vĐồng tin tức tài chính 365

Khát vọng mở!

2021-06-12 11:57

Khát vọng mở!

TS. Trịnh Tiến Dũng

(KTSG) - Giữa tháng 11-2020, sau khi phỏng vấn anh Lê Huy Hòa, Chủ tịch Bitcoin+ & Blockchain Việt Nam, về loạt hoạt động đánh giá cuối kỳ dự án “Đối tác chính phủ mở” do Đại sứ quán Phần Lan tại Hà Nội tài trợ cho Tổ chức Hướng tới minh bạch(1) nhằm thúc đẩy sáng kiến Đối tác chính phủ mở ở Việt Nam, trong đầu tôi đã vụt lên ba chữ “khát vọng mở”.

Mở tức là minh bạch, là trong suốt, là có thể nhìn xuyên thấu. Khát vọng mở đã trở thành một xu thế không thể đảo ngược mặc cho con đường đến đích vẫn còn nhiều gập ghềnh, gian nan, trắc trở như đã thấy qua lễ công bố Báo cáo công khai ngân sách cấp tỉnh năm 2020 ngày 3-6-2021(2).

Chính phủ mở là một xu thế toàn cầu

Trên bình diện toàn cầu, khát vọng về việc người dân có thể dễ dàng nhìn xuyên thấu các hoạt động của chính phủ trong việc đáp ứng nhu cầu của công dân đã được đề cập từ Thế kỷ Ánh sáng(3) (cuối thế kỷ 17 đến thế kỷ 18). Thời gian đầu, chính phủ mở thường hàm ý là công dân “tiếp cận thông tin” từ bên trong chính phủ. Sự xuất hiện của các quy định pháp lý về tự do thông tin cũng như các sáng kiến chính phủ điện tử (E-government) ở nhiều nơi trên thế giới đã giúp thúc đẩy xu hướng xây dựng các chính phủ minh bạch, có trách nhiệm giải trình để có thể đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu của người dân.

Chính phủ mở đã mang một nội hàm mới nhờ sự phát triển của công nghệ thông tin. Anh Hòa nói (đại ý): với công nghệ thông tin thì không mở cũng không được; và rằng, chủ thể quyết định đóng hay mở giờ đây đã không còn chỉ là chính phủ nữa mà trên sân khấu đã có thêm chủ thể khác - công dân, công dân ở từng nước và công dân toàn cầu.

“Chia sẻ” thông tin giờ đây đã trở thành nhu cầu tự thân của chính phủ, không chỉ còn là nhu cầu của người dân như trước kia nữa. Đây là mối quan hệ song phương sòng phẳng hai bên cùng có lợi trong quá trình phát triển đất nước.

Công nghệ thông tin đã trao cho công dân quyền lựa chọn chính phủ và nơi làm ăn kinh doanh. Ví dụ tùy theo môi trường kinh doanh mà công dân một nước có thể không đăng ký khởi nghiệp ở nước họ mà ở nước khác, kéo theo là việc đóng thuế. Mà chính phủ nào lại không muốn giữ chân người đóng thuế để thu được nhiều thuế hơn.

Nói cách khác, chính phủ các nước đã và đang bị đặt vào thế phải “chủ động” chia sẻ và cung cấp thông tin cho xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Cho nên “chia sẻ” thông tin giờ đây đã trở thành nhu cầu tự thân của chính phủ, không chỉ còn là nhu cầu của người dân như trước kia nữa. Đây là mối quan hệ song phương sòng phẳng hai bên cùng có lợi trong quá trình phát triển đất nước. Cụm từ “Đối tác chính phủ mở” (Open Government Partnership, viết tắt OGP) phản ánh nội hàm đó.

Minh bạch ngân sách

Nếu chính phủ mở như đã nói trên là bức tranh toàn cảnh thì minh bạch ngân sách chỉ phản ánh được một phần, một góc nhỏ của bức tranh đó vì một số lẽ.

Thứ nhất, ngân sách chỉ là một mảnh ghép nhỏ, mặc dù là mảnh ghép hạt nhân quan trọng nhất, của nguồn lực công. Ngoài ngân sách còn nhiều mảnh ghép khác như tài sản công (nước, đất đai, rừng biển, bầu trời...). Chính vì vậy, bên cạnh nỗ lực thúc đẩy chính phủ mở thông qua OGP, minh bạch ngân sách (Open Budget Index - OBI) ở các nước, còn có những sáng kiến toàn cầu quan trọng khác như Sáng kiến Minh bạch công nghiệp khai thác (Extract Industry Transparency Initiative(4) - EITI ) trong công nghiệp khai thác dầu, khí và các tài nguyên khoáng sản. Việt Nam đã làm quan sát viên của EITI hơn 10 năm nay nhưng chưa trở thành thành viên.

Thứ hai, ngân sách là một khái niệm tài chính thuần nhất. Không phải nguồn lực công nào cũng trở thành ngân sách mà nó phải được thu, quản lý và sử dụng theo quy định của pháp luật.

Ngân sách Việt Nam đã minh bạch?

Trên phương tiện thông tin đại chúng, thậm chí trong các báo cáo chuyên môn, có lúc vẫn nhầm lẫn giữa công khai với minh bạch. Công khai là con đường phải đi để đạt tới cái đích phải đến là minh bạch. Trong khoảng hai thập niên gần đây, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực đáng ghi nhận trong việc cải thiện công khai ngân sách, nhưng con đường đến đích minh bạch còn dài dằng dặc.

Có thể nói ngắn gọn: công khai nhưng chưa minh bạch. Thứ nhất, lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp, Luật Ngân sách nhà nước 2015 và Thông tư 343/2016/TT-BTC đã chế tài về công khai ngân sách nhưng lại chưa có văn bản hướng dẫn về giám sát ngân sách bởi cộng đồng. Không có sự giám sát độc lập của tổ chức xã hội, của người dân thì khó có thể có ngân sách minh bạch.

Thứ hai, thiết chế cơ quan dân cử các cấp hiện vẫn chưa khắc phục được xung đột lợi ích tiềm tàng, như một vị đại biểu quốc hội hay đại biểu hội đồng nhân dân tỉnh vừa giữ trọng trách ở cơ quan chấp hành (Chính phủ hoặc ủy ban nhân dân) lại vừa là thành viên của các ủy ban của Quốc hội hay các ban của hội đồng nhân dân tỉnh thì rất khó tránh “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.

Thứ ba, các cấp ngân sách ở Việt Nam hiện đang lồng vào nhau như kiểu búp bê Nga, làm cho trách nhiệm giải trình ngân sách bị lu mờ.

Thứ tư, tình trạng một tỷ lệ không nhỏ ngân sách các cấp bị chuyển nguồn liên tục từ năm trước sang năm sau cũng làm cho tính minh bạch ngân sách bị giảm.

Thứ năm, tuy số liệu thu chi ngân sách nhà nước và địa phương được công khai ở các mức độ khác nhau, nhưng phần lớn số liệu đó là số liệu tổng hợp, trừ số liệu chi thường xuyên cho giáo dục và y tế. Do vậy, rất khó bóc tách nên dù được tiếp cận số liệu thì ngay cả chuyên gia tài chính ngân sách cũng khó đưa ra được nhận xét gì cụ thể.

“Tiền chùa”

Theo nghĩa bóng, “tiền chùa” hàm ý tiêu cực mà người dân ngụ ý khi nói về tiền ngân sách, tiền nhà nước bị hà lạm bởi các tổ chức, cá nhân.

Gần đây hiện tượng nghệ sĩ có dấu hiệu không minh bạch trong việc sử dụng tiền thiện nguyện của các cá nhân, tổ chức để cứu trợ đồng bào bị thiên tai, bão lụt năm 2020 cũng đang gây nên dư luận xấu, có thể làm ảnh hưởng đến việc quyên góp của người dân trong thời gian tới.

Rõ ràng, minh bạch tiền thiện nguyện cũng không kém quan trọng và cấp thiết nếu không nói là hơn nếu so với tiền ngân sách, vì một số lý do như sau:

Thứ nhất, điểm chung của tiền ngân sách và tiền thiện nguyện đều là do người dân và doanh nghiệp đóng góp mà có. Nguồn thu của họ cơ bản là không đổi. Họ đóng vào ngân sách nhà nước theo quy định pháp luật và đóng làm thiện nguyện theo sự mách bảo của con tim.

Thứ hai, về lý thuyết, nhu cầu cứu trợ là không đổi. Tổng nguồn thu là như nhau và theo mô hình bình thông nhau. Đóng vào ngân sách nhiều thì ắt sẽ giảm khả năng đóng làm thiện nguyện và ngược lại. Nếu người dân đóng tiền thiện nguyện nhiều thì Nhà nước có thể tiết giảm, dành ngân sách cho việc khác cấp thiết không kém vì nhu cầu thì rất lớn trong khi nguồn lực công luôn thấp hơn.

Thứ ba, khác biệt lớn nhất giữa đóng nghĩa vụ vào ngân sách và đóng làm thiện nguyện là dựa vào niềm tin của họ. Nếu mất niềm tin thì có thể họ vẫn làm đầy đủ nghĩa vụ với Nhà nước nhưng chắc chắn sẽ giảm hoặc thôi không đóng tiền thiện nguyện nữa. Niềm tin là nền tảng của hành động thiện nguyện. Chính vì vậy mà một số cá nhân có ảnh hưởng trong xã hội lại có sức thu hút tiền thiện nguyện lớn đến như vậy.

Làm gì để bảo đảm minh bạch tiền thiện nguyện? Trao đổi ngắn với ông Trần Đăng Tuấn, người khởi xướng và Chủ tịch Quỹ “Cơm có thịt”, cho thấy công khai vẫn là giải pháp vàng để ngăn chặn kẻ xấu lợi dụng tiền thiện nguyện. Dĩ nhiên, công khai phải dựa trên sự hiểu biết và kỹ năng làm thiện nguyện tối thiểu. Đây là lý do vì sao chính quyền địa phương, công an, bộ đội, các tổ chức chính trị xã hội như Mặt trận tổ quốc các cấp... nên hỗ trợ và đồng hành cùng các cá nhân, tổ chức làm thiện nguyện để giúp tiền thiện nguyện đến đúng người cần sự cứu trợ, giúp đỡ thay vì cạnh tranh, thậm chí gây khó khăn cho họ.

(1) Tổ chức Hướng tới minh bạch là đầu mối tại Việt Nam của Transparency International quốc tế có trụ sở tại Cộng hòa Liên bang Đức.

(2) https://vneconomy.vn/gia-nhu-nguoi-dan-quan-tam-minh-bach-ngan-sach-manh-lietnhu-tien-tu-thien.htm

(3) https://ogpvietnam.org/ogp-la-gi-2/

(4) https://eiti.org/

Xem thêm: lmth.om-gnov-tahk/751713/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Khát vọng mở!”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools