5 Giám đốc xộ khám và món nợ 1.500 Tỷ đồng
Ngày 11-6, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh An Giang ra quyết định khởi tố bị can Lưu Bách Thảo (SN 1964, ngụ phường Bình Khánh, TP.Long Xuyên, nguyên Tổng giám đốc (TGĐ) Công ty CP Việt An, tên giao dịch Anvifish, hiện đã xuất ngoại); Ngô Văn Thu (SN 1971, ngụ huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) TGĐ Anvifish; Nguyễn Thanh Hùng (em rể ông Thảo, SN 1960, ngụ phường Mỹ Bình, TP.Long Xuyên) GĐ Công ty CP xuất nhập khẩu Bình Minh); Trương Minh Giàu (SN 1969, ngụ phường Bình Đức), GĐ Công ty TNHH Minh Giàu); Nguyễn Viết Tuyên (SN 1976, ngụ phường Bình Đức), nguyên GĐ Công ty TNHH Việt Hưng An Giang; Lưu Bá Phúc (SN 1975, ngụ phường Mỹ Bình) GĐ Công ty TNHH Bách Phúc) để điều tra về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Tháng 7-2014, ông Thảo đột ngột bán hết cổ phần của Anvifish để đi Mỹ chữa bệnh khiến nhiều người ngạc nhiên. Xuất thân từ kỹ sư cầu đường, ông Thảo nổi lên như cồn ở khu vực các tỉnh miền Tây trong ngành thủy sản. Từ năm 2000 - 2004, ông Thảo thành lập Công ty TNHH xây dựng giao thông công chánh Bách Thảo. Khi cá basa, cá tra lên ngôi, ông Thảo liền rời bỏ ngành nghề mình theo học mà chuyển sang thành lập Công ty Việt An. Từ tháng 2-2007, ông Thảo nắm chức danh Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty Việt An. Cũng như những đại gia thủy sản khác ở miền Tây, ban đầu, Anvifish được xem như là đại bản doanh của ông Thảo. Nhiều thành viên trong gia đình ông Thảo được xem là cổ đông lớn của Anvifish như: Nguyễn Thanh Hùng em rể, các em ruột: Lưu Thuận Thảo, Lưu Thị Phương Thảo, Lưu Hiếu Thảo, Lưu Duyên Thảo... nắm số cổ đông lớn.
Anvifish được xem như "con cưng" của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam có đến hai xí nghiệp chế biến 250 tấn/ngày. Bên cạnh đó, ông Thảo còn mua hàng chục ha đất để tạo ao nuôi cá nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm xuất sang thị trường khó tính. Trước nguồn vốn khó khăn, ông Thảo đầu tư 300 tỷ đồng để xây dựng kho lạnh Anpha-AG trên diện tích 40.000m2 có sức chứa 20.000 tấn tại khu công nghiệp Long Hậu (huyện Cần Giuộc, Long An).
Ngày 23-11-2010, Anvifish đã chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán với tổng số lượng cổ phần đăng ký niêm yết là 22.500.000 cổ phần tương tương với số tiền 225 tỷ đồng. Ông Thảo được ví như người thuyền trưởng lèo lái con thuyền Anvifish trước uy tín của thế giới. Nhiều phương tiện truyền thông không hết lời ca ngợi, Anvifish là hiện tượng của ngành thủy sản. Những phát biểu của ông Thảo luôn trang trọng: "Phải biết trân trọng món quà thiên nhiên ban tặng", "Uy tín tạo nên thương hiệu"... Những buổi gặp gỡ báo chí, ông này cho rằng, Anvifish, doanh nghiệp tốt không ngại thị trường xấu...
Năm 2007, công ty có vốn điều lệ 50 tỷ đồng thì đến năm 2010 vốn điều lệ tăng 225 tỷ đồng, lãi sau thuế 113 tỷ đồng, tổng tài sản lên đến 1.200 tỷ đồng. Do kinh doanh gặp khó khăn và gồng mình trả lãi ngân hàng nên Anvifish mang nợ. Đến tháng 8-2012, Anvifish đã mang nợ "khủng" hơn 1.200 tỷ đồng, trong khi đó, vốn sở hữu doanh nghiệp này chỉ vỏn vẹn 400 tỷ đồng. Mặc khác, các khoản vay ngắn hạn của Anvifish chiếm đến 99 %. Sản xuất liên tục khó khăn, Anvifish nợ chồng nợ.
Đầu năm 2014, nhiều vụ kiện của người dân bán cá cho Anvifish không thanh toán được gởi đến tòa. Để chuẩn bị thoái chạy ra khỏi công ty, ông Thảo chuẩn bị màn kịch. Khoảng đầu tháng 6-2014, HĐQT Anvifish tổ chức họp miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT và TGĐ đối với ông Thảo. Ngày 10-7-2014, ông Thảo bán hết cổ phiếu âm thầm sang Mỹ với lý do chữa bệnh. Tính đến cuối quý II-2014, Anvifish mang nợ gần 1.500 tỷ đồng.
Chiếm đoạt tiền người dân và ngân hàng
Ngoài để món nợ khủng cho ngân hàng, Anvifish còn nợ 33 hộ nuôi cá với số tiền trên 127 tỷ đồng. Người dân đã nhiều lần tìm đến công ty nhưng vẫn chưa được hoàn trả số tiền nợ. Nhiều hộ nuôi phải "treo ao", lâm vào cảnh điêu đứng . Tháng 5-2017, Công an tỉnh An Giang đã khởi tố vụ án "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Công ty CP Việt An. Bước đầu, cơ quan điều tra xác định có 8 ngân hàng bị công ty Việt An lừa đảo với tổng thiệt hại hơn 1.100 tỷ đồng. Trong số các bị hại, Vietcombank An Giang bị thiệt hại số tiền hơn 600 tỷ đồng.
Qua điều tra, đến nay, cơ quan điều tra xác định, từ năm 2010 - 2014, Công ty CP Việt An do Lưu Bách Thảo, Ngô Văn Thu cùng 2 Công ty CP xuất nhập khẩu Bình Minh, Công ty TNHH Minh Giàu lập 100 bộ hồ sơ vay vốn khống để chiếm đoạt số tiền hơn 601 tỷ đồng của Vietcombank An Giang. Trong đó, có sự giúp sức của Nguyễn Viết Tuyên và Lưu Bá Phúc xuất hóa đơn khống mua bán cá tra, thức ăn thủy sản để làm điều kiện cho những công ty trên vay vốn chiếm đoạt số tiền trên 601 tỷ đồng. Vụ việc đang được tiếp tục điều tra làm rõ.