vĐồng tin tức tài chính 365

Cuộc 'đảo chính' ngoạn mục ở ExxonMobil

2021-06-14 03:59

Cuộc 'đảo chính' ngoạn mục ở ExxonMobil

Nguyễn Vũ

(KTSG) - Làm thế nào để một nhà đầu tư không tên tuổi, vốn nhỏ xíu, chỉ chiếm 0,02% cổ phần ở ExxonMobil đã thuyết phục được đại hội đồng cổ đông tập đoàn này bầu ba nhân vật của họ vào hội đồng quản trị, làm nên một chiến thắng bất ngờ cho giới đầu tư “vì chính nghĩa”.

Trong thế giới đầu tư, có một dạng đầu tư, tạm gọi là “vì chính nghĩa”, tức nhảy vào tham gia hoạt động của công ty họ rót vốn vì một mục đích gì đó - thường là đi ngược với đường hướng phát triển của công ty này. ExxonMobil là một tập đoàn khổng lồ trong ngành khai thác dầu khí, một ngành đang mang tai tiếng là góp phần làm tệ hại hơn tình trạng biến đổi khí hậu do sản phẩm nhiên liệu hóa thạch của họ khai thác gây ô nhiễm môi trường, phát ra khí thải độc hại...

Engine No. 1 là một nhà đầu tư “chính nghĩa”, tham gia đầu tư vào ExxonMobil để tìm cách buộc tập đoàn này thay đổi phương cách hoạt động, chịu trách nhiệm về chuyện biến đổi khí hậu. Mới nhìn qua, đây là một chuyện “đội đá vá trời” vì ExxonMobil có giá trị thị trường lên đến 247 tỉ đô la, không một nhà đầu tư đơn lẻ nào đủ sức kiểm soát nó.

Engine No. 1 làm được điều đó, ít nhất cũng đã cử được ba người vào hội đồng quản trị của tập đoàn này là nhờ một loạt các yếu tố - từ chuyện ExxonMobil có lịch sử coi thường nhà đầu tư đến mong muốn của các quỹ hỗ tương muốn các khoản đầu tư của mình được dán nhãn là đầu tư có trách nhiệm. Engine No. 1 là một quỹ đầu tư phòng hộ đang quản lý khối tài sản chừng 250 triệu đô la (khoản đầu tư của họ đổ vào ExxonMobil chỉ chừng 54 triệu đô la).

Theo New York Times, người sáng lập quỹ này là Chris James, muốn dùng tiền của quỹ để đầu tư vào các lĩnh vực có tính tác động lớn vì ông tin rằng tập trung vào các vấn đề như khí hậu cũng giúp cải thiện tình hình tài chính của doanh nghiệp chứ không phải ngược lại.

Những nhân vật khác trong quỹ Engine No. 1 như Charles Penner cũng từng tham gia vào các hoạt động đầu tư mang tính cải cách như năm 2018, ông này từng tập hợp các nhà đầu tư lại để gây sức ép buộc Apple phải xem xét lại các hiệu ứng lên sức khỏe tinh thần mà các sản phẩm của Apple có thể gây ra. Đầu năm ngoái khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Penner bỏ ý định thành lập quỹ đầu tư của riêng mình để hợp sức cùng James và mục tiêu họ nhắm tới là ExxonMobil.

Hai người này tin rằng ExxonMobil đã chín muồi cho một cuộc “lật đổ” vì nhiều lý do: ExxonMobil tụt hậu so với các đối thủ trong các nỗ lực giảm nhẹ tác động của mình lên biến đổi khí hậu; đây sẽ là gánh nặng tài chính cho tập đoàn về sau; hội đồng quản trị của tập đoàn theo họ đánh giá là thiếu tầm nhìn để có thể đưa ra một chiến lược mạnh mẽ; ExxonMobil lại có tiếng coi thường nhà đầu tư tại các kỳ họp đại hội đồng cổ đông.

Chìa khóa thành công là làm sao thuyết phục được các nhà đầu tư lớn là các quỹ hỗ tương, từng tuyên bố cam kết để danh mục đầu tư của họ ngày càng “xanh hơn”, thân thiện với môi trường hơn. Ba nhà đầu tư lớn nhất của ExxonMobil là Vanguard, BlackRock và State Street, cộng lại chiếm chừng một phần năm cổ phần tập đoàn, nhiều lần hứa hẹn giảm mức phát thải khí carbon ở các tập đoàn họ đầu tư về 0 trước năm 2050. Engine No. 1 công bố chiến dịch chống lại Exxon vào tháng 12-2020 với sự hỗ trợ của một quỹ hưu trí của giáo chức California.

Sau nhiều lần lời qua tiếng lại qua điện thoại, CEO của Exxon là Darren W. Woods họp từ xa với Engine No. 1 qua Zoom vào ngày 22-1-2021. Mặc dù phía Exxon tỏ vẻ xuống giọng, họ vẫn không cho rằng các nhân vật Engine No. 1 đề cử là đủ tiêu chuẩn để ngồi vào hội đồng quản trị của Exxon. Ngược lại, phía Engine No. 1 đòi cả bốn nhân vật họ đề cử được đưa vào hội đồng.

Cuộc chiến giữa gã khổng lồ và chú kiến tí hon bắt đầu. Suốt năm tháng sau đó, hai bên liên tục đưa ra các tuyên bố, nêu rõ lập luận và lập trường của mình. Với Exxon, tiêu điểm của họ là thuyết phục các nhà đầu tư rằng họ có đủ các phương án để chuẩn bị cho một tương lai ít hại cho môi trường hơn. Exxon luôn nhấn mạnh kế hoạch của Engine No. 1 đưa ra là không khả thi, các ứng viên vào hội đồng quản trị là không đủ tiêu chuẩn.

Đến tháng 3, Exxon xem như nắm chắc phần thắng khi thuyết phục quỹ đầu tư D.E. Shaw về phe mình. Nhưng đến tháng 4, Engine No. 1 lại lôi kéo được các nhà đầu tư sừng sỏ khác trong đó có các quỹ hưu trí lớn của California và New York.

Cuối cùng tại đại hội đồng cổ đông, việc kiểm phiếu sơ bộ cho thấy Engine No. 1 thắng ít nhất hai ghế tại hội đồng quản trị; sau đó một tuần, kết quả cuối cùng cho thấy Engine No. 1 có thêm một ứng viên cũng được bầu. Điều lạ là hóa ra các nhà đầu tư tổ chức bỏ phiếu cho Engine No. 1, còn các nhà đầu tư cá nhân lại bỏ phiếu cho ExxonMobil. Vanguard, BlackRock và State Street ủng hộ ứng viên của Engine No. 1 và ra thông báo giải thích quyết định của họ.

Chiến thắng của Engine No. 1 ít nhất cũng buộc nhiều doanh nghiệp phải soạn hẳn một chiến lược “biến đổi khí hậu” khả thi và đáng tin. Giáo sư Edward Rock thuộc trường luật Đại học New York cho rằng đội ngũ tư vấn và luật sư của nhiều doanh nghiệp sẽ hối thúc điều này để phòng ngừa một Engine No. 1 nào đó nhảy vào tấn công. 

ExxonMobil từng là công ty đại chúng lớn nhất thế giới vào năm 2013. Tuy nhiên do chậm chấp nhận thực tế rằng biến đổi khí hậu, tình hình trái đất nóng lên là do tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch, năm ngoái ExxonMobil thua lỗ đến 20 tỉ đô la, bị đưa ra khỏi chỉ số Dow Jones Industrial Average khi nơi này chuyển tâm điểm chú ý sang các công ty công nghệ.

Giá trị thị trường của ExxonMobil từng lên đến 525 tỉ đô la vào năm 2007 nhưng sau đó cứ tụt dần về mức chưa đến 250 tỉ đô la như hiện nay. Trong số các doanh nghiệp dầu khí lớn gồm BP, Chevron, Shell, Total... thì ExxonMobil vẫn đứng đầu về lượng phát thải khí nhà kính.

Hiện nay áp lực đang đè nặng lên các doanh nghiệp dầu khí buộc phải chuyển sang một tương lai ít phát thải hơn. BP phải hứa hẹn cắt giảm lượng carbon trong các sản phẩm họ bán ra đến 50% trong vòng 30 năm tới. Cổ đông Shell đồng ý kế hoạch kinh doanh sao cho đến giữa thế kỷ này thì đạt mức trung tính về khí thải carbon.

Cam kết này không đủ ấn tượng nên một tòa án ở Hà Lan vừa ra phán quyết buộc tập đoàn này cắt giảm 45% khí thải trước năm 2030 theo đúng cam kết về biến đổi khí hậu của các nước. Nhiều tập đoàn dầu khí châu Âu chuyển sang đầu tư vào turbin khí, các dự án điện mặt trời và dự án khí hydrogen. Trong khi đó ExxonMobil vẫn đầu tư mạnh vào các dự án khai thác nguồn nhiên liệu hóa thạch gây thua lỗ.

 

Xem thêm: lmth.libomnoxxe-o-cum-naogn-hnihc-oad-couc/602713/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Cuộc 'đảo chính' ngoạn mục ở ExxonMobil”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools