yêu Sài Gòn hiện trên tranh màu nước
- Họa sĩ Vi Quốc Hiệp: Yêu cái đẹp đến mê mải
- Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn: Vượt qua cánh cửa hẹp
Từ cổ chí kim, hiện thực hay siêu thực thì tạo hình cây và nhà là hai đối tượng gần gũi nhất với con người. Vì thế hầu như các họa sĩ đều ít nhất trong đời mình dành nhiều tâm trí và công sức cho những tác phẩm phong cảnh trong đó chú trọng về cây và nhà.
Họa sĩ Đào Hải Phong. |
Nhưng những cái cây và ngôi nhà của Đào Hải Phong dường như không hẳn còn mang bóng dáng cây đa bến nước sân đình của người Việt nữa. Và những cái cây, ngôi nhà mang hình bóng Việt của Đào Hải Phong đã xâm thực và hòa đồng trong môi sinh môi trường, hòa nhịp trong đời sống đâu đó của thế giới sôi động, khi mà những năm 90 các nhà sưu tập thế giới ồ ạt tìm đến Đào Hải Phong để sưu tập tranh của anh. Hồi ấy tranh anh vẽ không kịp để bán, và một thời phố Nguyễn Thái Học trở thành “phố đạo tranh” của Đào Hải Phong là vì thế khi bày bán nhan nhản những bức tranh nhái theo phong cách của anh.
Tôi đã từng dự các triển lãm tranh của Đào Hải Phong, mới đây nhất là triển lãm có tính chất tổng kết một chặng đường sáng tạo nghệ thuật của anh có tên là “Lối Phong”. Tôi cũng từng đến xưởng của anh để quan sát công việc của một họa sĩ nổi tiếng và thành đạt nhưng gần như vẫn dành dụm chắt lọc niềm đam mê của mình một cách cẩn trọng nhất, và dồn sức lao động cật lực trên cánh đồng nghệ thuật. Khi đến xưởng, tôi may mắn được tiếp xúc nhiều với các tác phẩm của anh. Thực sự tôi đã ám ảnh và suy nghĩ mãi về tạo hình cây và nhà của họa sĩ Đào Hải Phong. Với tôi nó rất đặc biệt và đầy mỹ cảm. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi tranh luận với nhau về những cái cây và ngôi nhà trong nghệ thuật hội họa của Đào Hải Phong.
- Thưa họa sĩ, hình như tất cả các đối tượng chủ đạo trong tranh của anh cuối cùng đều nghiêng về một ngôi nhà, một chốn trú ngụ cuối cùng?
+ Chị nhận xét tương đối chính xác. Tôi thích vẽ phong cảnh. Phong cảnh tranh tôi không có địa danh cụ thể, hãy tạm gọi là hiện thực phi lý.
- Có vẻ như chúng ta ai cũng cần có một căn nhà để ra đi và để trở về… Anh là người Hà Nội, trai phố, có phải sự ít xê dịch cho anh một cảm giác an toàn khi vẽ về những cái gì thân thuộc nhất của mình?
+ Tuổi thơ của tôi đắm chìm vào những cuốn truyện cổ tích. May có một gia đình ấm ấp tràn đầy yêu thương của cha mẹ. Tôi thích lớn lên ở làng Ngũ Xã, có nghề đúc đồng nổi tiếng thế kỉ trước. Làng tôi nằm ở trung tâm Hà Nội, có ngôi chùa cổ, sân đình, cây đa. Nhà tôi gần hồ Trúc Bạch, có vườn cây nhỏ. Có thể chính cuộc sống đó, nét văn hóa đó đã ảnh hưởng đến nghệ thuật của tôi bây giờ. Tôi thích vẽ từ 6 tuổi. Hồi đó, tôi đã thích ngắm những ngôi nhà nhỏ bên kia hồ, và hay mơ hồ sợ hãi vu vơ nghĩ đến khi chiều tối mà ai đó không có nhà để về.
Ai cũng cần một mái nhà để trở về. Đúng vậy! ngôi nhà không thể thiếu đối với con người, phải chăng những ngôi nhà đơn sơ đó đi theo tôi, đã chọn tôi. Và tôi bằng lòng với sự lựa chọn đó. Vẽ nó nhiều năm, tôi biến những ngôi nhà đơn sơ đó thành mô típ riêng của tôi trong nghệ thuật. Tôi hiện hữu nó, làm mới nó, truyền cảm xúc trạng thái thăng hoa, hứng thú nhất vào nó ở cả những lúc vui và buồn trong nghệ thuật. Để rồi những ngôi nhà đó trở nên sinh động, hấp dẫn, quyến rũ, có mỹ cảm.
Nếu chị thắc mắc vì sao tôi vẽ đi vẽ lại những cái cây và ngôi nhà. Tôi xin trả lời rằng, tôi chỉ vẽ những gì tôi yêu nhất, gần nhất, hiểu nhất, và tác động đến tâm hồn tôi nhất. Đời sống nào thì nghệ thuật thế, tôi tìm giá trị nghệ thuật ở ngay bên cạnh mình. Nghệ thuật của tôi là tương tác, tương đồng cùng công chúng. Tôi nghĩ một tác phẩm hội họa có giá trị phải chạm được vào cảm xúc của người thưởng thức.
Nghệ thuật không biết nói dối.
- Tôi có ý nghĩ này. Trong những bức tranh của anh, hình ảnh ngôi nhà là chủ đạo. Nhưng không hiểu sao khi nhìn vào những ngôi nhà tôi lại thấy những cái cây mới là hình tượng chính? Cái cây mới là biểu tượng, là chốn vững chãi cho ngôi nhà trú ẩn và nương tựa?
+ Nhiều người hỏi tôi cây này là cây gì. Đôi lúc tôi cũng có chút hoang mang, im lặng với những bức tranh cây mình vẽ ra. Hoang mang với cả câu hỏi. Thời đi học, tôi vẽ cây gì ra cây đó đã lâu rồi. Tôi đã chán vẽ những cái cây ai cũng nhìn thấy rồi. Nhưng giờ cây trong hội họa của tôi chỉ là nguyên cớ. Tôi vẽ bóng dáng người đàn bà trong cây. Tôi vẽ đám mây, cơn mưa trong cây. Tôi vẽ tôi trong cây,…
Cây ám thị tôi không biết từ bao giờ. Khi nhìn ở xa, tôi tưởng cây đứng im bất động. Tiến lại gần ngước lên thấy âm thanh của cây như đang trò chuyện. Mỗi mùa thay lá, tôi thấy sự luân hồi của cuộc đời. Chị nhắc tới cây đa đầu làng à! Ồ đúng, tôi nghĩ đó là linh hồn, là nhân chứng của làng. Dưới gốc đa đó xảy ra biết bao điều trong cuộc sống – Hỉ Nộ Ái Ố.
Tôi nhìn thấy có lúc cây cười khi đẹp trời, nổi giận với giông bão, tả tơi với thiên tai, che chở khi mưa nắng, im lặng cùng mất mát. Ám ảnh này của cây sao tôi thoát ra được. Không biết rằng cây đã cùng tôi, hay tôi cùng cây hiện hữu nhau từ bao giờ trong nghệ thuật.
Một tác phẩm của họa sĩ Đào Hải Phong. |
- Những cái cây với tạo hình tán cây trùm lên to như một khu rừng thu nhỏ trong vũ trụ. Tôi có cảm giác nhìn vào một cái cây của anh là nhìn vào một khu rừng… và trong tán cây đó còn ẩn chứa bao bí mật. Mỗi cái cây là một tiểu vũ trụ thu nhỏ. Tôi luôn muốn ngắm nhìn mãi cái cây để tưởng tượng thế giới phía trong đó là gì?
+ Đúng vậy! Nó là tâm hồn của tôi khi sáng tác.
- Dưới những bóng cây, những ngôi nhà trong tranh của anh hiện ra thật yên bình và ấm áp. Ở đó có ánh sáng rực rỡ hắt lên từ khung cửa sổ, có bóng cây ngả xuống bao trùm chở che, có dòng sông con thuyền gác mái thật thanh thản nhẹ nhõm. Cây vì nhà mà chở che bao bọc, nhà có cây mà yên ổn hạnh phúc? Hội họa đó của anh phải chăng chuyển đi chính thông điệp này?
+ Quả thật tôi luôn muốn làm được điều đó trong hội họa của tôi. Núi sông, ngôi nhà, cây cối, con thuyền, cỏ hoa, động vật, chim muông muôn đời thì vẫn thế. Tâm trạng nghệ sĩ là luôn thay đổi. Nhiệm vụ của người họa sĩ là phải tưởng tượng, suy nghĩ, tìm ra thẩm mỹ của riêng mình. Ai đã từng nói: “Thiên nhiên là thầy của các bậc thầy trong nghệ thuật”. Tôi thấy quá chuẩn. Tôi thích ai đó khi xem tranh tôi tương tác với tác phẩm, xem tôi nghĩ gì mà vẽ như thế. Xin đừng hỏi tôi vẽ cụ thể ở đâu, cây gì.
Cái cây con thuyền trong tranh tôi chỉ mang một thông điệp là sự sống, là luân hồi, là chuyển động, là xê dịch thuộc về con người đang sống, mà không cần sự hiện hữu có người trong tranh của tôi. Tôi quan niệm mạch lạc trong nghệ thuật của mình, không phải vẽ cái gì, ở đâu, mà vẽ như thế nào. Ở bất cứ nơi nào cũng tìm được cảm xúc của mình trong đó. Quan trọng tranh tôi có làm bạn thích không! Nếu không, coi như tôi thất bại.
- Những cái cây mang tên hạnh phúc trong tranh Đào Hải Phong có thật không? Nó ở đâu trong đời sống này? Vũ trụ này? Hay là thứ con người dành cả đời để khao khát kiếm tìm bởi suy cho cùng nó mộng nhiều hơn thực? Anh có bao giờ nghĩ thế không?
+ Tôi nghĩ nhiều và luôn tự đối thoại với chính mình, phủ định mình. Nhưng sự hấp dẫn của nghệ thuật lại nằm ở chỗ vừa có vừa không, vừa xa vừa gần.
- Mỗi người có một miền hội họa của riêng mình. Đào Hải Phong đã rất thành công với những bức tranh phong cảnh về ngôi nhà, những cái cây, dòng sông thơ mộng và những con thuyền gác trăng đẫm sương. Có bao giờ anh nghĩ mình phải rời bỏ tất cả để đi tìm một con đường mới, một không gian nghệ thuật mới? Anh có sợ cứ vẽ mãi về những cái cây, về những ngôi nhà đẹp lung linh huyền ảo, một ngày nào đó anh sẽ tự thấy cảm xúc sẽ bị bào mòn đi không?
+ Rất sợ! Tôi không làm gì khác được ngoài hội họa. Nhớ lại sinh thời cha tôi có lần nói: “Nếu anh thấy chán hay mất cảm xúc trong nghệ thuật, thì anh nên nhớ rằng nghệ thuật đã bỏ xa anh từ rất rất lâu rồi”. Tôi luôn ghi nhớ lời căn dặn này cho đến tận bây giờ. Nghệ thuật đã cho tôi cuộc sống, niềm vui, cũng có lúc cho tôi buồn tủi. Nghệ thuật rất có thể làm tôi bất lực. Nếu không còn đam mê, cảm xúc nữa, với tôi hay nhất là đừng vẽ.
- Nếu có ai đó khuyên anh hãy dũng cảm từ bỏ “Lối Phong” để tìm ra một con đường khác, bởi xét cho cùng nghệ thuật là không giới hạn. Người nghệ sĩ luôn cần phải tìm tòi cái mới cái độc đáo của mình cho đến tận hơi thở cuối?
+ Nghệ thuật đúng là vô hạn, còn cá nhân nghệ sĩ thì là hữu hạn.
Một danh họa đã nói một câu như thế này: “Nếu bạn đã chọn con đường nghệ thuật của mình rồi, tôi tin rằng bạn sẽ không còn thì giờ để đi sang con đường khác đâu. Con đường của bạn sẽ lấy hết thời gian của bạn”.
Nhưng tôi vừa không tin rồi lại tin.
- Trân trọng cảm ơn họa sĩ Đào Hải Phong.
Như Bình (thực hiện)