Thị trường nguyên vật liệu bước vào chu kỳ tăng giá mới
Trịnh Hoàng
(KTSG) - Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu dùng cho sản xuất đang có xu hướng tăng mạnh. Trong đó, đáng lưu ý là nhóm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi và nhóm sản phẩm sắt thép đang tăng cao. Tuy nhiên, các giải pháp giúp ổn định thị trường trong ngắn hạn sẽ khó có thể thực hiện khi diễn biến thị trường nằm ngoài tầm kiểm soát của các chính sách điều hành.
Thị trường nguyên vật liệu bước vào chu kỳ tăng giá mới
Chỉ trong chưa đầy một năm, giá các loại nguyên vật liệu đều tăng mạnh. Diễn biến tăng giá xảy ra trên nhiều nhóm nguyên vật liệu, từ các loại nhiên liệu từ than đá, dầu mỏ cho đến các loại nguyên liệu công nghiệp như nhôm, kẽm, quặng sắt, thép và cả nhóm nguyên liệu thô nông nghiệp như bắp, lúa mì. Trong đó, nhóm sản phẩm sắt thép có mức tăng phi mã, với giá quặng sắt tháng 4-2021 tăng 192% và giá thép cán nguội tăng 228% so với tháng 5-2020.
Việc giá nguyên nhiên liệu tăng mạnh chỉ trong thời gian ngắn xuất phát từ nhu cầu hồi phục của các nền kinh tế chính là Trung Quốc, EU và Mỹ. Với việc các nền kinh tế lớn này đã vượt qua điểm đáy và bắt đầu bước vào quá trình hồi phục, nhu cầu cho các nguyên vật liệu sản xuất nhanh chóng tăng trở lại.
Chỉ số mua hàng PMI toàn cầu sau khi bắt đáy trong quí 1 và 2 năm 2020 đã quay trở lại mức tăng trưởng cao, tập trung vào ba nhóm ngành là bất động sản và xây dựng; bảo hiểm và công nghiệp. Trong đó nhóm ngành bất động sản trong tháng 5-2021 đạt 63,3 điểm PMI, mức cao nhất kể từ năm 2009.
Dự báo kinh tế toàn cầu của IMF cũng khả quan với mức tăng trưởng dương cho năm 2021 sau khi suy giảm xuống số âm trong năm 2020, trong đó Trung Quốc - nền kinh tế tiêu thụ nguyên vật liệu và năng lượng lớn nhất, dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng cao 8,4% trong năm 2021.
Trong khi đó, về phía nguồn cung, sản lượng khai các các loại nguyên liệu thô nhìn chung đều được các nhà sản xuất điều chỉnh giảm nhẹ trong giai đoạn 2019-2020 nhằm ứng phó với tình hình đại dịch Covid-19. Tính riêng cho ngành thép, sản lượng quặng sắt giảm từ mức 2,46 tỉ tấn năm 2018 xuống còn khoảng 2,2 tỉ tấn năm 2020. Mặc dù sản lượng được dự báo sẽ tăng trở lại trong năm 2021, nhưng mức tăng sẽ chậm, lên 2,3 tỉ tấn và sẽ phải mất thêm vài năm để trở lại mức sản lượng trước đại dịch.
Sự mất cân đối cung, cầu này là nguyên nhân khiến giá các mặt hàng nguyên liệu nói chung và sắt thép nói riêng tăng phi mã trong nửa đầu năm 2021. Chi phí vận chuyển tăng cao do thiếu tàu chở hàng làm tăng thêm hiệu ứng khan hiếm, góp phần đẩy giá nguyên vật liệu tăng cao gây ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới nói chung và với cả thị trường Việt Nam nói riêng.
Ổn định thị trường nằm ngoài khả năng can thiệp của chính sách
Như đã phân tích ở trên, tình trạng giá nguyên vật liệu tăng phi mã trong thời gian qua nằm trong sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, từ ngành nông nghiệp, công nghiệp, năng lượng, vận tải… Điều này cũng đồng nghĩa với việc các điều chỉnh về chính sách như thay đổi thuế phòng vệ thương mại, thuế nhập khẩu hay thậm chí các giải pháp ổn định thị trường như bình ổn giá, hạn chế xuất khẩu cũng khó có thể thay đổi được tình trạng khan hiếm và giá cả tăng đột biến.
Các đề xuất về việc hạn chế nhập khẩu là một bài toán khó khả thi do việc yêu cầu các doanh nghiệp dừng xuất khẩu đã là rất khó. Ngay cả trong trường hợp doanh nghiệp đồng ý hạn chế xuất khẩu thì thị trường cũng không hạ nhiệt do việc hạn chế xuất khẩu cũng không làm tăng khả năng hấp thụ của thị trường trong nước, vốn đang thấp hơn so với sản lượng.
Theo số liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong hai năm 2019-2020, trung bình mỗi năm Việt Nam sản xuất được khoảng 25-26 triệu tấn thép thành phẩm các loại (thép xây dựng, thép cán nóng, thép cán nguội, ống thép và tôn mạ), tuy nhiên lượng tiêu thụ chỉ đạt hơn 23 triệu tấn.
Đối với các đề xuất về điều chỉnh giảm thuế phòng vệ thương mại, đây là đề xuất đi ngược lại với mục đích ban đầu của hệ thống thuế này, vốn được sử dụng để bảo vệ hoạt động sản xuất trong nước.
Tương tự, thuế nhập khẩu của Việt Nam cũng phải tuân thủ các hiệp định thương mại đã ký và không thể tùy tiện điều chỉnh giảm.
Chủ động ứng phó
Đợt tăng giá nguyên vật liệu này đang tạo nên một chu kỳ tăng giá mới, và có thể sẽ phải mất nhiều năm để điều chỉnh lại về trạng thái cân bằng. Do vậy, Chính phủ và doanh nghiệp sẽ cần một kế hoạch dài hơi hơn để chủ động ứng phó, thay vì chỉ đưa ra những phản ứng ngắn hạn như hiện nay.
Các suất đầu tư ở cả khu vực công và khu vực tư - vốn dựa trên mặt bằng chi phí vật liệu xây dựng thấp và ít biến động trong nhiều năm vừa qua - sẽ cần được điều chỉnh lại theo diễn biến của thị trường. Đối với các dự án đang triển khai dang dở, cả chủ đầu tư và nhà thầu sẽ cần tìm tiếng nói chung trong bối cảnh giá nguyên vật liệu sẽ còn tiếp tục neo ở mức cao trong giai đoạn tới.
Mỗi năm Việt Nam xuất khẩu 2,8-3 triệu tấn thép xây dựng và tôn mạ Theo số liệu hải quan, trong năm 2020, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 9,8 triệu tấn sắt thép các loại, trong đó tôn mạ và thép xây dựng khoảng 3 triệu tấn, còn lại là các loại thép khác. Trong khi đó lượng nhập khẩu sắt thép các loại (chưa bao gồm các loại sắt thép phế liệu) ở mức trên 13 triệu tấn. |
Xem thêm: lmth.iom-aig-gnat-yk-uhc-oav-coub-ueil-tav-neyugn-gnourt-iht/161713/nv.semitnogiaseht.www