Công nhân Lạng Sơn trong lúc chờ lên xe về nơi thường trú ở Lạng Sơn - Ảnh: TƯỜNG VI
Người lao động về quê đợt này là công nhân nữ đang mang thai, nuôi con nhỏ dưới 6 tháng tuổi; người cao tuổi có bệnh lý nền; các F0 đã khỏi bệnh; F1 hoàn thành cách ly tập trung, có xét nghiệm âm tính và đủ điều kiện theo dõi sức khỏe tại nhà.
Ngoài ra, lao động trong các vùng cách ly, giãn cách xã hội đã được sàng lọc, xét nghiệm Realtime - PCR âm tính nhiều lần và có nguyện vọng về quê.
Theo lãnh đạo Bắc Giang, khi dịch bùng phát mạnh, tỉnh đã "giữ chân" hơn 60.000 công nhân ở lại để tránh bùng phát dịch, lây nhiễm trên toàn quốc. Số lao động trên được các cấp chính quyền, công đoàn… hỗ trợ duy trì cuộc sống.
Tuy vậy, số lượng hơn 22.000 F1 đang ở các khu cách ly tập trung, đặc biệt tại "tâm dịch" Việt Yên gây áp lực đến việc chăm sóc đầy đủ cho các đối tượng này. Trước thực tế trên, Bắc Giang đã làm việc với nhiều địa phương để đưa công nhân tạm trú trên địa bàn về quê.
Ông Nguyễn Tiến Cơi - giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội Bắc Giang - cho biết các khu công nghiệp hoạt động sản xuất song song với đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 nhưng nhu cầu sử dụng lao động còn thấp. Khoảng 10.000 lao động đủ điều kiện đi làm trở lại nhưng thực tế chỉ một nửa số đó có việc.
Ông Cơi cho hay: "Số công nhân trở về địa phương tự cách ly có thể quay lại Bắc Giang làm việc bình thường khi doanh nghiệp khôi phục hoạt động 100%. Qua trao đổi thì Hà Nội, Bắc Ninh, Hà Tĩnh đang bùng phát dịch nên không đưa lao động về, các tỉnh còn lại đang lên kế hoạch đón người về".
Nếu chưa giảm tải được 50% lao động như kế hoạch, Bắc Giang sẽ ưu tiên đưa lao động về quê ở các tỉnh đông công nhân như Cao Bằng, Thái Nguyên (trên 3.000 người); Nghệ An, Thanh Hóa, Sơn La, Hà Giang, Tuyên Quang (từ 2.000-3.000 người/tỉnh).
Phương tiện đưa đón công nhân trở về do các địa phương sắp xếp, hỗ trợ tỉnh Bắc Giang. Nếu không bố trí được xe, Bắc Giang sẽ hỗ trợ thuê và tập trung công nhân tại địa điểm chỉ định đảm bảo hạn chế di chuyển, lây nhiễm chéo.
Tỉnh Bắc Giang yêu cầu các huyện rà soát, lên danh sách lao động từng địa phương theo thứ tự ưu tiên, nhất là trong khu cách ly tập trung, khu dân cư đang cách ly, giãn cách xã hội và ngoài cộng đồng.
Lao động các tỉnh phải được thông báo thời gian, địa điểm đón, đưa công nhân về đúng kế hoạch. Các chốt kiểm dịch tạo điều kiện cho xe đi qua. Theo giao kết giữa 2 tỉnh, Lạng Sơn sẽ đưa hơn 1.000 lao động đang ở Bắc Giang về quê.
TTO - Chiều 10-6, ông Mai Sơn, phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, cho biết tỉnh Lạng Sơn sẽ đón 4.000 công nhân đang tạm trú tại Bắc Giang về địa phương để cách ly tập trung, theo dõi y tế trong những ngày tới.