Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới được cả 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế (Moody’s, S&P và Fitch) đồng loạt nâng điểm triển vọng lên tích cực. Nhiều tổ chức quốc tế và các chuyên gia kinh tế trong nước cũng lạc quan mức tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam ở mức trên 6,5%.
Lạc quan tăng trưởng GDP 2021 của Việt Nam ở mức 6,5-6,7%
Trao đổi với PV Lao Động, chuyên gia kinh tế cấp cao - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) bày tỏ lạc quan: Căn cứ mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2021, có thể lạc quan GDP 6 tháng cuối năm 2021 đạt mức tăng trưởng trên 7%, tạo đà cho tăng trưởng GDP cả năm 2021 ở mức trên 6,5%.
“Tại Việt Nam, mặc dù làn sóng thứ tư của dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng đến thời điểm này dịch bệnh đang dần được kiểm soát tốt hơn. Sản xuất trong nước cũng đạt mức tăng trưởng khả quan, trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng mạnh, hiện đang dần tăng trên 10% và có thể đạt mức 17-18% trong các tháng cuối năm” - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.
Nhiều chuyên gia kinh tế cũng đánh giá về những tín hiệu lạc quan của nền kinh tế gần nửa đầu năm 2021 sẽ tạo đà cho tăng trưởng 6 tháng cuối năm nay.
“So với cùng kỳ, sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất nhập khẩu, hoạt động bán lẻ hàng hoá dịch vụ, vốn đầu tư… đều tăng trưởng khá, lạm phát trong tầm kiểm soát” - TS Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, đánh giá.
Theo báo cáo mới công bố của Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), dự báo tăng trưởng GDP quý II/2021 đạt 7,2%; dự báo tăng trưởng GDP cả năm ở mức 6,5%.
Sự lạc quan, tin tưởng của các chuyên gia trong nước không phải là thiếu cơ sở, khi hàng loạt tổ chức kinh tế, xã hội trên thế giới cũng tin tưởng vào mức tăng trưởng GDP nêu trên của Việt Nam trong năm 2021.
Mới đây, công bố về triển vọng kinh tế toàn cầu, Ngân hàng Thế giới (World Bank - WB) đã đánh giá Việt Nam tiếp tục là một điểm sáng. WB dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam dự kiến đạt 6,6% trong năm 2021, dù WB hạ 0,2% so với mức dự báo 6,8% được đưa ra cuối năm 2020 do những ảnh hưởng của đợt dịch COVID-19 mới bùng phát, nhưng WB vẫn khẳng định đây là mức tăng trưởng cao nhất được dự báo cho các nước trong khu vực ASEAN và mức tăng trưởng GDP của Việt Nam nổi lên như điểm sáng kinh tế toàn cầu.
Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam - ông Andrew Jeffries cho rằng, Việt Nam hoàn toàn có đủ điều kiện để thực hiện được mục tiêu kép - vừa chống dịch vừa tăng trưởng kinh tế trong năm 2021. Thành công của Việt Nam trong việc ngăn chặn sự bùng phát của đại dịch COVID-19 đã củng cố niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài vào nền kinh tế.
Theo dự báo của Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW) và Oxford Economics, bất chấp COVID-19, GDP Việt Nam vẫn có thể tăng trưởng ở mức 7,6%, cùng với Singapore, kinh tế Việt Nam có tốc độ hồi phục hàng đầu khu vực. Ngân hàng Standard Chartered cũng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam 2021 ở mức 6,7%. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới được cả 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế (Moody’s, S&P và Fitch) đồng loạt nâng điểm triển vọng lên tích cực. Đây là tín hiệu tích cực cho tăng trưởng kinh tế năm 2021.
Thực tế sản xuất kinh doanh 5 tháng đầu năm (số liệu 6 tháng chưa được tổng hợp-PV) cho thấy, sản xuất công nghiệp tiếp tục hồi phục và đạt kết quả tích cực, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) 5 tháng tăng 9,9%, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 12,6%.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 7,6%. Đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số được thúc đẩy mạnh mẽ. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm chỉ đạo. Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch tiếp tục được triển khai và phát huy hiệu quả tích cực.
Tích cực “phủ sóng” nguyên tắc vaccine + 5K, đẩy mạnh sản xuất
ICAEW nhận định rằng, dù làn sóng thứ 4 dịch COVIDd-19 đang có ảnh hưởng đến ngành công nghiệp sản xuất và xuất khẩu, tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam được dự báo vẫn sẽ tăng trưởng rất nhanh sau khi các biện pháp phòng chống dịch được nới lỏng và gỡ bỏ.
Giám đốc ADB Việt Nam - ông Andrew Jeffries - cho rằng: Điều quan trọng là Việt Nam vừa thúc đẩy tăng trưởng vừa đảm bảo tạo điều kiện để các doanh nghiệp vừa và nhỏ trưởng thành, từ đó xây dựng nền tảng vững chắc cho một tương lai kinh tế do khu vực tư nhân dẫn đầu.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng đưa ra những lý giải để minh chứng cho khả năng tăng trưởng kinh tế mức 7% của nửa còn lại năm 2021, đó là, nền kinh tế thế giới đang hồi phục tốt, các nước dần mở cửa trở lại.
“Kinh tế của Mỹ, Trung Quốc, EU đang tăng trưởng. Cầu tín dụng thế giới tăng sẽ là cơ hội cho xuất khẩu của Việt Nam. Hiện tại, tăng trưởng Mỹ rất lạc quan. Xuất khẩu Việt Nam vào Mỹ đang tăng mạnh” - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.
Để đạt được các mục tiêu tăng trưởng của năm 2021 và các năm tiếp theo, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT), Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ KHĐT khẩn trương xây dựng Đề án thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Trong đó, thực hiện mục tiêu kép vừa “chống dịch như chống giặc” vừa đảm bảo sản xuất kinh doanh phù hợp trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 phức tạp, thực hiện nghiêm phương châm “vaccine + 5K” và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ toàn diện, rộng rãi, trong đó vaccine là yếu tố quyết định, do đó cần khẩn trương triển khai nhanh, hiệu quả chiến lược vaccine.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, nhanh chóng ngăn chặn, đẩy lùi và dập dịch triệt để; thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh lưu ý rằng, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là phải ưu tiên tiêm vaccine cho công nhân và giữ cho dịch bệnh không lây lan vào các doanh nghiệp, các khu công nghiệp. Đẩy mạnh tiêm chủng và giữ cho dịch không bùng phát là nhân tố quan trọng để tăng trưởng, bởi dịch bệnh bùng phát, thu nhập hạn chế, điều kiện kinh tế giảm sút sẽ là những tác động lâu dài đối với đời sống, hành vi của người tiêu dùng.
Còn theo chuyên gia kinh tế cấp cao Nguyễn Trí Hiếu, để hỗ trợ các DN, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa vốn có sức chống chịu kém hơn, cần phải nhanh chóng thành lập một tổ hợp tín dụng với quy mô trên 300 nghìn tỉ đồng, với sự tham gia của tất cả các ngân hàng để hỗ trợ DN bị tác động bởi dịch bệnh COVID-19.
Xem thêm: odl.970029-1202-man-pdg-56-nert-gnourt-gnat-cum-tad-gnan-ahk-ev-cuc-hcit-ueih-nit/et-hnik/nv.gnodoal