vĐồng tin tức tài chính 365

Công ty Cấp nước Hải Phòng: Hiệu quả kinh doanh thua kém nhiều "đàn em"

2021-06-14 11:19

Công ty Cổ phần Cấp nước Hải Phòng (Mã chứng khoán: HPW) có vốn điều lệ 742 tỉ đồng, phần vốn nhà nước chiếm 80,6% do UBND TP.Hải Phòng quản lý. Là doanh nghiệp cấp nước có sản lượng lớn thứ 2 ở miền Bắc (chỉ đứng sau Công ty nước sạch Hà Nội Hawacom) và là doanh nghiệp cấp nước lớn nhất ở miền Bắc đã cổ phần hóa, nhưng hiệu quả kinh doanh của HPW lại thua xa nhiều “đàn em”.

Tổng quan: Sở hữu nhiều lợi thế

Được cổ phần hóa năm 2015, HPW có địa bàn kinh doanh trải dài trên toàn bộ thành phố Hải Phòng với tổng số 331.000 hộ khách hàng, lượng nước sản xuất 80,36 triệu m3. Với sản lượng này, HPW là doanh nghiệp có quy mô lớn thứ 2 trong số các doanh nghiệp cấp nước ở miền Bắc (chỉ đứng sau Công ty nước sạch Hà Nội Hawacom) và là doanh nghiệp cấp nước lớn nhất ở miền Bắc đã cổ phần hóa.

Thực tế, HPW có rất nhiều ưu thế, có thể kể tới như: được hưởng các khoản viện trợ không hoàn lại và tài trợ ưu đãi của Nhật Bản để học tập kinh nghiệm, nâng cao chất lượng nhân lực, đầu tư nâng cấp hệ thống cấp nước…; không chịu áp lực cạnh tranh giữa các công ty cấp nước trên cùng một địa bàn; kinh doanh trên địa bàn có nhiều ưu thế về dân số và tăng trưởng nên tiềm năng rất lớn.

Tại thời điểm cổ phần hóa vào năm 2015, HPW đang quản lý và sử dụng 36 lô đất lớn với tổng diện tích 212.531 m2 ở nhiều vị trí vàng tại Hải Phòng, ví dụ như: 2205,5 m2 ở 54 Đinh Tiên Hoàng, Q. Hồng Bàng; 86.427,5 m2 ở 249 Tôn Đức Thắng - Q. Lê Chân; 2688,7 m2 ở khu đô thị Cựu Viên - Q. Kiến An; 30.045m2 ở xã Thái Sơn, huyện An Lão, 12.668,8 m2 ở Phường Vạn Sơn - Quận Đồ Sơn, 658m2 ở 426 Lê Duẩn - Q. Kiến An…

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2021, tại ngày 31.3.2021, HPW có Đầu tư tài chính ngắn hạn 47,5 tỉ đồng, Tiền và tương đương tiền 407,5 tỉ đồng (tăng 15% so với đầu năm), trong đó Tiền mặt 187 tỉ và Các khoản tương đương tiền 220,5 tỉ đồng.

Điều khó hiểu khiến giới đầu tư thắc mắc là ngành nghề kinh doanh nước sạch vốn khá ổn định và ít có nhu cầu vốn lưu động, nhưng HPW vẫn duy trì lượng tiền mặt và tương đương tiền lớn khá lớn.

Doanh thu quý I/2021 của HPW đạt 235,5 tỉ đồng, xấp xỉ quý I/2020, giá vốn hàng bán, chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng đều xấp xỉ cùng kỳ 2020. Vì thế, lợi nhuận sau thuế quý I của HPW đạt 14,5 tỉ đồng, tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo tài liệu Đại hội cổ đông, năm 2020 HPW có sản lượng nước tiêu thụ 72,54 triệu m3 (tăng 5,1% so với 2019), tỉ lệ thất thoát nước 10,3%, giá nước bình quân đạt 12.099 đ/m3, doanh thu hợp nhất 996 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ 89,3 tỉ, chia cổ tức 8%.

Năm 2021, HPW đặt kế hoạch nâng số khách hàng lên 342.000 hộ, tỉ lệ thất thoát nước nhỏ hơn 11,8%, sản xuất 83,8 triệu m3 nước, sản lượng nước tiêu thụ 74,76 triệu m3, doanh thu 948,7 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế 84,6 tỉ đồng.

Hệ suất sinh lời thấp

Sau khi cổ phần hóa, doanh thu của HPW đã tăng từ 689 tỉ năm 2016 lên tới 996 tỉ đồng năm 2020. Tuy nhiên lợi nhuận của công ty vẫn còn khá khiêm tốn, tỉ suất lợi nhuận/doanh thu của HPW không cải thiện trong 4 năm qua.

So sánh với các doanh nghiệp cùng ngành cấp nước thì tỉ suất lợi nhuận/doanh thu và lợi nhuận/vốn điều lệ của HPW thuộc loại rất thấp. Đơn cử như Công ty Cổ phần Cấp nước Long Khánh (Mã chứng khoán: LKW) có EPS (tỉ suất lợi nhuận trên cổ phần) năm 2020 đạt 5.520 đồng (gấp 4 lần HPW) và có tỉ suất lợi nhuận sau thuế/doanh thu đạt 28,75% (gấp 3 lần HPW).

Hay như Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà (Mã chứng khoán:VCW) có doanh thu chỉ bằng nửa HPW nhưng lợi nhuận lớn gấp đôi HPW, nói cách khác tỉ lệ lợi nhuận/doanh thu của VCW cao gấp 4 lần HPW.

Một ví dụ khác là Công ty Cổ phần Cấp nước Bà Rịa-Vũng Tàu có doanh thu nhỏ hơn HPW khá nhiều nhưng lợi nhuận lại lớn gần gấp 3 lần HPW.

Đánh giá của giới đầu tư chỉ ra thực trạng chỉ số tài chính của HPW chưa phản ánh đúng tiềm năng và lợi thế của công ty, đòi hỏi cần phải có cải thiện về năng lực quản trị, hợp lý hóa chi phí, năng suất lao động...

Nếu các tỉ suất sinh lời của HPW được cải thiện, Cổ đông Nhà nước (UBND TP Hải Phòng) sẽ được hưởng lợi lớn nhất do đang sở hữu 80,6% cổ phần tại đây. Ngược lại, với lợi nhuận khiêm tốn, tỉ suất sinh lời thấp so với nhiều doanh nghiệp cùng ngành như hiện nay, thì Cổ đông Nhà nước chịu thiệt thòi trước tiên.

Đại diện cho UBND TP Hải Phòng quản lý vốn tại HPW gồm 4 người là:

Ông Trần Việt Cường - Chủ tịch HĐQT của HPW, nắm giữ hơn 26 triệu cổ phiếu HPW tương ứng 35,08% vốn điều lệ.

Ông Đặng Hữu Dũng - Thành viên HĐQT, Tổng giám đốc, nắm giữ hơn 15 triệu cổ phiếu HPW, tương ứng 20,25% vốn điều lệ.

Ông Trần Văn Dương - Thành viên HĐQT, Phó Tổng giám đốc, nắm giữ hơn 15 triệu cổ phiếu HPW, tương ứng 20,25% vốn điều lệ.

Ông Nguyễn Đăng Ninh - Thành viên HĐQT, Kế toán trưởng, nắm giữ hơn 7 triệu cổ phiếu HPW, tương ứng 10,25% vốn điều lệ.


Xem thêm: odl.899919-me-nad-ueihn-mek-auht-hnaod-hnik-auq-ueih-gnohp-iah-coun-pac-yt-gnoc/et-hnik/nv.gnodoal

Comments:0 | Tags:No Tag

“Công ty Cấp nước Hải Phòng: Hiệu quả kinh doanh thua kém nhiều "đàn em"”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools