vĐồng tin tức tài chính 365

Không thể phân chia tài sản hàng trăm tỉ đồng vì... mất sổ hộ tịch

2021-06-13 07:51
Không thể phân chia tài sản hàng trăm tỉ đồng vì... mất sổ hộ tịch - Ảnh 1.

Bà Hà chỉ còn tờ photocopy giấy chứng nhận kết hôn - Ảnh: ÁI NHÂN

Đó là trường hợp của bà Nguyễn Thị Thanh Hà, ngụ quận 12 (TP.HCM). Phản ảnh đến báo Tuổi Trẻ, bà Hà cho hay bà không xin được trích lục bản sao giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (giấy chứng nhận) để bảo vệ quyền lợi của mình trong cuộc hôn nhân tan vỡ.

Thiệt thòi vì không còn sổ hộ tịch

Năm 1998, vợ chồng bà Hà đăng ký kết hôn tại UBND xã nơi bà Hà thường trú là xã Đình Chu, huyện Lập Thạch (tỉnh Vĩnh Phúc). Hai vợ chồng bà Hà sinh sống ở Ukraine và có với nhau 3 con chung, được Đại sứ quán Việt Nam cấp giấy khai sinh hợp pháp. Đến năm 2015, bà và các con hồi hương về sinh sống tại quận 12, TP.HCM.

Gần đây, bà Hà và chồng phát sinh mâu thuẫn nên đang chuẩn bị thủ tục ly hôn. Lúc này, bà Hà phát hiện chồng bà nhiều lần làm giấy xác nhận độc thân, đứng tên một mình hàng chục nhà đất tạo dựng trong thời kỳ hôn nhân ở TP.HCM trị giá hàng trăm tỉ đồng. Đồng thời, bà cũng phát hiện chồng bà đang chuyển nhượng một số nhà đất cho một người phụ nữ khác.

Vì vậy, để bảo vệ quyền lợi của mình và các con, bà Hà đã yêu cầu các cơ quan chức năng liên quan ngăn chặn chuyển dịch các tài sản chung. Để thực hiện các thủ tục, bà Hà cần xuất trình giấy chứng nhận kết hôn để chứng minh quan hệ vợ chồng. 

Tuy nhiên, trong quá trình chuyển chỗ ở, bản chính giấy chứng nhận kết hôn đã mất, chỉ còn tờ photocopy. Vì vậy, bà Hà tìm về UBND xã Đình Chu để yêu cầu trích lục cấp bản sao. 

Thế nhưng, UBND xã nói đã mất sổ đăng ký hộ tịch do lũ lụt nên không có cơ sở cấp trích lục cho bà Hà. Còn liên hệ với UBND huyện thì bà Hà được trả lời là sổ chỉ có UBND xã lưu trữ.

Phía xã có các văn bản xác nhận việc đã cấp giấy chứng nhận kết hôn số 16, quyển số 01 ngày 20-5-1998 giữa bà Hà và chồng là hoàn toàn đúng sự thật, nhưng các văn bản này cũng không thể thay thế giá trị giấy chứng nhận khi thực hiện các thủ tục liên quan. 

Theo quy định hiện hành, nếu mất giấy chứng nhận đăng ký kết hôn thì công dân có quyền yêu cầu UBND cấp xã trích lục cấp lại bản sao (có giá trị pháp lý như bản chính). Nhưng nếu sổ hộ tịch bị mất luôn thì công dân phải thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn lại. 

"Tôi và chồng mâu thuẫn trầm trọng, đang chuẩn bị ly hôn thì làm sao có thể cùng nhau đi đăng ký kết hôn lại. Sau khi gõ cửa nhiều cơ quan chức năng thì tôi được chỉ dẫn kiện ly hôn và chia tài sản chung để tòa án phân xử. Tất cả nhà đất đều do chồng đứng tên. Giờ tôi và các con trắng tay và có thể bị đuổi đi bất cứ lúc nào" - bà Hà lo lắng.

Cần thủ tục khôi phục tình trạng hộ tịch

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một cán bộ Sở Tư pháp TP.HCM cho hay khi người dân đã hoàn tất thủ tục luật định về đăng ký kết hôn (hoặc các sự kiện hộ tịch khác) thì cơ quan đăng ký sẽ vào sổ hộ tịch và cấp giấy chứng nhận bản chính cho người dân. 

Theo quy định, sổ đăng ký hộ tịch là tài liệu gốc, là căn cứ pháp lý để phục vụ cho công tác tra cứu, sao lục, cấp giấy tờ chứng nhận về tình trạng nhân thân của cá nhân khi cần thiết, do đó phải được lưu trữ, bảo quản lâu dài, tuyệt đối không được làm hư hỏng, mất mát.

Để giải quyết vướng mắc của bà Hà, ông Hoàng Mạnh Thắng - trưởng phòng công chứng số 7, Sở Tư pháp TP.HCM - đề xuất cần có thủ tục để khôi phục tình trạng hộ tịch đã được đăng ký. 

Theo ông Thắng, nên làm thủ tục khởi kiện cơ quan nhà nước ra tòa (theo thủ tục rút gọn) để tòa phân xử, ra phán quyết làm cơ sở để cơ quan nhà nước thực hiện việc khôi phục tình trạng hộ tịch về nhân thân. 

Ví dụ như hiện nay có thủ tục kiện để yêu cầu tòa tuyên bố một người là mất tích hay chết. Dựa vào phán quyết, người dân cũng như cơ quan nhà nước thực hiện tiếp theo các thủ tục như khai tử, khai nhận di sản thừa kế...

Đồng tình, thạc sĩ Lưu Đức Quang - giảng viên Trường ĐH Kinh tế - luật, ĐH Quốc gia TP.HCM - cho rằng quan hệ hôn nhân là quan trọng nhất, bởi lẽ từ đây phát sinh các quan hệ khác về con cái, tài sản chung...

"Khi mất sổ hộ tịch, người dân gặp rắc rối, chịu thiệt khi phải giải quyết quan hệ vợ chồng, con cái, tài sản chung qua bao nhiêu năm chung sống. Theo tôi, bà Hà cũng có thể khởi kiện hành vi hành chính không cấp (được) bản sao giấy chứng nhận kết hôn của UBND xã để yêu cầu tòa phân xử..." - ông Quang nói.

Vì sao chồng bà Hà được xác nhận độc thân?

Từ năm 2017-2020, UBND phường 12 (quận Tân Bình, TP.HCM) đã cấp các giấy xác nhận độc thân cho chồng bà Hà, do chồng bà đăng ký thường trú tại đây. Trao đổi với Tuổi Trẻ, chủ tịch UBND phường 12 Vũ Thị Như Xuân cho rằng quá trình cấp xác nhận phường làm đúng theo trình tự.

Dựa trên tường trình của chồng bà Hà, phường đã gửi văn bản xác minh đến UBND xã Mỹ Trung (Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định) là nơi thường trú trước đây.

Sau thời gian xác minh nhưng phường không nhận được văn bản trả lời xác minh nên phải cấp giấy xác nhận theo quy định.

"Để có cơ sở hủy bỏ xác nhận độc thân đã cấp cũng như xử lý trách nhiệm hành chính của chồng bà Hà về việc cam đoan không đúng sự thật về tình trạng hôn nhân, phường đang đợi kết quả xác minh hợp lệ về tình trạng đã kết hôn của vợ chồng bà Hà từ cơ quan hành chính hoặc phán quyết của tòa án" - bà Xuân cho hay.

40 năm mới đòi được nhà, nhưng phải chia đôi căn nhà vì từng 40 năm mới đòi được nhà, nhưng phải chia đôi căn nhà vì từng 'hứa thưởng'

TTO - Năm 1980, gia đình ông Thành nộp đơn đòi lại căn nhà của mình. Đằng đẵng 40 năm sau mới được nhận nhà, nhưng ông lại dính vào vụ kiện 'hứa thưởng' và bị tòa tuyên phải chia đôi căn nhà.

Xem thêm: mth.45302231221601202-hcit-oh-os-tam-iv-gnod-it-mart-gnah-nas-iat-aihc-nahp-eht-gnohk/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Không thể phân chia tài sản hàng trăm tỉ đồng vì... mất sổ hộ tịch”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools