Trong bức tranh tuyển dụng, đa phần các doanh nghiệp đều đòi hỏi ứng viên phải có trình độ và kinh nghiệm làm việc. Vậy thì, làm thế nào để các sinh viên mới ra trường có thể tìm được việc làm như mong muốn? Bí quyết chính là nằm ở hai từ "biết điều".
Một trong những nhược điểm lớn nhất của những sinh viên mới ra trường chính là thiếu kinh nghiệm, không có sự cọ xát thực tế. Nhiều bạn mới ra trường còn kỳ vọng rất lớn vào một doanh nghiệp tầm cỡ hoặc một vị trí cao mà quên bẵng đi những điều cần làm để đạt được điều đó. Ngược lại nhiều bạn lại quá mất tự tin vào bản thân mà đánh mất cơ hội. Vậy câu hỏi đặt ra là đối với ứng viên "non" kinh nghiệm thì hành trang cần chuẩn bị là gì?
Biết nhiều không bằng Biết điều
Nếu bạn "non" kinh nghiệm thì đừng lo lắng vì thái độ là tất cả. Thái độ là yếu tố mấu chốt giúp nhà tuyển dụng lựa chọn bạn. Hơn 80% cấp bật quản lí chia sẽ rằng lí do họ cho nhân viên pass probation (qua vòng thử việc) là bởi thái độ biết điều. Hầu hết chúng ta dù đã dày dặn kinh nghiệm hay là mới ra trường thì khi bạn bước vào một công việc mới, lĩnh vực mới thì bạn như "một tấm chiếu mới". Vậy nên, thái độ là thứ quyết định xem bạn có "đạt" tiêu chuẩn trong mắt nhà tuyển dụng không.
Biết điều ở đây chính là biết điều gì đúng, điều gì cần làm và ưu tiên thứ tự trước sau để tạo thành một kế hoạch, lộ trình làm việc hoàn chỉnh. Người biết điều hiểu và biết mình nên làm gì vào lúc nào, biết phải xử lí như thế nào cho khéo léo trong nhiều trường hợp khác nhau. Người biết điều là người có EQ – trí tuệ cảm xúc, cao.
Mặc dù, sinh viên là đối tượng sở hữu nhiều lợi thế như sức trẻ, sự sáng tạo, năng động, hoài bão… nhưng các bạn vẫn còn thiếu nhiều tố chất, trong đó có lòng can đảm. Bạn có biết điều gì giúp bạn có được kinh nghiệm hay không? Chính là làm việc. Kiến thức được học hoàn toàn khác biệt với công việc thực tế. Vậy nên, bạn đừng e ngại mình chưa đủ khả năng để làm thêm, bởi dù chưa hoàn thành chương trình học hay đã hoàn thành thì khi bắt đầu làm việc, bạn vẫn phải bắt đầu từ số 0.
Do đó, để tiết kiệm được thời gian xin việc cũng như nâng cao chuyên môn của bản thân, bạn hãy sẵn sàng và mạnh dạn đi làm thêm. Quá trình tìm việc làm của sinh viên càng được khởi động càng sớm càng tốt. Bạn sẽ học được những điều về kỹ năng, kinh nghiệm, chuyên môn mà chỉ khi đi làm mới được tiếp xúc. Những điều này sẽ giúp bạn cạnh tranh với những ứng viên khác trong quá trình phỏng vấn. Hơn nữa, bạn còn có thể chứng minh bản thân, phát huy sở trường để đạt một số thành tích. Từ đó, hành trình tìm việc sẽ không còn sợ hãi khi đề cập đến yếu tố kinh nghiệm.
Người càng giỏi càng phải biết điều
Biết điều không chỉ là thái độ cần có ở người trẻ mà kể cả những "lão làng" cũng cần phải có. Bởi chúng ta đang sống ở một thế giới mà mọi thứ xung quanh biến đối nhanh đến chóng mặt mà người ta nói đùa rằng nếu bạn ngủ 1 giấc nhiều khi sáng mai bạn trở thành "người tối cổ". Vậy nên, có những thông tin, kiến thức mà người dày dặn kinh nghiệm lại không nắm bắt kịp. Cho nên, luôn nhớ rằng dù bạn giỏi giang thành công đến đâu thì cũng cần nâng cấp bản thân nếu không muốn bị "lỗi thời".
Ngoài ý nghĩa trên, "biết điều" còn là một cách để bạn xây dựng các mối quan hệ và nhận được sự yêu mến từ mọi người. Hãy thử tưởng tượng xem, nếu trong công ty, bạn luôn đối xử hòa nhã, biết cho đi, biết đối đãi chân thành, thì bạn sẽ được yêu thương nhường nào. Đó còn chưa nói đến mọi người, kể cả sếp sẽ tôn trọng và giúp đỡ bạn ra sao khi bạn gặp khó khăn. Ngược lại, nếu bạn là người không biết điều, hành xử không chuẩn mực, là chuyên gia thị phi, thì chắc chắn bạn sẽ rơi vào trường hợp bị cô lập, bị ghen ghét, dù bạn có đưa ra yêu cầu hỗ trợ đồng nghiệp cũng có những lý do để chối từ.
Thử nghĩ mà xem nếu bạn là giám đốc của một công ty nhưng tính tình lại trịch thượng, soi mói liệu nhân viên có sẵn sàng cùng bạn cố gắng không? Đồng ý rằng hầu hết chúng ta đi làm vì tiền nhưng tiền không phải tất cả. Nhân viên có thể chấp nhận lương thấp hơn nhưng môi trường làm việc tốt hơn, sếp "dễ chịu" hơn. Vậy nên, dù cho bạn là sếp thì nên nhớ rằng việc "đối nhân xử thế" rất quan trọng. Như câu: "Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau". Người biết điều quản lí tốt cảm xúc của mình không để nó ảnh hưởng đến công việc.
Vậy nên, không chỉ riêng với sinh viên mà với tất cả những người lao động, hãy rèn luyện tính "biết điều" trong cuộc sống và công việc. Bởi biết đâu, có lúc chúng ta sẽ nhận được những cơ hội mới từ những mối quan hệ xung quanh nhờ vào sự biết trước biết sau của mình.
Biết điều không có nghĩa là làm hài lòng người khác
Nhiều người lầm tưởng biết điều là nịnh nọt, tuy nhiên, thực tế chúng hoàn toàn khác nhau. Hãy lấy 1 ví dụ cụ thể để phân biệt người biết điều, người không biết điều và nịnh nọt nhé. Ở một công ty A, sếp B vì chuyện gia đình mà thường xuyên hằn hộc với nhân viên cho dù họ không làm gì sai. Người không biết điều sẽ không tìm hiểu nguyên nhân mà đi nói xấu sau lưng sếp gây chia rẻ nội bộ công ty. Người nịnh nọt sẽ đi an ủi sếp nhưng chiều theo cái sai của sếp. Trái lại, người biết điều sẽ hẹn gặp riêng sếp để hỏi rõ nguyên nhân và trình bày vấn đề một cách nhẹ nhàng lịch sự và góp ý mang tính xây dựng.
Chúng ta biết điều, biết đối đãi không đồng nghĩa với việc chúng ta phải đáp ứng và làm hài lòng tất cả mọi người. Nếu bất kỳ ai lợi dụng sự biết điều của chúng ta để đưa ra những yêu cầu quá đáng, chúng ta nên thẳng thắn nói không. Nhất là đối với sinh viên, thường sẽ có tâm lý chịu thiệt và nhún nhường để đổi những ngày tháng yên ổn ở nơi làm việc. Nhưng đừng quên rằng, mặc dù còn non trẻ nhưng tất cả đều là đồng nghiệp của nhau, chúng ta cũng cần được tôn trọng. Nên thay vì có những mối quan hệ vụ lợi, chèn ép hãy thật sự tìm kiếm những tấm lòng chân thành.
HR Insider
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị