Giới nhà giàu đã quá quen thuộc với Thụy Sỹ, bởi nơi này là điểm đến chủ đạo của giới giàu toàn cầu khi muốn cất giữ tài sản ở nước ngoài.
Các tổ chức tín dụng ở Thụy Sỹ luôn đón dòng tiền tài sản tư nhân nước ngoài đổ về, năm 2019 là 2.400 tỷ USD, chiếm 25% thế giới.
Ngoài ra, trong những năm gần đây, Singapore và Hong Kong (Trung Quốc) là 2 điểm đến hàng đầu để cất giữ tiền của giới giàu, đây là nơi cất giữ tiền chủ yếu của giới giàu từ Trung Quốc đại lục.
Năm 2020, đại diện DBS Bank cho hay, tỷ lệ tiền mặt trong danh mục đầu tư của giới siêu giàu châu Á đã tăng lên mức hơn 40%.
Theo DBS Bank, người siêu giàu được định nghĩa là các cá nhân sở hữu ít nhất 30 triệu SGD tài sản có thể đầu tư, tương đương 22 triệu USD. Ngân hàng có trụ sở tại Singapore này cũng cho biết, giới nhà giàu châu Á đang tích cực "gom tiền mặt" để có thể tận dụng tốt cơ hội từ thị trường tài chính và tài sản cá nhân, một khi đại dịch Covid-19 "hạ nhiệt".
Được biết, tổng giá trị tài sản mà DBS Bank đang quản lý đã tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái, ở mức 251 tỷ SGD (184 tỷ USD).
Giới nhà giàu châu Á có thói quen tích cực trữ tiền mặt. Vì đối với giới siêu giàu, việc tăng lượng sở hữu tiền mặt còn nhằm nâng cao tính thanh khoản, để đề phòng các trường hợp cấp bách có thể xảy ra, nhất là khi tỷ lệ doanh nhân trong số người siêu giàu tại khu vực khá cao.
Tài sản tư nhân ở nước ngoài cũng được gửi nhiều tại những "thiên đường" thuế như quần đảo Channel và Isle of Man - các vùng lãnh thổ của Anh và Luxembourg. Mỹ và Anh cũng có mặt trong danh sách với vị trí lần lượt thứ 4 và thứ 8.
Ngoài ra, các tỷ phú thường đầu tư vào bất động sản, doanh nghiệp, sưu tầm đồ cổ, mua máy bay và siêu xe,….như 1 cách để tích trữ tài sản.
Thanh Minh (Tổng hợp)