Chiếm thị phần gần như tuyệt đối tại thị trường Việt Nam, Honda từ nhiều năm nay duy trì chính sách giá xe tay ga bán lẻ cao hơn giá đề xuất, còn xe số thì ngược lại. Đáng lưu ý, hồi đầu năm nay, một số mẫu xe số của hãng này cũng bị đẩy lên cao hơn giá đề xuất đến hơn 1 triệu đồng mỗi chiếc mà không rõ lý do.
Tuy nhiên, dịch Covid-19 bùng phát trở lại vào đầu tháng 5 khiến toàn thị trường trở nên ảm đạm chỉ sau ít tháng khởi sắc, kéo theo hàng loạt mẫu xe tay ga, xe số của hãng này đồng loạt được điều chỉnh giảm giá mạnh.
Theo ghi nhận của phóng viên, chiếc SH Mode được Honda bán ra với giá 75 triệu đồng vào 2 tháng trước, nay chỉ còn 72 triệu đồng; Air Blade 150 cũng vừa giảm từ mức 55 triệu đồng/chiếc còn 52 triệu đồng/chiếc; Air Blade 125 có giá 40,8 triệu đồng, thấp hơn giá đề xuất 1,6 triệu đồng... Tương tự, Lead có giá từ 39-42 triệu đồng/chiếc, giảm từ 1-2 triệu đồng so với trước; Vission giảm 2-3 triệu đồng/chiếc, còn 33-39 triệu đồng/chiếc. Bên cạnh đó, các mẫu xe số hồi đầu năm được các đại lý đẩy giá lên từ vài trăm ngàn đồng đến hơn 1 triệu đồng mỗi chiếc thì nay cũng được điều chỉnh giá giảm trở lại. Trong đó, chiếc Blade hiện có giá bán ra thấp hơn giá đề xuất 700.000 đồng.
Giá xe máy giảm nhưng tiêu thụ vẫn ì ạch
Ông Ngô Văn Tùng, quản lý đại lý xe máy Minh Thành Lợi (TP Thủ Đức, TP HCM), cho biết giá xe máy từ đầu tháng 5 đến nay đã giảm liên tục do dịch bệnh bùng phát nhiều nơi và kéo dài khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, giảm mua sắm không cần thiết. "Hồi đầu năm, khách mua xe của Honda phải đặt cọc trước và chờ cả tháng mới có xe giao. Thậm chí, một số mẫu "hot" đến mức đại lý cũng không nắm được chắc chắn khi nào có xe, chỉ lấy thông tin khách hàng để điện thoại thông báo khi hàng về" - ông Tùng kể và thừa nhận thời điểm đó, do khan hàng nên đại lý tranh thủ đẩy giá.
Ông Trịnh Hoàng Triều, chủ cửa hàng xe máy ở quận 10 (TP HCM), cũng nhận xét lâu nay trên thị trường xe máy, Honda chiếm vị thế áp đảo nên chính sách giá của hãng này được đưa ra theo kiểu "một mình một chợ". "Mẫu xe mới của Honda bao giờ cũng có giá cao hơn mẫu trước đó nhưng vẫn bán được, trong khi các hãng xe khác do thị phần quá thấp nên phải đưa ra giá bán tốt hơn để cạnh tranh. Giờ thì đã khác, sức mua toàn thị trường rất yếu nên đại lý Honda không chỉ giảm giá mạnh mà còn đưa ra nhiều ưu đãi dành cho người mua xe hoặc tổ chức các chương trình trúng thưởng ôtô, xe máy, tivi, tủ lạnh, vàng... song vẫn chưa thể thu hút được khách" - ông Triều nói.
Không riêng Honda, nhiều hãng xe khác cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 khiến sức tiêu thụ giảm thấp chưa từng thấy và buộc phải tích cực chạy các chương trình ưu đãi để kích cầu. Chẳng hạn, hãng Piaggio tặng phí trước bạ, phí biển số cùng voucher phụ kiện trị giá 10 triệu đồng cho toàn bộ khách hàng. Đồng thời, Piaggio cũng đưa ra chính sách trả góp không tính lãi suất và tăng thời gian bảo dưỡng xe lên 5 năm. Còn hãng xe Yamaha giảm giá 2-7 triệu đồng/chiếc, tùy mẫu xe. Hãng Suzuki hỗ trợ phí trước bạ từ 1-5 triệu đồng...
Kết quả kinh doanh giảm sút
Ông Trịnh Mai Lâm, Trưởng Phòng Marketing Yamaha Motor Việt Nam, nhìn nhận tuy tiêu thụ xe máy đầu năm nay có khởi sắc nhưng đến tháng 5 lại sụt giảm đáng kể, dự báo tình hình kinh doanh tháng 6 sẽ tiếp tục khó khăn hơn.
Về phía Honda Việt Nam, bà Đào Thị Hải Yến, Giám đốc Khối Kế hoạch và Đối ngoại, thông tin năm tài chính 2021 (từ tháng 4-2020 đến tháng 3-2021), hãng này tiêu thụ được 2,1 triệu xe máy, giảm 18% so với năm tài chính trước đó. Do tình hình dịch bệnh tác động mạnh đến thị trường, đại diện Honda cũng dự báo chắc chắn hoạt động kinh doanh cũng tiếp tục bị ảnh hưởng trong năm tài chính 2022.
Xem thêm: mth.13331730221601202-hnahc-teh-yam-ex-uam-ueihn/et-hnik/nv.moc.dln