Mỹ giới thiệu gói dự luật có thể buộc Amazon, Google phải chia nhỏ
Chánh Tài
(KTSG Online) - Các tập đoàn công nghệ khổng lồ của Mỹ gồm Amazon, Apple, Facebook và Google có thể phải tiến hành các thay đổi sâu rộng bao gồm phải chia nhỏ các mảng kinh doanh của họ nếu vi phạm quy định của 5 dự luật mới vừa được các nghị sĩ Hạ viện Mỹ giới thiệu hôm 11-6 trong một nỗ lực kiểm soát các hành vi độc quyền của các tập đoàn này.
Ảnh minh họa: Marketwatch. |
Nếu được lưỡng viện Quốc hội Mỹ phê duyệt và được Tổng thống Joe Biden ký thông qua, các luật mới có thể buộc Google dừng quảng bá YouTube trong kết quả tìm kiếm, hoặc cấm Amazon bán các sản phẩm riêng của tập đoàn này trên nền tảng của Amazon để cạnh tranh trực tiếp với các bên bán hàng thứ 3. Apple cũng có thể bị buộc phải nới lỏng các hạn chế đối với các nhà phát triển ứng dụng dành cho hệ điều hành di động iOS và Facebook có thể bị cấm thâu tóm các công ty non trẻ có tiềm năng trở thành đối thủ của công ty mạng xã hội này trong tương lai.
Dự luật “Chấm dứt độc quyền trên nền tảng công nghệ” đặt ra các quy định giúp giải quyết các mối lo ngại về việc các tập đoàn công nghệ khổng lồ của Mỹ sử dụng quyền kiểm soát trên các nền tảng của họ để ưu ái cho các sản phẩm riêng của họ hoặc để bóp nghẹt các đối thủ. Dự luật này mở ra cánh cửa cho phép các cơ quan quản lý yêu cầu chẻ nhỏ các “ông lớn” công nghệ này nếu họ không tuân thủ các quy định mới. |
Chẳng hạn, một công cụ tìm kiếm không thể sở hữu một dịch vụ video nhận được ưu tiên hiển thị trong kết quả tìm kiếm của công cụ này. Trong trường hợp như vậy, dự luật mới sẽ buộc nền tảng tìm kiếm đó phải thanh lý mảng kinh doanh dịch vụ video đó được ưu ái đó.
Dự luật “Cơ hội và cạnh tranh trên nền tảng công nghệ” đề xuất cấm các thương vụ thâu tóm nhằm mục đích hủy diệt đối thủ tiềm năng của các tập đoàn công nghệ sở hữu các nền tảng trực tuyến lớn có vốn hóa thị trường hơn 600 tỉ đô la và có ít nhất 50 triệu người dùng hàng tháng hoặc có 100.000 khách hàng doanh nghiệp.
Các dự luật không nêu tên một công ty cụ thể nào nhưng chúng được xem là động thái phản ứng trước kết quả của cuộc điều tra chống độc quyền kéo dài 16 tháng nhằm vào ngành công nghệ do Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ tiến hành. Cuộc điều tra đó kết luận rằng Amazon, Apple, Facebook và Google lạm dụng sự thống trị của họ trên thị trường theo nhiều cách khác nhau để bóp nghẹt sự cạnh tranh công bằng.
Trước đây, các tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ phủ nhận các hành vi chống cạnh tranh Họ cho rằng họ cạnh tranh công bằng và đang cung cấp các sản phẩm, dịch vụ mang lại lợi ích lớn cho người tiêu dùng.
Gói dự luật trên nhận được sự hoan nghênh của các đối thủ nhỏ hơn. Roku, nhà sản xuất thiết bị phát sóng trực tiếp (livestreaming) đang cạnh tranh với một số tập đoàn công nghệ lớn nhất nước Mỹ, cho biết sự cải cách quyết liệt là điều cần thiết để ngăn ngừa một tương lai, khi mà các công ty độc quyền tiếp tục lạm dụng sự lựa chọn của người tiêu dùng, cản trợ sự tiếp cận các sản phẩm sáng tạo và độc lập.
Mỗi một dự luật trong 5 dự luật được soạn bởi các ủy ban khác nhau với các thành viên đa số là nghị sĩ của đảng Dân chủ và ít nhất một nghị sĩ đảng Cộng hòa. Sự hợp tác lưỡng đảng này cho thấy nỗ lực kiểm soát quyền lực quá lớn của các tập đoàn công nghệ là một trong những vấn đề hiếm hoi có thể tìm được tiếng nói chung của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa.
Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa Ken Buck, thành viên cao cấp của tiểu ban chống độc quyền thuộc Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ, nói: “Gói dự luật này phá vỡ quyền lực độc quyền của các “ông lớn” công nghệ và nuôi dưỡng một thị trường trực tuyến khuyến khích sáng tạo đồng thời tạo ra một sân chơi công bằng cho các doanh nghiệp nhỏ của Mỹ”.
Hạ nghị sĩ David Cicilline, Chủ tịch tiểu ban chống độc quyền thuộc Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ, nói: “Hiện tại, sự độc quyền không bị kiểm soát trong ngành công nghệ đang chi phối quá lớn đến nền kinh tế của chúng ta. Các “ông lớn” công nghệ đang đứng ở một vị thế đặc biệt cho phép chọn người chiến thắng và người thua cuộc, hủy hoại các doanh nghiệp nhỏ, tăng giá sản phẩm bán cho người tiêu dùng, khiến nhiều người thất nghiệp. Nghị trình của chúng tôi sẽ tạo ra sân chơi công bằng và bảo đảm các công ty công nghệ quyền lực nhất, giàu nhất phải tuân thủ các luật chơi giống như các doanh nghiệp còn lại”. |
Theo CNN
Xem thêm: lmth.ohn-aihc-iahp-elgoog-nozama-coub-eht-oc-taul-ud-iog-ueiht-ioig-ym/343713/nv.semitnogiaseht.www