vĐồng tin tức tài chính 365

Còn dựa vào chỗ bấp bênh thì còn phải chịu cảnh bấp bênh

2021-06-11 17:07

Còn dựa vào chỗ bấp bênh thì còn phải chịu cảnh bấp bênh

Tấn Đức

(KTSG) - “Giải cứu” nông sản đang trở thành vấn đề thời sự nóng. Nóng không chỉ vì cùng một lúc có quá nhiều loại nông sản bị rớt giá thê thảm, từ mít, xoài, khoai lang, dưa hấu... cho đến quả vải, mà còn vì cách giải cứu là kêu gọi cộng đồng mua ủng hộ, như một cách làm từ thiện, ngày càng tỏ ra không mấy tác dụng vì số lượng nông sản hàng hóa tồn đọng quá lớn và còn cần phải giải tỏa trong thời gian ngắn vì không bảo quản lâu được.

Đó là chưa kể việc kêu gọi giải cứu đôi khi còn có tác dụng ngược, như Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nói trên báo Vietnamnet vào tuần trước.

Câu hỏi đặt ra là liệu có thể tìm được một giải pháp căn cơ và bền vững nào cho vấn đề đầu ra cho nông sản, để không còn phải dựa vào phong trào giải cứu như một giải pháp tiêu thụ bất đắc dĩ nữa hay không?

Tìm kiếm được câu trả lời chắc chắn là không dễ dàng. Nhưng để làm được điều đó, trước hết cần phải phân tích được những nhược điểm, và đồng thời cũng là những nguyên nhân dẫn đến hiện trạng bấp bênh của nông sản Việt Nam.

Không khó để nhận ra, mỗi lần một loại rau quả nào đó bị tắc đường sang Trung Quốc là lập tức nông sản đó cần giải cứu. Có thể nói, về mặt thị trường, hàng rau quả Việt Nam quá phụ thuộc vào Trung Quốc khi thị trường này thường xuyên chiếm trên dưới 60% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam.

Trung Quốc vốn có truyền thống là thị trường không ổn định, đó là còn chưa kể sự bấp bênh bị chi phối bởi những yếu tố phi thị trường khác. Có một vấn đề đặt ra ở đây là vì sao cứ phải dựa vào Trung Quốc? Câu trả lời rất đơn giản, vì đây không chỉ là thị trường tiêu thụ lớn, mà còn dễ tính và phần lớn các nhà xuất khẩu của Việt Nam lại chọn phân khúc dễ tính nhất, nhưng cũng bấp bênh nhất, để làm ăn.

Có thể nói, chừng nào mà rau quả Việt Nam còn phụ thuộc vào nơi bấp bênh, thì chừng ấy vẫn còn phải chịu cảnh bấp bênh.

Một nhược điểm nữa là đầu ra của các loại trái cây, rau củ chủ yếu phục vụ cho nhu cầu ăn tươi và ăn trực tiếp. Điều này có thể thấy rõ nét qua hình ảnh những hàng dài xe container chở dưa hấu, thanh long nối đuôi nhau chờ vào Trung Quốc, hay những xe bán trái cây tươi xuất hiện nhan nhản ở TPHCM. Một khi đầu ra của những nông sản này còn phụ thuộc quá lớn vào nhu cầu ăn tươi, thay vì trở thành nguyên liệu đầu vào cho ngành công nghiệp chế biến, thì nguy cơ cần giải cứu mỗi khi vào thời điểm thu hoạch rộ là điều rất dễ xảy ra.

Sự yếu kém của hệ thống logistics cũng như bất cập trong bảo quản sau thu hoạch cũng là vấn đề cần phải được giải quyết. Chính bất cập này làm cho giá không ít loại rau quả đến được tay người tiêu dùng thì giá đã đội lên gấp 2-3 lần, thậm chí là 4 lần so với giá người nông dân bán tại ruộng. Nếu giải tỏa được nút thắt này thì giá nông sản bán tại các thành phố lớn sẽ rẻ hơn, nhờ đó sẽ kích thích nhu cầu tiêu thụ.

Ngoài ra, một yếu tố quan trọng là phải quản lý được sản lượng sản xuất cho từng loại nông sản hàng hóa theo tín hiệu của thị trường. Điệp khúc được mùa - rớt giá chính là do yếu tố cung - cầu bị mất cân đối. Vấn đề này đã được đặt ra hàng chục năm nay nhưng vẫn chưa tìm ra được lời giải do đặc tính sản xuất manh mún và nhỏ lẻ, còn công tác quản lý quy hoạch thì lỏng lẻo; nông dân thiếu thông tin để định hướng sản xuất, đành phải chạy theo “trào lưu” thị trường. Kết quả là loại nông sản nào mà có giá tốt là mọi người đổ xô vào trồng, sau một thời gian ngắn sản lượng tăng gấp 2, gấp 3 và rồi sau đó... rớt giá! Cá tra, tiêu... là những bài học điển hình.

Xem thêm: lmth.hneb-pab-hnac-uihc-iahp-noc-iht-hneb-pab-ohc-oav-aud-noc/961713/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Còn dựa vào chỗ bấp bênh thì còn phải chịu cảnh bấp bênh”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools