- Các cây bút trẻ ở Trại sáng tác “Cây bút vàng 99”
- Tình yêu và trách nhiệm của các cây bút trẻ
- Sứ mệnh trên vai cây bút trẻ
Như: Giải Nhất truyện ngắn cuộc thi Sáng tác văn học trẻ, 2018; giải Nhì cuộc thi truyện ngắn 2018 – 2019, tạp chí Nhà văn và Tác phẩm; giải Ba thơ tạp chí Văn nghệ Điện Biên 2019; giải Ba truyện ngắn của Bộ Công an 2020; giải Nhất cuộc thi viết về hình ảnh người chiến sỹ CSGT lần thứ 2 của báo Dân Việt 2021… và Anh cũng đã xuất bản khá nhiều tác phẩm gây được tiếng vang lớn trên văn đàn.
Phan Đức Lộc khá đa năng trong nhiều thể loại. Ngoài truyện ngắn là sở trường thì anh còn làm thơ, viết tản văn, truyện thiếu nhi… Và “Tuyết đỏ” là cuốn tiểu thuyết đầu tay trên thể loại mới của anh. Tác phẩm được NXB Hội Nhà văn ấn hành vào quý 3, năm 2020 dày dặn hơn 300 trang.
Tác giả trẻ Phan Đức Lộc. |
Thoạt tiên, nhan đề của tác phẩm đã gây một sự kích thích đối với người đọc. Tuyết là hình ảnh khá xa lạ với đất nước Việt Nam, và tuyết đỏ thì lại càng khó hiểu. Nhan đề ấy gợi liên tưởng từ bìa màu đỏ rực của cuốn tiểu thuyết mang tên ngắn gọn “Dính” của nhà văn Ngưng Nguyễn là vật chứng quan trọng của vụ án trong tác phẩm.
Và phải đọc hết toàn bộ tác phẩm, ta mới hiểu được ý nghĩa của nhan đề thông qua phần kết cuốn tự truyện của nhân vật Thiên Di “Xa xa, ô kìa, những cụm hoa xuyên tuyết bừng lên sắc đỏ như những đốm máu kiêu hãnh, rạng ngời. Loài hoa ấy đã ấp ủ hy vọng, chắt chiu niềm tin suốt những ngày đông, tháng giá dài đằng đẵng. Loài hoa ấy sinh ra là để tận hiến cho đời vẻ đẹp tinh túy, hiên ngang nhất, dù có phải rút đến khô kiệt giọt nhựa sống còm cõi cuối cùng. Máu của hoa đã nhuộm đỏ tươi cả miền tuyết tinh khôi để hóa thành một mùa tuyết đỏ. Mùa tuyết đỏ! Mùa tuyết đỏ nói với tôi rằng, tôi cần phải sống để trả tiếp món nợ cho những trầm luân, khổ ải kiếp này. Hãy cứ xuyên qua nỗi đau mà sống… ”.
Cuốn tiểu thuyết gồm có 21 chương tạo thành một seri giống như các cuốn tiểu thuyết trinh thám hay bộ phim hình sự điều tra mà ta thường gặp. Điều đặc biệt ở “Tuyết đỏ” là tác giả đã đan lồng hai mạch truyện xuyên vào nhau. Mạch thứ nhất là hành trình điều tra phá án với người kể chuyện là Trung úy Phan Hà (một trong hai chiến sỹ Công an trực tiếp thụ lý vụ án). Mạch thứ hai là cuốn tự truyện của nhân vật Thiên Di hé lộ những mối quan hệ tình cảm của các nhân vật và đồng thời cũng xem như là manh mối để đi đến cuối cùng của vụ án. Mỗi chương đều có nhan đề và cách đặt nhan đề song hành cũng gợi sự thích thú.
Ở mạch phá án là những từ ngữ mang tính chất nghiệp vụ thì ở mạch kia lại là những nhan đề đậm màu sắc lãng mạn như tâm hồn của tuổi đang yêu của các nhân vật. Ví dụ như chương II là “Chỉ cần anh không buông tay” thì chương III là “Manh mối đầu tiên”, chương IX là “Mật mã lặng câm” thì chương X là “Cho những ngày lặng lẽ”… Cứ thế mạch chuyện xâu chuỗi liền mạch khiến người đọc đọc say mê không thể dừng.
Câu chuyện mở đầu với cái chết của cô gái trẻ, xinh đẹp Phùng Thị Thảo Nguyên (đang là sinh viên khoa Ngữ văn Trường ĐHSP). Người phát hiện đầu tiên lại là bà Mến – một bệnh nhân tâm thần sống trong một khu ổ chuột của thành phố. Hai chiến sỹ trẻ được cử điều tra, phá án là Thượng úy Trần Phương và Trung úy Phan Hà, vốn là bạn học cùng khóa ở trường Công an nhưng lại như hai mảng màu tương phản. Không ngờ sự đối lập ấy lại hỗ trợ cho cả hai trong hành trình tìm ra chân lý.
Vật chứng để lại ở hiện trường quá nhiều (một cuốn tiểu thuyết bìa đỏ rực mang tên “Dính” của Ngưng Nguyễn viết về thế giới LGBT với dòng mật mã “A.G.Z.G.2A”, một chiếc nhẫn có tên là “The heart of the lord” cực kỳ đắt đỏ mà trên thế giới không quá 20 đôi được nạn nhân ngậm trong miệng, đặc biệt là 2 dấu vết tinh dịch trên người nạn nhân). Thêm vào đó là mối quan hệ đầy phức tạp của nạn nhân đã khiến cuộc điều tra gian nan, chệch hướng tưởng như bế tắc.
Cuối cùng vụ án được phá giải nhưng đã để lại nhiều bài học đáng suy ngẫm về lối sống quá coi trọng đồng tiền cũng như sự buông thả, dễ dãi trong cách sống của một bộ phận lớp trẻ hiện nay.
Bìa tác phẩm “Tuyết đỏ” của Phan Đức Lộc. |
Nhân vật trung tâm của tác phẩm cũng là nạn nhân của vụ án chính là Thảo Nguyên. Sinh ra trong gia đình nghèo khó ở nông thôn có tới 7 anh chị em, trời phú cho nhan sắc xinh đẹp lại thông minh, Thảo Nguyên luôn mơ ước một cuộc sống sung túc và mình là trung tâm của vũ trụ. Chính điều đó đã đẩy cô bị Hoàng Sang hãm hiếp dẫn đến có thai lúc còn trung học.
Vượt qua nghịch cảnh, cô vào đại học với sự động viên của những người bạn là Vũ Khang và Thiên Di. Thiên Di vốn là cô gái con nhà giàu có lại có tài năng văn chương. Cô dành một tình yêu trong sáng cho Hải Đăng (vốn là con người bạn làm ăn của gia đình cô). Nhưng cha cô là ông Thiên Bình lại cặp kè với mẹ của Hải Đăng dẫn đến gia đình cậu ấy chia lìa và gia đình cô cũng phá sản mà cô không hề hay biết. Cô được mẹ đưa về quê ngoại và gặp được Thảo Nguyên, Hoàng Sang cũng như Vũ Khang. Tình cảm ấy kéo dài cho đến khi tất cả lên thành phố học đại học.
Lên thành phố, Thiên Di trở lại với công việc viết văn, Vũ Khang làm gia sư còn Thảo Nguyên chạy bàn cho nhà hàng sang trọng. Nhưng để thỏa mãn cho cuộc sống và giúp đỡ gia đình, Thảo Nguyên từ cô gái thánh thiện từng bước sa ngã thành cô gái bán hoa không hơn không kém. Cô yêu Hải Đăng – bạn trai của bạn mình, làm bồ nhí của ông Thiên Bình, bóc bánh trả tiền với Hoàng Sang và cả lợi dụng tình yêu của Vũ Khang.
Kết quả cuối cùng, cô bị chính Vũ Khang trong giây phút nóng giận vì cảm thấy bị phản bội, tổn thương và lo sợ Thảo Nguyên tiết lộ chuyện cặp kè với Nhị Annika đã ra tay sát hại (Vũ Khang vốn không phải dân LGBT nhưng để có tiền cho mẹ chữa bệnh và chu cấp cho người yêu là Thảo Nguyên đã không vượt qua được cám dỗ của những đồng dollar mà Nhị Annika chu cấp). Một kết cục đau lòng cho các nhân vật tuổi đời còn rất trẻ trong truyện.
Thảo Nguyên bị thiệt mạng, Hoàng Sang bị tâm thần, Vũ Khang bị tù tội, Hải Đăng thì tự tử. Chỉ riêng Thiên Di ngây thơ tin vào lời hứa của Hải Đăng đã sang thành phố tuyết trắng Salzburg du học mơ một thiên đương hạnh phúc thì lại phải sống cô độc, lặng lẽ để trả tiếp món nợ cho những trầm luân, khổ ải kiếp này, xuyên qua nỗi đau mà sống.
Bên cạnh các nhân vật chính đó, sự xuất hiện của các nhân vật phụ cũng làm cho câu chuyện thêm phần hấp dẫn. Đó là nhân vật Nhị Annika – gã đồng tính luyến ái với chuỗi spa cao cấp cặp kè với Vũ Khang. Là gã yêu râu xanh, tâm thần bệnh hoạn có sở thích ăn tiết canh ngực, đã hãm hiếp cả xác chết Thảo Nguyên khiến cho quá trình điều tra thêm phức tạp.
Đó là nhân chứng duy nhất của vụ án – bà Mến bị tâm thần với tiếng kêu thảng thốt mà các điều tra viên đau đầu giải mã. Là mẹ của Thiên Di, Thảo Nguyên, Vũ Khang, cả mẹ của Thượng úy Trần Phương – những người phụ nữ nhiều khổ đau, bất hạnh. Đó là Trung tá Văn Lê – cán bộ pháp y Phòng Kỹ thuật hình sự, là đồng chí thủ trưởng; những người đã luôn động viên hai cán bộ điều tra trẻ tuổi mặc cho sự công kích của những tờ báo lá cải hay khi vụ án tưởng như đi vào bế tắc…
Câu chuyện về hành trình phá án được dẫn dắt khéo léo khiến người đọc đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Và khi chân lý được làm sáng tỏ, người ta lại cảm thấy ngậm ngùi suy ngẫm nhiều hơn là niềm vui khi hung thủ sa lưới. Những bài học đắt giá và đau lòng đã phải trả cho cách sống lệch chuẩn.
Là dân chuyên ngành Công an, hiện Trung úy Phan Đức Lộc đang công tác ở Điện Biên; những tình huống, chi tiết truyện kể cả các thuật ngữ chuyên ngành được tác gả trẻ Phan Đức Lộc sử dụng chính xác và chuẩn mực. Ta ngỡ như một vụ án đau lòng ngoài đời thực được tác giả chấp bút viết nên chứ không phải là cuốn tiểu thuyết. Và tôi tin chắc, nếu tác phẩm gặp được một nhà biên kịch giỏi sẽ tạo nên được một bộ phim hình sự đầy hấp dẫn.
Đinh Hạ