Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp chiều 11-6 - Ảnh: VGP/Đình Nam
Chiều 11-6, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, đã chủ trì cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo với một số địa phương có nhiều khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp về công tác phòng, chống dịch bệnh.
Nếu có ca nhiễm phải phát hiện trong 3 ngày đầu tiên
Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết từ ngày 27-5 đến nay, thành phố đã lấy khoảng 482.000 mẫu, trong đó 6.448 mẫu F1, hơn 25.000 mẫu F2, gần 430.000 mẫu xét nghiệm sàng lọc mở rộng.
Do tăng cường xét nghiệm sàng lọc, truy vết nên 4 ca nhiễm là công nhân làm việc trong KCN đã được phát hiện kịp thời, chặn được chuỗi lây nhiễm. Đồng thời, TP.HCM tăng cường giám sát có trọng điểm, khi cần thiết tiếp tục mở rộng xét nghiệm ra toàn xí nghiệp, phân xưởng, thậm chí cả KCN nếu nhận thấy có nguy cơ cao; duy trì sàng lọc theo tỉ lệ 20% công nhân của các nhà máy, xí nghiệp trong KCN.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức đánh giá tình hình hiện nay ở TP.HCM vẫn có nguy cơ rất cao dịch lây sang các tỉnh lân cận và vào các KCN. Vì vậy, các lực lượng của thành phố tiếp tục tăng cường xét nghiệm sàng lọc, tầm soát trong cộng đồng, các KCN, tập trung vào những khu vực có nguy cơ cao.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh qua hơn 1 tháng triển khai quyết liệt các biện pháp, tình hình dịch cơ bản được kiểm soát trên toàn quốc, mặc dù số ca nhiễm, số địa phương có dịch nhiều hơn trước.
Theo Phó thủ tướng, chúng ta đã có kinh nghiệm tốt trong phòng, chống dịch tại cộng đồng. Vì vậy, dù chưa gặp phải tình huống phức tạp như chuỗi lây nhiễm của nhóm truyền giáo Phục Hưng (TP.HCM) nhưng lực lượng phòng, chống dịch vẫn "đuổi bắt kịp chuỗi lây nhiễm".
Vấn đề đáng lo ngại nhất là các địa phương chưa có kinh nghiệm chống dịch trong KCN, nhất là tại các doanh nghiệp sản xuất điện tử, môi trường làm việc kín, sử dụng điều hòa, rất đông công nhân. Khi phát hiện ca nhiễm thì ngoài KCN, nhà máy còn có các khu nhà trọ dành cho công nhân có mật độ rất đậm đặc...
Phó thủ tướng nhấn mạnh bên cạnh việc chuẩn bị các phương án ứng phó thì cố gắng để dịch không lây vào KCN, nếu có ca nhiễm phải phấn đấu phát hiện ngay trong vòng 3 ngày đầu tiên.
Muốn vậy, các địa phương phải thực hiện khai báo y tế bắt buộc, cập nhật tình hình sức khỏe của tất cả người làm việc trong KCN. Những người có lịch trình đi lại, tiếp xúc có nguy cơ thì phải được xét nghiệm sàng lọc. Bên cạnh khu cách ly tập trung, các địa phương phải chuẩn bị phương án cách ly tại chỗ với mật độ giảm thấp hơn bình thường...
Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang nhấn mạnh các địa phương nhất định phải chuẩn bị kỹ cho phương án 4 tại chỗ, thì mới không bị động khi xảy ra dịch bệnh trong KCN - Ảnh: VGP/Đình Nam
Tiêm vắc xin COVID-19 cho toàn bộ công nhân
Để vừa chống dịch, vừa bảo đảm sản xuất an toàn, Phó thủ tướng yêu cầu những địa phương có KCN, dù chưa có dịch cũng phải kiểm tra và kiên quyết dừng hoạt động những doanh nghiệp chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu phòng, chống dịch.
Đồng thời, yêu cầu doanh nghiệp phải cập nhật đầy đủ thông tin lên hệ thống an toàn COVID (antoancovid.vn) để địa phương nắm được tình hình phân bố khu vực sản xuất của doanh nghiệp, để sau này khi ghi nhận, cập nhật các ca F0, F1, F2 thì dựa trên các mô hình tính toán, chuyên gia có thể dự đoán được đường lây, những khu vực có nguy cơ. Từ đó giúp địa phương triển khai kịp thời các biện pháp phòng chống sát thực tế, đuổi kịp và đón đầu dịch.
Cạnh đó, các địa phương phải yêu cầu doanh nghiệp trong KCN có phương thức tổ chức lại sản xuất các ca, kíp, khu sản xuất gắn với bố trí chỗ ở cho công nhân, trong tình huống có ca nhiễm thì chỉ khoanh vùng, cách ly được ngay nhóm công nhân cùng ca, kíp, ở cùng khu vực, không lan sang bộ phận khác, doanh nghiệp vẫn tiếp tục duy trì được hoạt động. Đây là công việc rất công phu, đòi hỏi doanh nghiệp phải thực sự "xắn tay" vào làm cùng chính quyền địa phương.
Phó thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương chủ động trong tình huống có nhiều ca nhiễm ở KCN, khảo sát trước các địa điểm có thể thành lập các bệnh viện dã chiến, tận dụng tối đa cơ sở vật chất hiện có, chuẩn bị phương án thiết lập các đơn vị điều trị tích cực.
Trả lời kiến nghị các địa phương mong muốn sớm có vắc xin ngừa COVID-19 tiêm cho công nhân trong KCN, Phó thủ tướng cho biết khó khăn lớn nhất là hiện nay là các nguồn vắc xin đều không có cam kết về tiến độ giao hàng.
"Chúng ta không thiếu kinh phí nhưng khó nhất là làm sao có vắc xin về sớm nhất, nhiều nhất có thể. Cố gắng trong tháng 7-2021 sẽ tiêm hết vắc xin ngừa COVID-19 cho công nhân trong các nhà máy, KCN có nguy cơ cao. Hết tháng 8-2021 sẽ tiêm xong cho toàn bộ công nhân trong các KCN trên cả nước", Phó thủ tướng nói.
TTO - Hàn Quốc cân nhắc tiêm vắc xin COVID-19 cho công nhân các ngành thiết yếu như sản xuất chip bán dẫn và các công ty trong ngành điện tử để ngăn đứt gãy chuỗi sản xuất. Canada, Ấn Độ cũng ưu tiên tiêm chủng cho công nhân.