Là CEO của trang thương mại điện tử Tokopedia, William Tanuwijaya hiện là một trong 4 “trụ cột” của công ty công nghệ giá trị nhất Indonesia vừa được thành lập, GoTo Group, nhờ thương vụ sáp nhập giữa GoJek và Tokopedia.
Sự nghiệp kinh doanh của anh chàng 39 tuổi này có lẽ sẽ không bao giờ thành công như bây giờ nếu không có sự quyết tâm của anh khi phải đối mặt với những lời chỉ trích.
Được truyền cảm hứng từ những “biểu tượng” của Mỹ
Tanuwijaya mới chỉ bước vào độ tuổi 20 khi tạo ra một trang web cho hàng triệu chủ doanh nghiệp nhỏ ở Indonesia bán hàng trực tuyến.
Khi đó là giữa những năm 2000 và internet đang phát triển mạnh mẽ ở Indonesia. Nhưng vì lĩnh vực công nghệ của quốc gia này còn non trẻ và cũng chẳng có mô hình điển hình nào trong nước để học hỏi, Tanuwijaya đành phải tìm đến những người vĩ đại hơn.
“Chúng tôi không có câu chuyện thành công như Mark Zuckerberg hay Sergey Brin, Steve Jobs hay Jack Ma. Chẳng có câu chuyện nào giống như vậy, kiểu về những doanh nhân đến từ Indonesia xây dựng công ty công nghệ trong thời gian đó”, anh nói.
William Tanuwijaya là CEO của Tokopedia và một trong 4 “trụ cột” của công ty công nghệ giá trị nhất Indonesia vừa được thành lập, GoTo Group. Ảnh: GoTo.
Được truyền cảm hứng từ câu chuyện thành công của những “biểu tượng” nước Mỹ ấy, Tanuwijaya biết anh sẽ phải huy động vốn đầu tư tư nhân để đưa ý tưởng của mình trở thành hiện thực. Tuy nhiên, là một thanh niên Indonesia xuất thân từ nông thôn và có khởi đầu khiêm tốn, anh sớm nhận ra bản thân mình không phù hợp với khuôn mẫu đó.
“Họ hỏi về nền tảng cá nhân của tôi, kiểu như tôi học ở trường đại học nào”, Tanuwijaya hồi tưởng lại cuộc đối thoại của anh với các nhà đầu tư. Anh vừa học Đại học Binus ở Jakarta vừa làm ca đêm tại một quán cà phê internet để có tiền hỗ trợ gia đình. “Tôi luôn coi mình là sinh viên tốt nghiệp từ một quán cà phê internet ra”.
Sau đó, họ hỏi Tanuwijaya về cơ hội thị trường. “Họ hỏi tôi rằng: ‘William, bạn có thể kể tên một người từng thành công ở Indonesia nhờ xây dựng một công ty công nghệ hoặc công ty về internet không?’”. Dù là quốc gia có dân số lớn thứ 4 thế giới và tầng lớp trung lưu đang gia tăng nhanh chóng, song các nhà đầu tư có vẻ không chắc chắn về tiềm năng của Indonesia hoặc không nhận ra điều đó.
“Ý tưởng của bạn rất đơn giản. Bạn muốn xây dựng một Amazon của Indonesia hay một Alibaba của Indonesia. Chuyện gì sẽ xảy ra khi tất cả ‘gã khổng lồ’ công nghệ trên toàn cầu gia nhập vào thị trường Indonesia? Họ có công nghệ, có vốn, có bí quyết, có những nguồn lực mà bạn không có. Bạn lấy gì để cạnh tranh?”, CEO của Tokopedia hồi tưởng.
Thực hiện giấc mơ Indonesia
Rồi đến một ngày, Tanuwijaya gặp một nhà đầu tư, người đã thay đổi cuộc đời anh mãi mãi.
“Ông ấy nói: ‘William, tất cả hình mẫu của bạn, những người sáng lập ở Thung lũng Silicon này, họ sinh ra đã đặc biệt rồi, còn bạn thì không. Hãy ngừng mơ mộng đi và tìm một cái gì đó thực tế hơn để làm’”, Tanuwijaya nhớ lại. Đối với anh chàng 39 tuổi này, đó là chất xúc tác anh cần.
“Đó là ngày tôi tìm thấy mục đích của cuộc đời mình vì tôi nhận ra lý do tôi muốn xây dựng Tokopedia là để tạo dựng niềm tin giữa những người xa lạ, để họ có thể bắt đầu kinh doanh ở bất cứ đâu”, CEO của nền tảng thương mại điện tử lớn nhất Indonesia chia sẻ.
Giống như các thần tượng Mỹ của mình, người mà anh ấy nói là hiện thân cho giấc mơ về quyền tự quyết của dân Mỹ, Tanuwijaya cho biết bản thân đã khám phá ra động lực để không bị nản chí và giúp đỡ các chủ doanh nghiệp khác ở Indonesia.
“Thời điểm đó, tôi nhớ rằng người Indonesia cũng đã có khái niệm về giấc mơ Indonesia. Vị tổng thống đầu tiên của chúng tôi từng nói: ‘Hãy ước mơ cao như bầu trời. Nếu rơi, bạn sẽ rơi giữa các vì sao’. Tôi thấy điều đó thật đẹp và đó là giấc mơ của người Indonesia. Vì vậy tôi quyết định dù xảy ra chuyện gì đi nữa, tôi sẽ cố gắng xây dựng Tokopedia”.
Sau khi thành lập Tokopedia vào năm 2009, Tanuwijaya và đồng sáng lập Leontinus Alpha Edison nhanh chóng nhận được vốn tài trợ hạt giống từ công ty đầu tư PT Indonusa Dwitama, sau đó là SoftBank, Sequoia Capital và Alibaba Group.
Hơn một thập kỷ trôi qua, Tokopedia đã sở hữu mạng lưới hơn 11 triệu người bán hàng và 100 triệu người dùng đang hoạt động, đóng góp 1% vào GDP 1.100 tỷ USD của Indonesia.