Nhu cầu từ các thị trường bên ngoài phục hồi và sự mở rộng của khu vực sản xuất trong nước khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát sẽ tạo đà cho xuất khẩu dệt may và thủy sản.
Các động lực tăng trưởng dài hạn vẫn củng cố cho hoạt động xuất khẩu
Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu tháng 5 vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng hai chữ số, trong đó, xuất khẩu ước đạt 26 tỉ USD (tăng 35,6% so với cùng kỳ) và nhập khẩu ước đạt 28 tỉ USD (tăng 56,4% so với cùng kỳ).
So với đà hồi phục của tháng 4, nhập khẩu tiếp tục tăng tốc trong khi đà tăng của xuất khẩu có phần chậm lại trong tháng 5.2021, Việt Nam ghi nhận nhập siêu ước tính là 2 tỉ USD.
Trong 5 tháng đầu năm, cán cân thương mại ước tính nhập siêu 369 triệu USD, với kim ngạch xuất khẩu đạt 130,94 tỉ USD (tăng 30,7% so với cùng kỳ) và nhập khẩu đạt 131,31 tỉ USD (tăng 36,4% so với cùng kỳ).
Đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 đã khiến hoạt động sản xuất của một số khu công nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực đều chịu ảnh hưởng với tốc độ xuất khẩu trong tháng 5 bị chậm lại.
Tuy vậy, theo nhận định của Mirae Asset Việt Nam, các động lực tăng trưởng dài hạn vẫn sẽ củng cố cho hoạt động xuất khẩu.
Đầu tiên phải kể đến nhu cầu bên ngoài cải thiện và sự mở rộng của khu vực sản xuất trong nước khi tình hình dịch được kiểm soát.
Thứ hai là Việt Nam tham gia ngày càng sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Cuối cùng là hiệu ứng khi các hiệp định thương mại chủ chốt chính thức có hiệu lực. Hai thị trường chính - Mỹ và Trung Quốc - cũng như động lực mới từ thị trường EU, vẫn đóng vai trò thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2021 và những năm tiếp theo.
Dệt may qua cơn bĩ cực
Chứng khoán VNDirect nhận định cổ phiếu dệt may và thủy sản sẽ là điểm nhấn trong thời gian tới.
VNDirect tin rằng giá trị xuất khẩu dệt may sẽ cán mốc 39 tỉ USD trong năm 2021, hoàn thành kế hoạch mà Chính phủ đã đề ra.
Nhận định lạc quan trên xuất phát từ việc nhu cầu tại Mỹ và EU tăng phục hồi.
Văn phòng Dệt may Mỹ (OTEXA) thống kê giá trị nhập khẩu dệt may của Mỹ đạt 24 tỉ USD (tăng 4,32% so với cùng kỳ). Ngoài ra, Ủy ban Châu Âu (E.C.) cũng đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP của EU cho năm 2021 và 2022 do sự phục hồi đáng kể của các nước E.U.
Ngoài ra, tình hình chính trị bất ổn gần đây ở Myanmar là cơ hội cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam tăng thị phần tại thị trường EU, Nhật Bản và Hàn Quốc khi Myanmar hiện đang là đối thủ cạnh tranh của Việt Nam tại ba thị trường này.
VNDirect nhận định VGG, TNG, TCM và MSH có thể là những doanh nghiệp được hưởng lợi lớn nhất.
“Cửa sáng” cho cổ phiếu thủy sản
Theo Tổng cục Thống kê tính đến tháng 4 năm 2021, tổng giá trị xuất khẩu ngành thủy sản đạt mức 750 triệu USD, tăng 21,6% so với cùng kỳ.
Nhờ sự phổ biến của vaccine, các nền kinh tế lớn dần mở cửa trở lại, đẩy sản lượng và giá trị xuất khẩu thủy sản dần phục hồi.
Trước cơn sốt giá lương thực tăng mạnh, giá cá tra phục hồi nhẹ trong quý I/2021.
VNDirect dự báo giá cá tra xuất khẩu sẽ tiếp tục phục hồi mạnh trong năm 2021 nhờ nhu cầu tăng mạnh tại các thị trường chính (Mỹ, Trung Quốc và EU).
Xuất khẩu tôm và các hàng thủy sản khác cũng đạt mốc tăng trưởng tích cực. Theo Hiệp hội Chế biến Thủy sản (VASEP), tổng giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt 961,9 triệu USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ.
Trước những thông tin tích cực trên, nhóm cổ phiếu chế biến thủy sản đã có một ngày giao dịch bùng nổ, khi tăng 6,28% trong phiên 10.6.
Việt Nam đang có cơ hội lớn để tăng thị phần tại thị trường Mỹ khi Ấn Độ bị ảnh hưởng dịch COVID-19 nặng nề và Trung Quốc bị giảm xuất khẩu do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và do chính quy định kiểm soát COVID-19 của nước này.
Trong phiên giao dịch ngày 10.6.2021, các cổ phiếu đầu ngành đều bật tăng hết biên độ, có thể kể đến như VHC, ANV, FMC, IDI và ACL. Kết thúc phiên giao dịch, toàn ngành chỉ chứng kiến một mã cổ phiếu giảm giá là ABT, giảm 3,23%.
Xem thêm: odl.090919-nas-yuht-yam-ted-hnagn-ueihp-oc-ohc-gnas-auc/et-hnik/nv.gnodoal