Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC) mới đây đã điều chỉnh khuyến nghị cổ phiếu VIB (Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam) từ mức kém khả quan thành bán.
VCSC nhận định giá cổ phiếu VIB đã tăng khoảng 76,2% trong 3 tháng qua và hiện ở mức cao so với giá trị thực.
VCSC dự phóng tổng lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số của VIB tăng 27,7% trong giai đoạn 2021-2025, chủ yếu là do cắt giảm chi phí dự phòng được ban lãnh đạo phản hồi về những lo ngại của cổ đông về tỉ lệ bao phủ nợ (LLR) đang ở mức thấp.
“Cụ thể, lãnh đạo cho rằng, ngân hàng hiện không có ý định tăng tỉ lệ LLR khi VIB cho biết, khoảng 96% các khoản vay của ngân hàng được đảm bảo bằng tài sản đảm bảo với tỉ lệ chiết khấu cao (so với kỳ vọng trước đây của chúng tôi là VIB sẽ gia tăng dự phòng trong 3 năm tới)” - VCSC nêu quan điểm.
VCSC dự phóng ROE (tỉ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu) và ROA (tỉ suất sinh lời trên tài sản) của VIB trong năm 2021 đạt lần lượt là 29,4% và 2,24% so với trung vị các ngân hàng tư nhân là 21,2% và 1,63%.
Tuy nhiên, VCSC cho rằng, định giá của VIB đang ở mức khá cao với P/B (tỉ lệ giá/giá trị sổ sách) dự phóng năm 2021 là 3,46 lần so với mức trung vị của các ngân hàng tư nhân là 2,06 lần.
Kết thúc quý I/2021, VIB đạt 1.807 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 68% so với quý I/2020, thực hiện được 24% kế hoạch năm. Đầu tháng 5 vừa qua, VIB nhận được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho tăng vốn điều lệ tối đa thêm 4.437,5 tỉ đồng từ mức 11.093 tỉ đồng. Sau khi tăng thêm, vốn điều lệ của VIB khoảng 15.530 tỉ đồng.
Nhiều thông tin tích cực tạo đà cho cổ phiếu VIB tăng phi mã từ đầu năm đến nay (cuối tháng 1.2021, thị giá VIB ở mức 31.000 đồng/cổ phiếu).
Trước đó, vào tháng 3/2021, VCSC từng đưa ra khuyến nghị kém khả quan với cổ phiếu VIB vì lý do định giá cao cho thấy, các điểm cần thận trọng trong mô hình kinh doanh.
Không riêng VCSC, hồi đầu tháng 4, Chứng khoán VNDirect cũng từng định giá cổ phiếu VIB ở mức 45.000 đồng, thấp hơn nhiều so với thị giá của VIB trong vài tháng trở lại đây.
Trong lúc giá cổ phiếu VIB leo thang, nhiều người nhà của lãnh đạo nhà băng này đã liên tục thoái bớt vốn. Tổng số lượng giao dịch liên quan đến người nội bộ đăng ký bán cổ phiếu VIB trong thời gian qua ước tính hơn 25 triệu cổ phiếu.
Cụ thể, ông Ngô Việt Sơn - bố vợ của ông Hồ Vân Long, Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc khối bán lẻ của VIB - đã bán hết gần 1,4 triệu cổ phiếu VIB thông qua khớp lệnh trên sàn từ ngày 18.5 đến 8.6.
Ngoài ra, bà Ngô Minh Hiền - vợ của ông Long - cũng đang trong thời gian thực hiện bán toàn bộ 4,5 triệu cổ phiếu VIB. Thời gian thực hiện thoái vốn của bà Hiền kéo dài tới hết ngày 18.6. Hiện, ông Long vẫn đang sở hữu hơn 4,75 triệu cổ phiếu VIB, tương đương 0,43% vốn điều lệ ngân hàng.
Mới đây, Công ty Cổ phần Uniben liên quan đến ông Trần Tuấn Minh - Giám đốc nhân sự của VIB - cũng đã bán ra thành công 3 triệu cổ phiếu VIB, qua đó giảm xuống số lượng cổ phần sở hữu tại VIB xuống hơn 52 triệu đơn vị, tương ứng với tỉ lệ 4,72%.
Từ ngày 18.5 đến ngày 28.5, bà Đặng Thị Thu Hà - vợ ông Đặng Văn Sơn, Phó Chủ tịch HĐQT VIB - cũng đã bán xong 8,5 triệu cổ phiếu.
Sau đó, vợ Phó Chủ tịch HĐQT VIB lại đăng ký mua vào 2 triệu cổ phiếu, thời gian dự kiến thực hiện từ ngày 7.6 đến ngày 5.7.2021.