Theo tờ South China Morning Post ngày 11-6, các quan chức thương mại cấp cao của Đài Loan và Mỹ đã thảo luận về việc nối lại đàm phán thương mại bị đình trệ lâu nay. Động thái này của hai bên có thể dẫn đến một thỏa thuận thương mại tự do, và chắc chắn sẽ khiến Bắc Kinh tức giận.
Ngày 10-6, Đại diện thương mại Mỹ Katherine Tai đã nói chuyện trực tuyến với người đứng đầu cơ quan kinh tế Đài Loan John Deng khi hai bên tiến hành khởi động lại các cuộc đàm phán về Thỏa thuận khung về Thương mại và Đầu tư (TIFA) đã bị tạm ngừng dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump.
Đại diện thương mại Mỹ Katherine Tai. Ảnh: NIKKEI
"Hai bên đã cam kết triệu tập cuộc họp Hội đồng TIFA lần thứ 11 dưới sự bảo trợ của Viện Mỹ tại Đài Loan và Văn phòng Đại diện Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Mỹ" - Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ cho biết hôm 10-6.
"Đại sứ Tai nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ thương mại và đầu tư Mỹ - Đài Loan và giải thích các ưu tiên thương mại lấy người lao động làm trung tâm của chính quyền Biden - Harris" - theo tuyên bố.
Theo tuyên bố, Đại sứ Tai cũng bày tỏ sự quan tâm của Mỹ trong việc hợp tác với Đài Loan về các vấn đề chung của hai bên trong các tổ chức đa phương.
Tuy nhiên, tuyên bố không cung cấp thêm chi tiết về những gì hai bên đã thảo luận và không nói rõ khi nào các cuộc đàm phán TIFA sẽ tiếp tục.
Đầu tuần này, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken gợi ý rằng hai bên sẽ sớm nối lại việc đàm phán, nhưng không cho biết liệu Washington rốt cuộc có muốn một thỏa thuận thương mại tự do hay không.
Các cuộc hội đàm TIFA đóng vai trò như một diễn đàn để Mỹ và các quốc gia và vùng lãnh thổ khác gặp gỡ và thảo luận về các vấn đề cùng quan tâm với mục tiêu nâng cao cơ hội cho thương mại và đầu tư. Các chủ đề để tham vấn bao gồm tiếp cận thị trường, các vấn đề lao động, môi trường, bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ, và, nếu thích hợp, xây dựng năng lực.
Đài Loan và Mỹ đã tổ chức 10 cuộc hội đàm cấp cao TIFA từ năm 1994 đến tháng 10-2016.
Trong cuộc họp vừa qua, hai bên đã thảo luận về nông nghiệp, hợp tác khu vực, quyền sở hữu trí tuệ, các rào cản thương mại và minh bạch.
Tuy nhiên, các cuộc đàm phán đã dừng lại dưới thời chính quyền ông Trump vì đại diện thương mại Robert Lighthizer coi việc Đài Loan chặn hàng xuất khẩu của Mỹ là một hành vi thương mại không công bằng và trọng tâm chính của ông là một thỏa thuận thương mại rộng rãi với Bắc Kinh.
Một số người ủng hộ Đài Loan trong Quốc hội Mỹ đã thúc giục chính quyền Biden ký một thỏa thuận thương mại với Đài Loan. Tuy nhiên, một quan chức cấp cao của chính quyền ông Biden cho biết Washington vẫn chưa quyết định về điều đó, theo tờ The Wall Street Journal.
Diễn biến Mỹ và Đài Loan nối lại đàm phán thương mại sẽ khiến Trung Quốc không hài lòng. Bắc Kinh coi Đài Loan là một tỉnh ly khai và đã phản đối bất kỳ trao đổi quan trọng về mặt chính trị nào giữa Washington và Đài Bắc.
Các quan chức ở Bắc Kinh trước đây nói rằng những cuộc trao đổi như vậy sẽ gửi những tín hiệu sai lầm đến các lực lượng đòi độc lập của Đài Loan, và các nhà quan sát Trung Quốc đại lục cảnh báo rằng sự can dự chặt chẽ hơn giữa Đài Bắc và Washington trong những năm gần đây sẽ thúc đẩy Bắc Kinh chiếm lại hòn đảo bằng vũ lực.