Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin trên số báo trước, mới đây liên ngành tòa án, VKS và Công an TP Thủ Đức (TP.HCM) đã đề xuất chủ trương thí điểm xét xử trực tuyến những vụ án hình sự đối với các bị cáo đang bị tạm giam. Qua đó, các cơ quan này tiến tới đề xuất sửa đổi, bổ sung pháp luật tố tụng hình sự trong việc xét xử những vụ án theo thủ tục rút gọn hoặc những vụ án đơn giản.
Lãnh đạo TAND đánh giá đây là một ý tưởng tốt và tích cực, rất phù hợp với tình hình phòng chống dịch bệnh. Tuy nhiên, khi nhận được đề xuất chính thức, TAND TP.HCM sẽ xin ý kiến TAND Tối cao, nếu thực hiện thì phải đảm bảo đúng tố tụng, bảo vệ quyền và lợi ích của bị cáo và những người tham gia tố tụng khác…
Số này, chúng tôi giới thiệu các ý kiến bàn luận của lãnh đạo các cơ quan tố tụng, giảng viên chuyên ngành và luật sư về đề xuất này.
Ông THÁI QUANG HẢI, Chánh án TAND TP Cần Thơ:
Có thể xử trực tuyến cả án dân sự, hành chính
Ông Thái Quang Hải, Chánh án TAND TP Cần Thơ
Đề xuất của liên ngành tố tụng TP Thủ Đức là khả thi. Trong điều kiện các vụ án bị áp lực về thời gian, công việc thì việc xử trực tuyến vẫn đảm bảo. Với điều kiện hiện nay, công nghệ đã tiên tiến hơn rồi thì cũng không cần phải xử trực tiếp. Việc xét xử trực tuyến vừa đảm bảo tiến độ công việc, vừa đảm bảo sức khỏe.
Tôi đang cho nghiên cứu, trường hợp dịch bệnh phức tạp hơn nữa, phiên tòa không mở trực tiếp được thì có khả năng sẽ mở trực tuyến, dùng các ứng dụng mạng xã hội để thực hiện.
Trường hợp cần thiết thì có thể cả án dân sự, hành chính cũng xét xử trực tuyến được. Đương sự có thể ở nhà dùng phần mềm trực tuyến để tham gia phiên tòa và tòa vẫn có các biện pháp nghiệp vụ để xác định được đúng đương sự…
Ông HUỲNH VĂN RI, Viện trưởng VKSND TP Cần Thơ:
VKSND TP Cần Thơ đủ sức làm
Ông Huỳnh Văn Ri, Viện trưởng VKSND TP Cần Thơ
Dịch bệnh COVID-19 phức tạp thì phải làm như đề xuất của tp Thủ Đức mới giải quyết công việc được và không bị vi phạm tố tụng. Việc kết nối trực tuyến giữa tòa và VKS chúng tôi đã làm từ lâu. Không ngồi được trực diện với nhau thì nhìn nhau gián tiếp qua trực tuyến. Tiếng nói vẫn nói công khai, hình ảnh, âm thanh vẫn lưu lại được nên không ảnh hưởng gì quyền lợi của người tham gia tố tụng…
Ông TRẦN HUY ĐỨC, Chánh Văn phòng TAND Cấp cao tại Đà Nẵng:
Dịch bệnh phức tạp, rất cần xét xử trực tuyến
Ông Trần Huy Đức, Chánh Văn phòng TAND Cấp cao tại Đà Nẵng
Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch nên hoạt động xét xử gặp khó khăn nhất định. Có thời gian, một số phiên tòa mở nhưng đương sự ở các địa phương khác không thể đến Đà Nẵng do dịch nên phải hoãn xử. Dịch bệnh phức tạp, không chỉ đối với ngành tòa án mà các ngành nghề khác cũng ưu tiên làm việc trực tuyến.
Đối với công tác xét xử, chủ trương như thế nào đi chăng nữa thì vẫn phải đảm bảo các quy định của pháp luật, đặc biệt là đảm bảo quyền và lợi ích cho người dân.
Ông NGUYỄN VĂN HƯNG, Chánh Văn phòng VKSND TP Đà Nẵng:
Chỉ nên là giải pháp tình thế
Ông Nguyễn Văn Hưng, Chánh Văn phòng VKSND TP Đà Nẵng
Mở các phiên tòa trực tuyến chỉ là phương án tình thế. Đối với những vụ phức tạp, đòi hỏi nhiều sự tranh luận, đối đáp thì các phiên tòa trực tiếp là cần thiết.
Chúng tôi vừa tổ chức lấy lời khai trực tuyến một vụ án để giải quyết án kịp thời và bảo vệ an toàn cho kiểm sát viên. Nếu không có dịch COVID-19 thì việc lấy lời khai trực tiếp vẫn hay hơn. Việc xét xử cũng vậy, nếu làm trực tiếp thì có thể sử dụng đầy đủ và hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ.
LS VŨ PHI LONG, nguyên Phó Chánh tòa Hình sự, TAND TP.HCM:
Không vi phạm nguyên tắc xét xử bằng lời nói liên tục
LS Vũ Phi Long, nguyên Phó Chánh tòa Hình sự, TAND TP.HCM
Chúng ta đã triển khai họp trực tuyến, học trực tuyến thì việc xét xử trực tuyến (tất nhiên chỉ phù hợp đối với những vụ án hình sự ít bị cáo, tính chất đơn giản) cũng là hoạt động rất nên làm, đặc biệt trong tình hình dịch bệnh hiện nay. Việc xem xét toàn bộ quy định tố tụng hình sự cũng không có trở ngại nào, không vi phạm nguyên tắc xét xử bằng lời nói liên tục.
Tuy nhiên, việc xét xử trực tuyến cần đảm bảo HĐXX - kiểm sát viên - thư ký phải có mặt tại phiên tòa và ngồi đúng vị trí tố tụng của mình, nghĩa là những người tiến hành tố tụng chỉ trực tuyến với bị cáo chứ không trực tuyến với nhau. Trường hợp bị cáo có luật sư hoặc vụ án có bị hại thì luật sư, bị hại được mời đến phiên tòa tham gia trực tiếp. Ít người tham gia nên sẽ đảm bảo được khuyến cáo 5K của Bộ Y tế để phòng chống dịch COVID-19.
TS PHAN ANH TUẤN, Trưởng bộ môn luật hình sự, ĐH Luật TP.HCM: Chưa có tiền lệ BLHS, BLTTHS hiện chưa có quy định về thủ tục xét xử online. Đây là một trở ngại lớn cho TAND TP Thủ Đức, bởi theo nguyên tắc, cơ quan nhà nước chỉ được làm những gì luật cho phép. Việc xét xử trực tuyến còn gặp khó khăn ở quy định tòa án xét xử công khai, mọi người đều có quyền tham dự phiên tòa. Ứng dụng gọi trực tuyến, họp trực tuyến hiện nay đều giới hạn số người truy cập tại cùng thời điểm. Do đó, cần có quy định rõ trường hợp tòa xét xử trực tuyến thì cách thức người dân tham gia phiên tòa và thực hiện quyền giám sát hoạt động tố tụng như thế nào… |
Tính kỹ trước khi triển khai Cái chính trong việc xét xử trực tuyến vẫn là mang đến sự thuận lợi cho người dân, đảm bảo quyền và lợi ích cho họ. Ví dụ tôi ở Sóc Trăng vẫn có thể tham gia phiên tòa ở Đà Nẵng. Việc này giúp tôi tiết kiệm được công sức, thời gian, tiền bạc mà vẫn được nói lên tiếng nói của mình. Tôi vẫn được tranh luận, xuất trình tài liệu, chứng cứ để bảo vệ mình. TAND TP Đà Nẵng đã xây dựng đề án phiên tòa hành chính trực tuyến. Tòa nhận thấy một số “lỗ hổng” cần giải quyết trước khi có thể triển khai. Không phải chỉ lắp máy quay lên là xử trực tuyến được. Cần có hướng dẫn cụ thể và phải sửa luật để phù hợp thực tiễn vì nguyên tắc là xét xử trực tiếp và bằng lời nói. Một thẩm phán tại TAND TP Đà Nẵng |