Trước những ảnh hưởng nặng nề do liên tiếp các đợt dịch COVID-19 bùng phát, nhiều hiệp hội doanh nghiệp (DN) và Sở Giao thông Vận tải (GTVT) các tỉnh, thành đã liên tục gửi đơn kiến nghị giảm phí, thuế... Các chuyên gia cho rằng, ngoài việc giảm thuế, phí thì cần phải có những biện pháp hỗ trợ cụ thể hơn.
Doanh nghiệp kiệt quệ
Chưa kịp "hồi sức" từ các đợt dịch trước, các DN vận tải tiếp tục lao đao trong đợt bùng phát mới. Hàng loạt hiệp hội vận tải vừa có văn bản kiến nghị Chính phủ và bộ, ngành liên quan có các giải pháp hỗ trợ khẩn cấp DN vận tải bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.
Mới đây, Sở GTVT TPHCM cũng vừa có văn bản gửi UBND TPHCM về kiến nghị hỗ trợ các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bị ảnh hưởng do dịch COVID-19. Theo sở này hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt và sở đã tạm ngừng 39 tuyến xe buýt do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Ngoài ra, thực hiện ý kiến chỉ đạo trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 của các cấp, hoạt động vận tải hành khách theo hình thức hợp đồng, du lịch, trung chuyển, xe buýt và theo tuyến cố định phải đảm bảo vận chuyển hành khách tối đa không quá 50% sức chứa, không quá 20 người trên phương tiện, khiến nguồn doanh thu của các đơn vị vận tải giảm sút hoặc không có.
Trước diễn biến còn phức tạp của các chuỗi lây nhiễm COVID-19 tại TPHCM, 32 tỉnh thành đã thông báo tạm dừng vận tải đường bộ đi, đến TPHCM, gồm: Tiền Giang, Long An, Bến Tre, Đồng Tháp, Trà Vinh, Cần Thơ, Vĩnh Long, Bạc Liêu, Hậu Giang, Cà Mau...
Trong khi đó, trao đổi với Lao Động - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hải Phòng - cho biết, qua các đợt dịch, nhiều DN vận tải hành khách, bến xe giảm trung bình 70-80% doanh thu. Nhiều đơn vị phải dừng hoạt động để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và sản lượng hành khách sụt giảm mạnh dẫn đến thu không đủ chi, DN không có nguồn để trả gốc và lãi vay ngân hàng, các khoản chi phí khác để duy trì hoạt động.
"Nhiều DN có nguy cơ phá sản và người lao động mất việc làm do dịch bệnh và khó khăn kinh tế” - ông Hải thừa nhận.
Trước những khó khăn này, Hiệp hội Vận tải Hải Phòng kiến nghị Bộ GTVT và các ngành có liên quan giảm thuế giá trị gia tăng về 0% trong thời gian 12 tháng cho các DN kinh doanh vận tải, bến xe; giảm 50% lệ phí trước bạ cho các xe ôtô đăng ký mới để kinh doanh vận tải. Đối với các DN vận tải, bến xe còn nợ đọng bảo hiểm xã hội, đề nghị cho DN được giãn nộp số nợ đến 31.12.2021 (không tính lãi nộp chậm).
Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát (sở hữu hãng xe Sao Việt) Đỗ Văn Bằng nói với Lao Động rằng, từ đầu tháng 5 đến nay, tất cả xe khách của đơn vị gần như dừng hoạt động do không có khách. Doanh nghiệp có 100 xe, nhưng chỉ chạy hai, ba xe để duy trì tuyến, mỗi chuyến xe tuyến Hà Nội - Lào Cai chỉ thu được 2 triệu đồng, trong khi chi phí vận hành khoảng 7,5 triệu đồng.
Hỗ trợ để doanh nghiệp phục hồi
Để giảm bớt khó khăn cho DN vận tải hành khách công cộng trên địa bàn Thành phố Hà Nội, Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành chỉ đạo hệ thống ngân hàng áp dụng các giải pháp hỗ trợ về vốn cho DN giảm từ 3-5% lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ; cho vay mới DN bổ sung vốn lưu động khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh. Chính phủ cho các DN vận tải khách công cộng được ngừng đóng (không phải đóng) bảo hiểm xã hội đến hết năm 2021; miễn nộp phí bảo trì đường bộ đến hết năm 2021.
Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Thành phố Hà Nội và Hiệp hội Vận tải Hải Phòng đề nghị Chính phủ gia hạn thời gian thực hiện lắp camera để Bộ GTVT chuẩn bị kỹ hơn về các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, thời điểm thực hiện cho khả thi. Nguyên nhân là nhiều DN vận tải đã chủ động tự đầu tư, trang bị lắp camera, nay nếu phải thay đổi sẽ rất lãng phí, nhất là 2 năm gần đây dịch bệnh đã làm cho các DN kiệt quệ.
Theo một số chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh hiện nay Chính phủ nên có những chiến lược để giải cứu các cụ thể theo tầm nhìn của quốc gia chứ không phải để các DN cố gắng sống “qua ngày đoạn tháng”.
Cần nhìn rõ cứu trợ không phải để “hà hơi thổi ngạt” mà chính là đầu tư cho tương lai. Trước thực trạng này, việc đề xuất, xây dựng chính sách hỗ trợ DN và người lao động cần phải thay đổi theo hướng hỗ trợ phục hồi và phát triển thay vì mục tiêu hỗ trợ thanh khoản để cầm cự như thời điểm một năm trước.
Các chuyên gia cho rằng, chính sách hỗ trợ trong giai đoạn này cần tập trung trợ giúp, khuyến khích đầu tư nhằm vào những đối tượng, khu vực đang tạo nên dư địa tăng trưởng mới cho nền kinh tế, thay vì hỗ trợ chung chung cho tất cả các đối tượng chịu ảnh hưởng sẽ khiến nguồn lực bị phân tán, dàn trải, kém hiệu quả.
Xem thêm: odl.194919-peihgn-hnaod-ohc-eht-uc-ort-oh-pahp-neib-gnuhn-oc-iahp/et-hnik/nv.gnodoal