Doanh nghiệp chồng chất khó khăn
Trong đợt bùng phát dịch thứ tư, đã có một số tỉnh, thành chọn phương án “ngăn sông cấm chợ” đối với TPHCM, dẫn đến rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp (DN), đặc biệt là trong khâu vận chuyển liên tỉnh.
Theo ông Nguyễn Đặng Hiến - Phó Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM (FFA) - vừa qua, việc vận chuyển hàng hóa đi các tỉnh, thành hoặc đến các vùng đang phong tỏa, cách ly của TP.HCM rất khó. Ngoài giấy thông hành là đi công tác, tài xế còn phải có giấy khai báo y tế và giấy xét nghiệm COVID-19 âm tính.
Tuy nhiên, sáng 10/6, ông nhận được thông báo, tỉnh Bạc Liêu chỉ chấp nhận giá trị của giấy xét nghiệm COVID-19 âm tính trong 72 giờ, còn tỉnh An Giang là 24 giờ. “Chúng tôi mong chính quyền TP.HCM có động thái để hàng hóa được lưu thông bởi DN xuất hàng chậm vài phút là ảnh hưởng xấu đến cả chuỗi cung ứng hàng hóa xuất khẩu” - ông Nguyễn Đặng Hiến bày tỏ.
Lãnh đạo TPHCM sẽ sá t cá nh, cù ng doanh nghiệ p vượ t qua khó khăn (hoạt độ ng ở Công ty may thêu giày An Phước) Ảnh: Phùng Huy |
Ông Chu Tiến Dũng - Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM - cho biết theo số liệu của Cục Thống kê, trong sáu tháng đầu năm 2021, có 16.751 DN thành lập mới, tăng 7,18% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng cũng có 11.582 DN giải thể, tăng 18,99%. Tính ra, trung bình mỗi tháng, có 1.800 DN rời thị trường. Đây là lần đầu tiên số lượng DN giải thể cao kỷ lục so với số mới tham gia. “Các DN đang bị thiếu vốn, thị trường thu hẹp, đứt chuỗi cung ứng nguyên liệu, hoạt động bị ách tắc do cách ly xã hội, đặc biệt là chi phí cho nguyên liệu quá cao. Giá đầu vào tăng cao nhưng các DN không dám tăng giá đầu ra vì sợ mang tiếng trục lợi trong dịch bệnh” - ông Chu Tiến Dũng phân tích.
Ông Trương Phú Cường - Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và Sản xuất vật liệu TPHCM - nêu thực trạng, DN nhựa dựa hoàn toàn vào xuất khẩu nhưng hiện không có đơn hàng, nhà máy phải ngưng hoạt động; đến khi dịch bệnh được kiểm soát tốt, có đơn hàng thì không có công nhân do lực lượng này đã “nhảy việc”. Ông kiến nghị UBND thành phố có giải pháp cho vay ưu đãi để tạo nguồn cho DN trả lương cơ bản, giữ chân lực lượng lao động.
Theo ông Võ Anh Tài - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn - mọi năm, TPHCM đón 80 - 90% khách du lịch quốc tế nhưng hiện giờ, các dịch vụ của ngành du lịch “đắp chiếu”, công suất phòng lưu trú có khi chỉ còn 2 - 5%. Trong khi đó, thuế đất dự kiến phải đóng trong năm 2021 từ 250-400 tỷ đồng. Ông cho rằng, tình cảnh của các DN du lịch đang rất bi đát.
Tại hội nghị, đại diện nhiều DN mong muốn chính quyền TPHCM triển khai nhanh gói hỗ trợ của Chính phủ, bao gồm tháo gỡ các rào cản về thủ tục, điều kiện, đồng thời TP.HCM cũng nên có gói hỗ trợ riêng cho các DN chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh. Đại diện các DN cũng mong sớm được tiêm vắc-xin cho nhân viên, đặc biệt lực lượng công nhân tại các nhà máy, xí nghiệp.
Ông Trần Việt Anh - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Nam Thái Sơn - lo lắng: “Việt Nam được ví như một công xưởng của thế giới, nhất là lĩnh vực công nghệ cao. Trước đợt dịch lần thứ tư, Việt Nam là điểm sáng về chuỗi cung ứng, nhiều đơn hàng từ nước ngoài chuyển dịch về. Nếu không ổn định sản xuất, Việt Nam có nguy cơ mất dòng chuyển dịch này”. Chung quan điểm, bà Đặng Minh Phương - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Minh Phương Logistics - nói trong sáu tháng vừa qua, Việt Nam xuất khẩu tăng 30% so với cùng kỳ cũng nhờ các đơn hàng trong xu hướng chuyển dịch nói trên. Nếu có một trường hợp mắc COVID-19 ở nhà máy, sẽ kéo theo hợp đồng giao hàng không đúng tiến độ.
Thượng tá Nguyễn Thế Anh - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần 32 - cho biết công ty của ông trú đóng ở Q.Gò Vấp. Công ty đã áp dụng rất nhiều biện pháp phòng, chống dịch nhưng vẫn có hai trường hợp F1 chuyển sang thành F0 do lây nhiễm từ bên ngoài vào. Toàn bộ công ty phải nghỉ việc từ đầu tháng Sáu đến nay, mất thu nhập, không thực hiện được các đơn hàng.
Gỡ khó cho doanh nghiệp
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong khẳng định: “Sự phát triển của TP.HCM không thể tách rời với sự phát triển của DN. Khi chúng ta đã đồng hành thì phải có trách nhiệm chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau, nên khi DN gặp trở ngại, khó khăn, chắc chắn chính quyền thành phố không thể đứng ngoài cuộc”.
Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, sẽ thực hiện mọi biện pháp để phòng dịch bệnh xâm nhập, lây lan trong các khu công nghiệp, khu chế xuất Ảnh: Đăng Thư |
Cách đây hai tuần, ông Nguyễn Thành Phong đã giao lãnh đạo các sở, ngành tiếp cận DN để lắng nghe ý kiến, tháo gỡ vướng mắc. UBND TPHCM đã gửi dự thảo về gói hỗ trợ của UBND TP.HCM đến các DN bị ảnh hưởng của dịch. Ông cho hay, trong đợt dịch năm ngoái, khi chưa có gói hỗ trợ của Chính phủ, UBND TP.HCM đã triển khai gói hỗ trợ hơn 600 tỷ đồng cho người dân, DN. Ông hứa sẽ kiến nghị Chính phủ giải quyết những kiến nghị, đề xuất của các DN vượt quá thẩm quyền của UBND TPHCM, đồng thời giao các sở, ngành sớm có các giải pháp đối với các vướng mắc mà đại diện DN nêu tại hội nghị.
Ông Nguyễn Thành Phong cũng bày tỏ sự cảm kích khi nhận được nhiều tin nhắn của lãnh đạo các DN bày tỏ sự sẵn sàng chia sẻ, đóng góp kinh phí mua vắc-xin phòng ngừa COVID-19 để tiêm cho người lao động. Theo ông, tiêm vắc-xin là yếu tố quyết định và căn cơ để thoát khỏi đại dịch này. Tuy nhiên, nguồn cung vắc-xin không thể có cùng một lúc mà phải theo lộ trình. Ông cho biết, sáng 11/6, ông sẽ nghe tổ tham mưu về vắc-xin trình bày kế hoạch cụ thể và lộ trình tiêm vắc-xin từ nay đến cuối năm 2021 và quý I/2022.
Cũng theo Chủ tịch UBND TPHCM, ngành y tế đang và sẽ tích cực lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng, bao gồm các khu công nghiệp, khu chế xuất với mức trung bình 50.000 mẫu/ngày; có những ngày, huy động nguồn lực để lấy 70.000-80.000 mẫu. Trong khi chờ đợi giải pháp tiêm vắc-xin, UBND thành phố sẽ sớm có giải pháp để các DN có bệnh nhân COVID-19 tái hoạt động.
Tham dự hội nghị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cho biết, ông vừa có cuộc gọi với Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long về vấn đề vắc-xin. Theo đó, mục tiêu của Chính phủ là tiêm vắc-xin cho toàn dân nhưng có ưu tiên đối tượng do số lượng vắc-xin ít. Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định, Chính phủ mở rộng cơ chế cho các DN được tiếp cận vắc-xin. Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Nên cho rằng, chính quyền thành phố cùng các DN cần mở rộng và tăng cường hợp tác, liên kết để tìm nguồn vắc-xin. Ông nói: “Ai có nguồn, cứ báo thẳng đến UBND TPHCM với tinh thần mang về càng sớm càng tốt, càng nhiều càng tốt”.
Tuyết Dân