Vui mừng khi được phép hoạt động trở lại, nhưng không ít doanh nghiệp ở Bắc Giang lo lắng vì việc đón công nhân trở lại nhà máy gặp vướng mắc về giấy xác nhận từ địa phương.
Người lao động trở lại Bắc Giang gặp khó vì giấy xác nhận
Theo phản ánh của các doanh nghiệp, việc đón công nhân từ các địa phương theo số lượng đã đăng ký hiện nay gặp nhiều khó khăn.
Cụ thể, đại diện Công ty TNHH Wonjin Vina cho biết gặp khó khăn trong việc qua chốt kiểm dịch về địa phương đón công nhân.
Ngoài ra, đại diện Công ty TNHH Sanwa Việt Nam cho hay, phải có kết quả xét nghiệm âm tính lần 2 theo quy định và lần gần nhất phải có kết quả xét nghiệm 1 ngày thì các huyện mới xác nhận cho công nhân đủ điều kiện an toàn để doanh nghiệp đón đi làm trở lại.
Khi tái khởi động sản xuất, ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Công ty cổ phần Sunpla - một doanh nghiệp sản xuất khuôn mẫu và linh kiện nhựa ở Bắc Giang cho hay, để hỗ trợ, đảm bảo quyền lợi của người lao động, công ty ông cũng như nhiều doanh nghiệp khác sẽ trả 75% lương cho người lao động dù dừng sản xuất.
Dù vậy, trong tuần này chỉ có khoảng 20 trong số 200 nhân sự có thể đi làm. Bởi vì nhiều người vẫn phải chờ giấy xác nhận từ địa phương.
Không chỉ lo lắng thiếu hụt lao động, ông Nguyễn Đức Cường còn lo lắng gián đoạn, đứt gãy chuỗi cung ứng.
"Cả chuỗi cung ứng nếu đứt mắt xích nào thì gần như sẽ dừng toàn bộ quy trình. Chỉ một nhà cung ứng thiếu linh kiện thôi thì dây chuyền sản xuất của khách hàng sẽ bị ảnh hưởng, kéo theo đó là sự ảnh hưởng đối với những doanh nghiệp như chúng tôi", ông Cường chia sẻ.
Lao động được quản lý theo phương châm "4 cùng"
Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Xuân Ngọc - Phó trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp Bắc Giang cho biết - thời điểm hiện tại, mặc dù tỉnh Bắc Giang đã chấp thuận cho hơn 100 doanh nghiệp hoạt động trở lại, nhưng người lao động vẫn còn tâm lý e ngại khi quay trở lại nhà máy.
Quy định của Bắc Giang hiện nay yêu cầu khi hoạt động trở lại doanh nghiệp phải bố trí được nơi ăn, ở và sinh hoạt cho công nhân ngay tại nhà máy hoặc ký túc xá. Chủ trương bố trí chỗ lưu trú cho người lao động ngay tại doanh nghiệp được coi là giải pháp chưa có tiền lệ để đảm bảo thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch vừa sản xuất.
"Tuy nhiên, việc bố trí sắp xếp cho người lao động chỗ ăn ở lại gặp nhiều khó khăn vì không phải doanh nghiệp nào cũng đáp ứng được. Nhiều doanh nghiệp không đủ cơ sở vật chất để đáp ứng", ông Ngọc nói và cho biết đây cũng là vấn đề được doanh nghiệp quan tâm hiện nay khi tái khởi động sản xuất.
Thời điểm này, UBND tỉnh Bắc Giang đã thành lập tổ kiểm tra đôn đốc, hướng dẫn xác nhận lao động đã được kiểm soát nguy cơ lây nhiễm COVID-19 và hỗ trợ doanh nghiệp đón lao động trở lại làm việc.
Tỉnh Bắc Giang sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp khôi phục lại sản xuất đặc biệt là vấn đề đưa lao động trở lại làm việc. Hiện nay, dịch đã được kiểm soát tốt trong khu công nghiệp, doanh nghiệp từng bước tái thiết lại sản xuất.
"Tinh thần là nới lỏng dần khi đã kiểm soát tốt nhưng không được chủ quan, lơ là. Các nhóm lao động cũng được quản lý theo phương châm "4 cùng", tức là cùng đi phương tiện theo nhóm đến nơi làm việc, làm việc theo nhóm, ăn theo nhóm làm việc, nghỉ theo nhóm làm việc. Điều này nhằm hạn chế lây lan, khoanh vùng nhỏ", ông Ngọc chia sẻ.
Xem thêm: odl.843029-nahn-cax-yaig-iv-gnod-oal-ueiht-ol-gnod-iohk-iat-gnaig-cab-nd/et-hnik/nv.gnodoal