Tập 7 Shark Tank Việt Nam mùa 4 có sự xuất hiện của hai vợ chồng nhà sáng lập công ty TNHH thực phẩm Cây Đề, CEO Dương Hoàng Nhã Trúc và CFO Đoàn Lê Huy. Họ đến kêu gọi 4 tỷ đồng cho 20% cổ phần công ty.
Tại chương trình, hai nhà sáng lập phục vụ các Shark món Hamburger làm từ thịt thực vật Vmeat. Thịt thực vật đang là một xu hướng mạnh tại nhiều nước trên thế giới như Mỹ hay châu Âu, nhưng tại Việt Nam, Vmeat là loại thịt thực vật đầu tiên do một công ty trong nước sản xuất.
Theo giới thiệu, Vmeat có độ dai, độ béo, độ ẩm ướt và quan trọng hơn là loại bỏ được mùi vị đạm của động vật, thứ mà các sản phẩm chay truyền thống khác chưa làm được. Nguồn nguyên liệu sản xuất Vmeat được nhập khẩu hơn 90% từ các nước Mỹ, Canada và châu Âu, một số ít được nhập ở các nước châu Á như Malaysia, Thái Lan.
Vmeat vừa mới được nghiên cứu thành công, đang trong giai đoạn khảo sát thị trường và chưa có doanh số. 5 chiếc burger xuất hiện ở Shark Tank là những sản phẩm đầu tiên được tiêu thụ của dòng sản phẩm này, các Shark cũng chính là những "chuột bạch" đầu tiên. Startup mong muốn gọi vốn với 3 mục đích: Nâng cấp xưởng để đạt tiêu chuẩn chất lượng cao hơn, đầu tư thiết bị nhằm gia tăng công suất và đầu tư marketing để "educate" (dạy) thị trường.
Về bức tranh tài chính, co-founder kiêm CFO Đoàn Lê Huy cho biết, từ lúc thành lập đến đầu năm 2021, công ty chủ yếu tập trung vào các sản phẩm chay truyền thống, doanh số năm 2019 đạt 1,4 tỷ và 2020 là 400 triệu. Vốn điều lệ của công ty là 1,4 tỷ và thực góp 3 tỷ đồng. Lỗ tích lũy của công ty đang bằng 0.
Ngoài công ty TNHH thực phẩm Cây Đề, hai vợ chồng còn sở hữu chuỗi nhà hàng nổi tiếng với thương hiệu hủ tiếu chay Cây Đề, gồm 3 chi nhánh thuộc sở hữu và 1 chi nhánh nhượng quyền, đã hoạt động 10 năm tại TPHCM.
Tuy nhiên, họ khẳng định hai công ty không có liên quan gì đến nhau, và thời gian hiện đang chủ yếu tập trung vào công ty thực phẩm vì hệ thống nhà hàng đã hoạt động ổn định. Chi tiết này khiến Shark Liên nghi ngờ về mục đích gọi vốn vì cho rằng với 10 năm kinh doanh nhà hàng, cả hai "không thiếu tiền" nhưng phía CEO Nhã Trúc khẳng định họ cần tìm thêm người đồng hành để cùng phát triển dòng thịt thực vật Vmeat.
Phía Vmeat ước tính thị trường thịt thực vật tại Việt Nam hiện có giá trị 1.000 tỷ đồng và Vmeat mong muốn chiếm được 6 - 7% con số đó. Thậm chí, so với thương hiệu nổi tiếng nước ngoài như Beyond Meat, CEO Nhã Trúc tự tin khẳng định giá dự kiến của Vmeat chỉ bằng 1/4 so với đối thủ ngoại đồng thời lại có sự am hiểu khẩu vị của người Việt.
Vì nhận thấy mô hình kinh doanh này còn mới và sơ khai, chưa có kết quả rõ ràng nên Shark Nguyễn Xuân Phú quyết định từ chối đầu tư.
Trong khi đó, Shark Phạm Thanh Hưng chia sẻ rằng thịt thực vật đang là xu hướng trên thế giới nhưng việc một sản phẩm phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu nước ngoài khiến Shark cảm thấy không chắc chắn và quyết định từ chối đầu tư.
Tương tự Shark Hưng, Shark Bình cũng khen sản phẩm Vmeat hay, đúng "trend" và chắc chắn sẽ là tương lai. Tuy nhiên từ kinh nghiệm bản thân, Shark Bình chia sẻ cách đây 10 - 15 năm ông cũng từng mắc sai lầm khi đầu tư với một sản phẩm quá sớm, mất nhiều công đi làm thị trường nhưng khó giữ về sau.
Vậy nên, thay vì quyết định đầu tư, Shark Bình tặng startup những lời khuyên thực tế: "Ra đời trước cách mang thì dễ gẫy, ra đời sau cách mạng thì không còn cơ hội, với startup hãy cố gắng tìm cơ hội ra đời đúng cách mạng. Sản phẩm của em ở Mỹ thành công nhưng tại Việt Nam, anh nghĩ cùng tốn thời gian dài nữa để educate thị trường. Với startup đi đầu như các em, anh nghĩ nên ẩn mình chờ thời, giữ vững trận địa, đi từ từ đến khi nào thấy thị trường bùng nổ thì "scale" dần lên".
Trái ngược với quan điểm của ba bạn cùng bể, Shark Louis, ngay trong tập đầu tiên tái xuất, đã chia sẻ rằng quỹ đầu tư của ông không hào hứng với sản phẩm này nhưng về mặt cá nhân thì ông rất thích và ngưỡng mộ những gì mà Vmeat đang làm cho môi trường và xã hội. Vì thế ông đề nghị rót 4 tỷ cho 49% cổ phần. Shark Đỗ Liên cũng hào hứng và bày tỏ ý định hùn vốn cùng với Shark Louis.
Phía Vmeat ra giá lại với 4 tỷ cho 40% nhưng hai vị cá mập không đồng ý. Shark Louis nói rằng sự rủi ro khi đầu tư rất là cao nhưng ông và bà Liên quyết định đầu tư, ông thậm chí còn đặt người sáng lập cao hơn, cho họ ra quyền định đoạt công ty vì tôn trọng công sức của đội ngũ sáng lập, vì thế con số cuối cùng vẫn là 4 tỷ cho 49%.
Sau vài phút thảo luận, hai vợ chồng CEO Nhã Trúc đã chấp nhận và quyết định đồng hành cùng Shark Louis và Shark Đỗ Liên.
Nhật Anh
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị