Sáng 10-6, lãnh đạo TP HCM đã có buổi gặp gỡ các doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhằm lắng nghe, tìm giải pháp đồng hành với DN thực hiện mục tiêu kép: vừa chống dịch vừa ổn định sản xuất - kinh doanh, phát triển kinh tế.
Kêu khổ vì "ngăn sông cấm chợ"
Phát biểu tại hội nghị, các DN cho rằng TP HCM cơ bản đã kiểm soát được đợt lây nhiễm thứ 4 nhưng với tình hình dịch bệnh còn tiếp tục diễn biến phức tạp, kinh tế TP nói chung và cộng đồng DN nói riêng bị ảnh hưởng rất nặng nề. Từ khi dịch bệnh bùng phát tại TP, DN vừa đối mặt hàng loạt vấn đề do giá nguyên vật liệu tăng "nóng", chi phí sản xuất gián tiếp tăng, thiếu hụt lao động vừa đau đầu vì việc vận chuyển hàng hóa đi các tỉnh rất khó khăn. Vừa qua, quyết định của tỉnh Đồng Nai đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN, một số địa phương khác cũng có biểu hiện "ngăn sông cấm chợ".
Ông Nguyễn Đặng Hiến - Chủ tịch Hội đồng Thành viên, Tổng Giám đốc Công ty TNHH SX&TM Tân Quang Minh (Bidrico) - chia sẻ dịch khiến cho chuỗi cung ứng gặp khó khăn. DN không nhập được nguyên vật liệu, hóa chất bảo quản từ nước ngoài, chi phí lẫn vệ sinh môi trường sản xuất đều tăng. Trong khi từ năm 2020 đến nay, DN hàng tiêu dùng nhanh không thể tăng giá. Nếu tình hình kéo dài sẽ dẫn đến mất cân đối dòng tiền.
"Chúng tôi đã cố gắng hết sức để duy trì chuỗi cung ứng hàng lương thực - thực phẩm không bị đứt gãy nhưng trong những ngày vừa qua các tỉnh siết chặt yêu cầu phòng dịch khiến việc vận chuyển hàng hóa, nguyên liệu gặp nhiều trở ngại. Chẳng hạn Bạc Liêu yêu cầu xe chở hàng từ TP HCM vào địa bàn tỉnh này tài xế phải có giấy xác nhận âm tính, hiệu lực của giấy xác nhận là 72 giờ; An Giang chỉ chấp nhận giấy xét nghiệm âm tính trong vòng 24 giờ, nghĩa là xe hàng từ TP HCM về An Giang không được ở lại quá lâu. Một số tỉnh xa TP HCM dù tài xế có giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19 nhưng vẫn không được vào địa bàn vì đã hết hạn theo quy định của địa phương. Trong khi đó, mỗi ngày TP HCM có hàng trăm chuyến hàng đi về các tỉnh, thành khu vực miền Nam" - ông Hiến nêu.
Cũng bức xúc vì việc vận chuyển hàng hóa đang gặp trở ngại do những quy định thiếu đồng bộ giữa các địa phương, ông Trần Lâm Hồng, Phó Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op), cho biết Sở Giao thông Vận tải TP đã phối hợp Sở Công Thương TP cấp phép sử dụng xe trong các giờ cao điểm để vận chuyển hàng hóa kịp thời từ các tỉnh bạn về TP. Nhưng thực tế, việc vận chuyển hàng hóa từ các kho trung tâm ở khu vực phía Nam phân phối cho các kho hàng hóa của Saigon Co.op trên cả nước gặp nhiều khó khăn vì các quy định thiếu đồng bộ của nhiều địa phương.
"Tất cả tài xế chở hàng của Saigon Co.op đều phải có xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 nhưng xét nghiệm này chỉ có giá trị trong vòng 72 giờ. Đối với các tỉnh xa thì không thể vận chuyển hàng hóa kịp thời, ngoài ra còn đẩy chi phí lên cao, thiếu hụt nguồn tài xế và người theo xe phục vụ" - ông Hồng trình bày.
Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội DN TP (HUBA), kiến nghị các địa phương nếu ban hành quy định phòng chống dịch cần có thời gian cho DN chuẩn bị để không bị động, quan trọng hơn là để chuỗi cung ứng không đứt gãy trong mùa dịch.
Doanh nghiệp sản xuất mong được sớm tiếp cận nguồn vắc-xin Covid-19 để tiêm phòng cho công nhân - lao động. Ảnh: NGỌC ÁNH
Xin được chủ động tìm nguồn vắc-xin
Tại buổi làm việc có tổng cộng 17 đại diện DN phát biểu thì cả 17 người đều bày tỏ lo ngại rủi ro xuất hiện ca nhiễm bệnh trong DN và mong muốn được sớm tiếp cận nguồn vắc-xin Covid-19. Ông Chung Tấn Cường, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa TP, đề xuất UBND TP cho phép DN tiếp cận và liên hệ mua vắc-xin, sau đó thông qua Bộ Y tế kiểm định để tiến hành tiêm cho công nhân. Ông Trần Việt Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn, cũng đề xuất cần ưu tiên tiêm vắc-xin cho công nhân KCN.
Theo ông Việt Anh, Việt Nam trước đây là điểm sáng về chống dịch và có chuỗi cung ứng rất ổn định nhưng trong đợt dịch lần này, các KCN ở Bắc Giang, Bắc Ninh xuất hiện ca bệnh, gây mối lo ngại lớn đối với các nhà đầu tư, nhà mua hàng nước ngoài. "Mong TP có đầu mối để các DN có nhiều lao động liên hệ tìm thông tin nhập khẩu vắc-xin. Vừa rồi, chúng tôi nhận được nguồn thông tin có lô vắc-xin từ Nga về và phổ biến cho các hội viên Hội DN TP Thủ Đức, anh em đăng ký hơn 900.000 liều, cho thấy nhu cầu rất cao" - ông Việt Anh chia sẻ. Theo ông, DN cần thông tin, đầu mối, nguồn vắc-xin an toàn và vấn đề pháp lý để tiêm vắc-xin. Đại diện các DN bán lẻ cũng đề nghị được ưu tiên tiêm vắc-xin cho công nhân - lao động tại siêu thị, cửa hàng vì tiếp xúc trực tiếp với khách hàng.
Ông Chu Tiến Dũng đề xuất TP triển khai nhanh các gói hỗ trợ của Chính phủ, các gói hỗ trợ an sinh xã hội. Bên cạnh đó, ban hành gói hỗ trợ riêng của TP, quan tâm đến cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giảm các yếu tố chi phí sản xuất cho DN. Quan trọng hơn, để DN duy trì ổn định sản xuất, Chính phủ cần có cơ chế, kế hoạch và lộ trình đưa đối tượng DN, công nhân, người lao động vào đối tượng ưu tiên tiếp cận vắc-xin. Cùng với đó là tạo điều kiện và hướng dẫn các DN có điều kiện có thể chủ động sớm mua vắc-xin tiêm phòng cho công nhân của mình.
Trao đổi với các DN, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong khẳng định sự phát triển của TP không thể tách rời sự phát triển của DN, TP luôn đồng hành cùng DN. Ngay từ đầu năm 2021, TP đã chủ động đẩy mạnh các giải pháp xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư với mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Nhiều đề án được xây dựng nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Với mục tiêu tiêm vắc-xin Covid-19 cho toàn TP, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch TP đã thành lập tổ tham mưu cho vấn đề này và đã đàm phán với các nhà cung ứng, DN có đề xuất giới thiệu nguồn cung ứng. Tuy nhiên, do nguồn cung còn hạn chế nên thực hiện cần theo lộ trình.
Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Văn Nên cũng khuyến khích DN mở rộng và tăng cường hợp tác, liên kết để tìm nguồn vắc-xin. "Ai có nguồn cứ báo thẳng đến UBND TP, với tinh thần mang về càng sớm càng tốt, càng nhiều càng tốt" - Bí thư Nguyễn Văn Nên nói, đồng thời lưu ý DN cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch, có giải pháp cụ thể để sản xuất an toàn trong thời gian chưa có vắc-xin.
Lo F0 đi vào hệ thống bán lẻ
Ông Trần Lâm Hồng, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho hay DN bán lẻ đang rất lo vì nguy cơ có các trường hợp tiếp xúc với người mắc Covid-19 vào tham quan, mua sắm trong hệ thống siêu thị của Saigon Co.op trên cả nước là rất lớn. Cho đến thời điểm này, Saigon Co.op đã phải tạm ngưng 16 cửa hàng vì tình huống này, làm ảnh hưởng tới doanh thu, hoạt động của DN cũng như các hoạt động khác.
"Chúng tôi đề xuất các sở, ngành tham mưu quy trình cho phép một số cửa hàng bị phong tỏa được phép thực hiện các quy định, sau khi đã được khử trùng bao nhiêu ngày thì có thể hoạt động trở lại" - ông Hồng nêu.
Mỗi tháng, 1.800 doanh nghiệp rời thị trường
Dẫn số liệu từ Cục Thống kê, trong quý I và nửa đầu quý II năm nay, số DN thành lập mới tăng 7,18% so với cùng kỳ nhưng số DN rút lui khỏi thị trường tăng đến 18,99% so với cùng kỳ năm ngoái, ông Chu Tiến Dũng cho hay trung bình mỗi tháng có 1.800 DN rời thị thường. "Đây là con số cao chưa từng có và rất đáng lo ngại. HUBA đã khảo sát nhanh trên 100 DN, kết quả trên 84% DN nhỏ và vừa gặp khó khăn do đợt bùng phát dịch lần thứ 4 này. Trong đó, 40% DN thiếu vốn kinh doanh; 80% có thị trường bị ảnh hưởng, thu hẹp; 52% phải cắt giảm lao động; 14% bị đứt chuỗi cung ứng nguyên liệu và 50% bị đình trệ hoạt động kinh doanh do biện pháp giãn cách xã hội" - ông Dũng nêu.
Trước thực tế này, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong thông tin TP sẽ tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ của TP. Ngoài ra, UBND TP cũng đang kiến nghị Chính phủ những giải pháp hỗ trợ DN phục hồi sản xuất - kinh doanh, như: điều chỉnh mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước khi DN tham gia chương trình xúc tiến thương mại trong nước, xem xét giảm thuế suất GTGT từ 10% xuống 5% trong năm 2021.
Xem thêm: mth.12185450201601202-pek-ueit-cum-tad-ed-peihgn-hnaod-hnac-tas/et-hnik/nv.moc.dln