Các hãng hàng không chạy đua rót tiền vào 'taxi bay'
Chánh Tài
(KTSG Online) – “Taxi bay”, loại máy bay điện cất cánh và hạ cánh thẳng đứng (eVTOL) hoạt động ở các chặng bay ngắn, đang tiến gần hơn đến bầu trời ở các đô thị sau khi nhận được các đơn hàng lớn. Một số hãng hàng không bắt đầu sốt sắng đặt mua máy bay eVTOL vì họ nhận thấy tiềm năng phát triển một mảng kinh doanh mới, liên quan đến nhu cầu đi lại bằng đường hàng không ở nội đô giữa lúc mảng kinh doanh chính, vận chuyển hàng khách ở các chặng bay dài, đang đối mặt với sức ép do tác động của đại dịch Covid-19 và các quy định hạn chế khí thải carbon.
Các hãng hàng không đặt mua sớm
Hôm 10-6, Công ty khởi nghiệp (startup) phát triển máy bay điện Vertical Aerospace ở Anh, cho biết đã nhận được các đơn hàng đặt mua 1.000 máy bay eVTOL của công ty này với tổng trị giá có thể lên đến 4 tỉ đô la từ hai hãng hàng không American Airlines (Mỹ), Virgin Atlantic Airways (Anh) và Công ty cho thuê máy bay Avolon Holdings (Ireland).
Hình ảnh đồ họa “taxi bay” VA-X4 của Vertical Aerospace. Ảnh: Aerospace Testing International |
Máy bay eVTOL của Vertical Aerospace, có tên gọi VA-X4, sẽ được tiến hành bay thử nghiệm lần đầu tiên vào cuối năm nay. VA-X4 có thể chở 1 phi công và 4 hành khách, vận hành với tốc độ lên đến 320 km/giờ trong tầm bay 160 km.
“Chúng tôi tin rằng đây là sự khởi đầu mới trong bước phát triển lớn tiếp theo của đi lại hàng không đô thị”,
Cho đến nay, vẫn chưa có “taxi bay” nào được cấp giấy phép vận hành thương mại nhưng Cơ quan An toàn hàng không Liên minh châu Âu (EASA) dự kiến sẽ cấp phép cho loại máy bay này sớm nhất là vào năm 2024. Hồi tháng 5, Patrick Ky, Giám đốc EASA, nói rằng ông kỳ vọng việc vận hành thương mại của máy vay eVTOL sẽ bắt đầu với việc vận chuyển hàng hóa và sau đó là hành khách. |
Domhnal Slattery, Giám đốc điều hành Avolon Holdings, công ty đang đầu tư 15 triệu đô la vào Vertical Aerospace nói.
Avolon Holdings đã đặt mua 310 chiếc máy bay VA-X4 của Vertical Aerospace và quyền chọn mua thêm 190 chiếc nữa với tổng trị giá 2 tỉ đô la. American Airlines thông báo sẽ đầu tư 25 triệu đô la vào Vertical Aerospace và sẽ mua đến 250 máy bay VA-X4 với điều kiện chúng phải được các cơ quan quản lý cấp phép bay, cũng như đạt một số yêu cầu quan trọng khác
American Airlines cho rằng những chiếc máy bay điện có thể cất cánh và hạ cánh thẳng đứng giống trực thăng này sẽ giúp vận chuyển hành khách đến hoặc rời các sân bay ở các thành phố đông đúc, thường xuyên tắc nghẽn giao thông.
Cũng trong ngày 10-6, startup Archer Aviation, có trụ sở ở bang California, Mỹ công bố mẫu máy bay điện tự hành 2 chỗ ngồi có tên gọi Maker, sau khi nhận được khoản đầu tư 20 triệu đô la từ hãng hàng không United Airlines. Archer Aviation cho biết máy bay này được sử dụng cho mục địch thử nghiệm để tiến đến việc xin cấp giấy phép thương mại cho mẫu máy bay điện có phi công với 5 chỗ ngồi đã được giới thiệu lần đầu tiên hồi tháng 3-2020.
Mẫu máy bay điện Maker của startup Archer Aviation, có trụ sở ở California, Mỹ. Ảnh: Reuters |
United Airlines đã cam kết mua đến 200 chiếc Maker nếu máy bay này đáp ứng các yêu cầu về hoạt động và tính hiệu quả. Maker có tầm hoạt động 96km và có thể bay với tốc độ 240 km/giờ khi đi vào vận hành thương mại vào năm 2024, theo Archer Aviation.
Mới đây, Eve Urban Air Mobility, đơn vị phát triển eVTOL của hãng sản xuất máy bay Embraer (Brazil) cho biết đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Công ty Halo Aviation, nhà cung cấp dịch vụ trực thăng hoạt động ở Mỹ, Anh và Công ty Helisul Aviation, nhà cung cấp dịch vụ trực thăng ở Brazil. Theo đó, Halo Aviation đặt mua trước 200 chiếc máy bay eVTOL của Eve Urban Air Mobility, còn đơn hàng của Helisul Aviation là 50 chiếc.
Taxi bay được thiết kế để vận chuyển chỉ vài hành khách trong các chặng bay ngắn tối đa khoảng 160km. Ưu điểm của loại máy bay này là không gây tiếng ồn lớn, vận hành linh hoạt và không phát thải khí carbon nhờ sử dụng nhiều cánh quạt nhỏ chạy bằng điện. Taxi bay được kỳ vọng thu hút các hàng khách giàu có, những người có thể muốn tránh cảnh kẹt xe khi đi đến sân bay hoặc đi nghỉ ngơi ở vùng ngoại ô vào dịp cuối tuần.
Hiệu ứng SPAC thúc đẩy ngành công nghiệp taxi bay non trẻ
Sự trỗi dậy gần đây của các công ty mua lại với mục đích đặc biệt (SPAC) là chất xúc tác cho ngành công nghiệp “taxi bay” còn non trẻ. SPAC về cơ bản là một công ty “vỏ sò” (không có hoạt động thương mại) được thành lập bởi các nhà đầu tư với mục đích duy nhất là huy động tiền thông qua chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) để cuối cùng mua lại một công ty khác và giúp công ty đó nhanh chóng niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.
Vertical Aerospace sẽ trở thành công ty đại chúng sau khi đồng ý sáp nhập vào Broadstone Acquisition, một công ty SPAC, đang niêm yết cổ phiếu trên Sàn giao dịch chứng khoán New York. Với mức định giá tổng cộng 2,2 tỉ đô la, thương vụ sáp nhập này sẽ hoàn tất trong nửa cuối năm nay.
Hồi tháng 2, Archer Aviation cho biết sẽ sáp nhập với một công ty SPAC vào cuối năm nay dựa trên mức định giá 3,8 tỉ đô la.
Hôm 10-6, hãng sản xuất máy bay Embraer xác nhận đang đàm phán để sáp nhập Eve Urban Air Mobility vào Zanite Acquisition Corp, một công ty SPAC ở Mỹ. Eve Urban Air Mobility được định giá khoảng 2 tỉ đô la. Thông tin này lập tức đẩy giá cổ phiếu của Embraer tăng vọt 15%.
Hai startup phát triển eVTOL khác, Joby Aviation (Mỹ) và Lilium (Đức), cũng đã nhất trí niêm yết cổ phiếu thông qua thương vụ sáp nhập vào các SPAC.
Hồi tháng 3, Florian Reuter, Giám đốc điều hành Volocopter, một startup phát triển eVTOL khác của Đức, cho biết sẽ cân nhắc niêm yết cổ phiếu thông qua con đường sáp nhập vào một SPAC.
Domhnal Slattery, Giám đốc Công ty cho thuê máy bay Avolon Holdings, nói rằng các hãng sản xuất máy bay hàng đầu thế giới như Airbus và Boeing sẽ đối mặt với thách thức lớn nếu như các startup phát triển eVTOL hiện nay có thể nâng tầm vận hành máy bay điện của họ lên khoảng 400-500 dặm (650-800km) để cạnh tranh thị phần với các dòng máy bay thân hẹp truyền thống của hai tập đoàn này. |
Theo Bloomberg, Reuters
Xem thêm: lmth.yab-ixat-oav-neit-tor-aud-yahc-gnohk-gnah-gnah-cac/913713/nv.semitnogiaseht.www