- Nhà văn Phạm Duy Nghĩa và lối tắt vào thơ
- Ngôi nhà vắng chủ bùng cháy giữa trưa
- Có những nhà văn đã nổi tiếng như thế!
Một chức sắc địa phương đỡ đầu ông và tạo điều kiện cho ông ăn học đến nơi đến chốn. Kết hôn với con gái cha đỡ đầu, năm 1838, ông chuyển tới Milano, trung tâm văn hóa Italia bấy giờ. Năm 1839, vở nhạc kịch đầu tiên của ông được hoan nghênh nhiệt liệt.
Vở thứ hai, năm 1840, bị chê bai thậm tệ. Ấy là do từ 1838 tới 1840, hai người con của ông liên tiếp chết yểu, người vợ trẻ cũng buồn phiền và lìa đời sau đó. May thay một kịch bản ông nhận được đã giúp ông vùng dậy, nhiều chi tiết trong vở kịch đã thức tỉnh trong ông lòng yêu nước tiềm tàng. Ông lao vào viết vở nhạc kịch “Nabucco”, và trở thành kiệt tác vào năm 1842.
Từ 1843 đến 1871, ông viết 20 vở nhạc kịch. Vở nào cũng được đón nhận nồng nhiệt. Sau đó, ông im lặng 16 năm trời. Trừ năm 1874, ông cho ra mắt tác phẩm thiên tài “Khúc tưởng niệm”, tri ân văn hào Alessandro Manzoni (1785-1873), người có công lớn trong cuộc giành lại độc lập và thống nhất cho Tổ quốc.
Verdi và vợ, Giuseppina Strepponi. |
Nhưng rồi ông rút vào im lặng. Hiển nhiên, các tác phẩm của ông vẫn liên tục được trình diễn. Ông im lặng là do thức thời. Dạo ấy, xuất hiện một lớp tác giả mới, Bizet, Massenet, Wagner, với tài năng đầy triển vọng. Ông không muốn mình và sáng tác của mình bị đem ra so bì với cánh trẻ. Ở hiền gặp lành. Bất ngờ, nhà viết kịch Arrigo Boito, sinh năm 1842, tha thiết đề nghị ông viết nhạc kịch cho hai kịch bản mà Boito sáng tác theo kịch của Shakespeare. Ông nhận lời.
Hai vở này, “Otello” (hoàn thành năm 1887 khi Verdi 74 tuổi) và “Falstaff” (hoàn thành năm 1893 khi Verdi 80 tuổi) - trở thành hai tác phẩm kinh điển của nhạc kịch toàn cầu. Chúng minh chứng cho khả năng đổi mới phi thường, sức thanh xuân vĩnh cửu của một nghệ sỹ gắn bó sâu nặng với Tổ quốc và nhân dân…
Một trong những đổi mới đó là đi sâu vào những trăn trở thầm kín nhất của các nhân vật. Hôm nay, nhân vật Otello được giới chuyên môn và công chúng cảm nhận là của Verdi hơn là của Shakespeare: Với Shakespeare, Otello là một anh hùng kiêu hãnh, không thỏa hiệp, không biết đến nghi ngờ. Với Verdi, Otello là một người dễ bị tổn thương, bị xâu xé bởi nhiều ưu tư (mình da đen, lớn tuổi, tình yêu của cô gái da trắng với mình là chân thành hay giả dối…?).
Sức sống của nhiều vở nhạc kịch của Verdi, như “Nabucco”, “Rigoletto”, “Thi sỹ đường phố”, “Trà hoa nữ”, “Don Carlo”, “Aida”, “Khúc tưởng niệm”, “Otello, Falstaff”,… chủ yếu là nhờ những phát hiện đặc sắc như vừa kể. Dấu ấn thời đại là ám ảnh. Đó là lòng yêu nước, ý chí độc lập tự do sục sôi bấy giờ của nhân dân lao dộng, quý tộc và tinh hoa xã hội. Sự thật này được nhiều văn nghệ sỹ Italia thời ấy phản ánh chân thực và xúc động.
Nhờ gần gũi người lao động bình thường, Verdi nổi trội hẳn lên. Cho nên, không ngẫu nhiên, Verdi được tôn sùng là anh hùng dân tộc, lãnh tụ tinh thần của nhân dân Italia cương quyết giành lại độc lập và thống nhất cho Tổ quốc. Cuộc đấu tranh này của nhân dân Italia thuộc nhóm những kỳ tích tự giải phóng trong lịch sử nhân loại. Dựa nhiều vào chuyện xưa, chuyện nước ngoài, tác phẩm của Verdi lại rất thời sự. Đó đều là những khát vọng độc lập tự do nóng bỏng, bộc lộ qua những trạng thái tâm lý điển hình, không chỉ của dân tộc mình, thời đại mình. Hiếm nghệ sỹ gặp nhiều may mắn như ông. Bấy giờ, nhà hát Scala ở Milano chỉ dành cho những tên tuổi lớn.
Nữ ca sỹ nhạc kịch Giuseppina Strepponi (1815-1897) cảm nhận ngay được tầm vóc của Verdi, khi ông mới trình làng hai vở. Bà lớn tiếng yêu cầu Scala dành ngay chỗ cho ông. Năm 1842, tại Scala, vở “Nabucco” của ông, mà Giuseppina Strepponi thủ vai nữ chính, được trình diễn 57 buổi liên tiếp, một kỷ lục thời đại. Quá say mê nhân vật và độ siêu thâm trầm nhân bản của Verdi, bà đã căng hết sức lực thể chất và tâm hồn của mình, nên giọng bị hỏng. Năm 1846, bà tới sống ở Paris, chuyển sang dạy hát. Năm 1847, Verdi tìm tới và hai người bén duyên đôi lứa.
Năm 1849, bà về sống ở quê chồng. Năm 1859, hai người làm đám cưới. Bà luôn luôn sát cánh với Verdi, trong mọi sáng tác của ông. Đó là thảo luận với ông các ý tưởng, cốt truyện, chi tiết từng cảnh, sửa chữa, bổ sung, hát thử liên tục để ông chỉnh sửa, đạt tới tầm mong đợi. Đi đâu, ông bà cũng như hình với bóng. Một mối tình huyền thoại!…
Biển đề Viện an dưỡng Verdi và tượng nhạc sỹ. |
Quan niệm sống của Verdi quyết định việc ông xử lý đúng đắn các vấn đề sáng tác và đời thường. Chuyện tình vừa kể là một ví dụ. Năm 1848, ông mua một khu đất rộng, cách thị trấn quê ông ba cây số. Ở đó, ông xây nhà ở và làm việc cho mình, đồng thời mở một nông trại kiểu mới, ông đích thân điều hành thuần thục. Ông tạo mọi điều kiện cho hai trăm nông dân lao động ở đó được sống dễ thở. Họ được ông coi như người thân, cũng là nguồn vô tận các chiêm nghiệm lẽ đời.
Tất cả nhạc kịch về sau của ông đều được viết trong không khí nông trại. Như Cholokhov có máy bay và sân bay riêng, Verdi cũng có xe ngựa sang riêng, đi về khắp nơi, ở Italia và châu Âu, mau chóng và thuận tiện. Ông được dân bầu làm Nghị sỹ, hoạt động xã hội hiệu quả. Ông là tiếng lòng của những người cùng khổ, nhà thơ của thế giới bên lề xã hội. Cho nên, ông trở thành một nhân vật quan trọng của cả châu lục. Không thể lỗi mốt, vĩnh viễn thời sự và được yêu thích, Verdi mãi mãi bên cạnh và cần thiết cho mọi người.
Là người trung thành với quê cha đất tổ, với Tổ quốc, và với các truyền thống dân tộc, ông luôn luôn yêu thương và trân trọng những người dân nghèo khổ. Năm 1898, ông khánh thành nhà dưỡng lão mà ông bỏ tiền túi xây dựng, dành cho người dân có tuổi không nơi nương tựa. Từ 1885, ông cho xây dựng một biệt thự đặc biệt, theo thiết kế của một kiến trúc sư lừng lẫy đương thời.
Năm 1889, hiện ra lộng lẫy biệt thự rộng lớn hai tầng, - từ những năm 1930, thêm một tầng nữa -, ở quảng trường Michelangelo Buonarotti, thành phố Milano. Verdi muốn mời tới đó sống những năm tháng cuối đời những người hoạt động âm nhạc khó khăn chủ yếu về tài chính.
Từ đầu, ông đã rất thận trọng khi đặt tên cho biệt thự. Ông không gọi nó là “nhà tế bần”, “nhà tình thương”, mà là “nhà an dưỡng”. Viện an dưỡng chỉ nhận khách sau khi ông khuất núi để tránh cho họ mặc cảm ân huệ tủi lòng. Tiêu chí chọn khách: Viện chỉ đón những người thực sự vì âm nhạc, kém may mắn hay chểnh mảng việc tiết kiệm từ thời còn trẻ.
Viện an dưỡng Verdi có một hầm mộ rộng đẹp. Đây là nơi an nghỉ ngàn thu bên nhau của ông và bà Giuseppina Strepponi, mà buổi nhập mộ là một sự kiện lớn: 900 ca sỹ và nhạc công tấu bài đón rước thiêng liêng và oai hùng. Viện có nhiều phòng. Một phòng chung rộng rãi để biểu diễn. Vài phòng trưng bày những kỷ vật quý nhất của Verdi, đồ cổ, dương cầm,… tặng phẩm của các nhà vua, bạn hữu. Nhiều phòng luyện hát hay chơi một loại đàn.
Thường mỗi khách được ở một phòng riêng. Luôn được một nhân viên y tế gần gũi chăm lo sức khỏe… Chỉ nhận khách mới, khi một khách cũ qua đời. Viện bắt đầu hoạt động từ năm 1902, sau khi Verdi rời cõi tạm năm 1901. Kinh phí là toàn bộ bản quyền nhạc kịch mà ông hiến tặng.
Gần đây, Viện cũng nhận những khoản tài trợ của các nhà hảo tâm. Chi phí thường được tăng, vì khách tham quan (miễn phí) ngày một nhiều. Một trăm hai mươi năm qua, Viện là một địa chỉ văn hóa hàng đầu của Italia. Không nợ nần, không bê bối, chỉ có âm nhạc, niềm vui sống và trân quý con người. Viện là biểu tượng của một tấm lòng bè bạn, một lời chúc chí nghĩa chí tình, rằng quý nhất của vũ trụ là con người, quý nhất của xã hội là nghệ sỹ, xin đừng làm tổn thương hoặc xâm hại sự thật ngàn đời ấy của nhân loại.
Năm đầu, Viện đón tiếp 5 nam và 4 nữ, nhạc sỹ già. Hiện nay, đang an dưỡng tại Viện có 65 vị. Hơn 40 vị là ca sỹ, nhạc công, nhạc sỹ, tuổi hầu hết trên 70, có vị gần 100 tuổi. Gần 20 là sinh viên các nhạc viện, trong đó có 1 người Hàn Quốc, 1 người Nhật Bản… Hòa hợp chí nghĩa chí tình, không phải chỉ giữa các đồng nghiệp cùng trang lứa, mà cả giữa các thế hệ, giữa các vùng miền khác biệt, giữa xa xưa và hiện tại, giữa thiên tài đỉnh cao và nghệ sỹ “dân thường”… – ấy là nét đẹp mới của Viện an dưỡng Verdi, “tác phẩm hay nhất” của Verdi, như chính ông thổ lộ lúc sinh thời…
Phương Kim Phượng