Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres - Ảnh: REUTERS
Trước đó, ngày 10-6, Thủ tướng Anh Boris Johnson đề nghị mở rộng sản xuất, chia sẻ 1 tỉ liều vắc xin cho thế giới.
Lãnh đạo nước chủ nhà hội nghị thượng đỉnh G7 cho rằng đây là nỗ lực nhằm chấm dứt đại dịch COVID-19 mà G7 cam kết, trong đó London đóng góp ít nhất 100 triệu liều.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden đề xuất bỏ quyền sở hữu trí tuệ nhằm giúp các nước có thể tự sản xuất vắc xin.
Theo báo Telegraph, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Guterres có vẻ ủng hộ phương án này khi kêu gọi "chia sẻ kiến thức" và công nghệ nhằm ngăn virus lây lan toàn cầu.
"Rõ ràng chúng ta cần chia sẻ kiến thức, nhưng đồng thời cũng chia sẻ mọi phương diện cần thiết để cho phép sản xuất vắc xin. Điều này có nghĩa là huy động tất cả năng lực hiện có hoặc có thể có trong việc chuyển giao công nghệ. Việc bỏ (sở hữu trí tuệ) là một chuyện, nhưng đó không phải yếu tố duy nhất", ông Guterres nói.
Việc bỏ bản quyền vắc xin là một trong những vấn đề gây tranh cãi, khi một số nước bày tỏ ý phản đối cách làm này do lo ngại công ty sản xuất vắc xin sẽ thiệt hại.
Theo Tổng thư ký Guterres, ông hiểu rằng các công ty trên phải được hỗ trợ, vì vậy ông đang yêu cầu sự công bằng trong việc tính toán các giải pháp để các công ty đó vẫn có lợi nhuận hợp lý mà họ đáng được hưởng. Tuy vậy, việc sản xuất cũng cần phải tăng gấp đôi.
Ông nói thêm: "Các quốc gia có năng lực sản xuất vắc xin ngày nay hoặc có thể sản xuất vắc xin nên sát cánh với nhau trong một lực lượng chuyên trách khẩn cấp nhằm ứng phó với vấn đề dược phẩm để cho ra kết quả thành công. Nếu không, nguy cơ vẫn nằm ở đó, trong những khu vực rộng lớn của các nước đang phát triển, nơi virus sẽ lây lan như cháy rừng".
Liên quan tới kế hoạch hành động và chia sẻ với các nước nghèo, ông Guterres cũng nhắc lại việc thế giới đang "trên bờ vực" của tình trạng trái đất đang nóng lên.
Ông cảnh báo hội nghị khí hậu COP 26 ở Glasgow (Scotland, Vương quốc Anh) tháng 11 tới sẽ thất bại nếu các nước G7 không thực hiện cam kết hỗ trợ hành động chống biến đổi khí hậu cho các nước nghèo hơn.
TTO - Nước chủ nhà Anh cho biết nhóm G7 tại cuộc họp vào cuối tuần này sẽ nhất trí mở rộng việc sản xuất vắc xin ngừa COVID-19 toàn cầu, để cung cấp ít nhất 1 tỉ liều cho thế giới thông qua các cơ chế chia sẻ.