Làn sóng COVID-19 thứ hai đã khiến Singapore phải thắt chặt các biện pháp phòng chống dịch, trong đó có việc chỉ cho các cửa hàng ăn bán mang về khiến doanh số giảm mạnh. Lúc này, tưởng chừng việc bán hàng online là giải pháp hữu hiệu song thực tế, người bán hàng ăn ở Singapore lại đi vào ngõ cụt khác.
Báo chí Singapore những ngày gần đây liên tục đăng bài nêu lên khó khăn của những người bán hàng ăn khi lượng khách đến mua đồ trực tiếp mang về giảm mạnh. Ngay cả những người chuyển sang bán online, thông qua các nền tảng giao đồ ăn nhanh cũng phải "kêu trời".
Lý do là phí hoa hồng cao, thường tới 30%. Nhiều người bán hàng ăn than thở rằng lời lãi bán hàng ăn giờ đã thấp, các nền tảng giao đồ ăn nhanh lại lấy nốt đi phần lãi này, coi như là bán hàng không công. Tính toán cụ thể hơn mỗi món ăn 3 - 4 USD bán ra, lời lãi họ chỉ còn được 50 xu.
Trước thông tin của báo chí, Chính phủ Singapore cũng đã vào cuộc hỗ trợ người bán hàng ăn trong giai đoạn thắt chặt phòng chống COVID-19.
Cụ thể, trong tháng 5 và tháng 6, Chính phủ hỗ trợ 50% tiền thuê mặt bằng, hỗ trợ chi phí lau dọn, rừa bát cho các cửa hàng ăn tại các trung tâm ẩm thực được vận hành bởi Cơ quan môi trường quốc gia và đối tác. Mặt khác, các cửa hàng ăn khi chuyển sang nền tảng giao đồ ăn nhanh sẽ nhận được 500 USD hỗ trợ từ chính phủ.
Những người bán hàng ăn ở Singapore đang gặp rất nhiều khó khăn trước làn sóng COVID-19 thứ hai.
Một số nền tảng giao đồ ăn như Foodpanda hay Grab cũng thông báo miễn phí hoa hồng cho các cửa hàng ăn do Cơ quan môi trường quốc gia và các hội đồng địa phương quản lý.
Tuy nhiên, phía các Hiệp hội người bán hàng ăn đường phố lên tiếng, việc hỗ trợ đấy chưa phải là giải pháp bền vững. Theo số liệu có khoảng 6.000 quầy bán hàng ăn trong diện được hỗ trợ, chưa phải là tất cả. Việc trợ cấp được 1 lần, trong khi vấn đề chi phí hoa hồng này là kéo dài mãi mãi.
Điều họ mong muốn là chính phủ trợ cấp khoản phí hoa hồng này để người bán hàng ăn không phải tăng thêm chi phí. Hoặc nếu thực sự là giúp đỡ, phí hoa hồng cần giảm đi đáng kể hoặc không tính phí này cho người bán hàng ăn mà chuyển sang phía người tiêu dùng chẳng hạn.
Trong khi đó, báo chí phản ánh có một bộ phận người bán hàng ăn mắc kẹt trong tình hình này. Đó là những người già, không thạo công nghệ cũng như tiếng Anh. Tình cảnh giờ là bán hàng tại chỗ thì không ai đến mua, còn bán qua ứng dụng giao đồ ăn nhanh họ không biết làm.
May mắn là một số bạn trẻ biết tới các hoàn cảnh này nên đã giúp quảng bá trên mạng xã hội facebook và instagram. Nhiều người dân đã mua ủng hộ và họ tạm thời có thể chống đỡ qua đợt bùng phát dịch lần này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.48624840101601202-tuc-ogn-oav-id-iv-iort-uek-eropagnis-na-gnah-nab-iougn/et-hnik/nv.vtv