vĐồng tin tức tài chính 365

Thị trường Tết Đoan Ngọ bớt nhộn nhịp

2021-06-15 06:46

Theo ghi nhận của phóng viên, thị trường Tết Đoan Ngọ (ngày 14-6, tức mùng 5-5 âm lịch) ở kênh chợ truyền thống tại TP HCM kém sôi động hơn do lo ngại dịch bệnh, người đi mua sắm ít nhưng tất cả đều tuân thủ các quy định về phòng chống dịch. Một số khách hàng sử dụng dịch vụ giao hàng tận nhà để tránh tụ tập.

Bánh ú tăng giá

Sáng mùng 5-5 ở khu vực chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), chợ Tân Định (quận 1), mọi năm người dân phải chen lấn để mua đồ cúng thì nay thông thoáng hơn nhiều. Trong khi giá hoa cúng và trái cây tương đương những ngày trước đó thì bánh ú nước tro tăng mạnh. Người tiêu dùng phản ánh giá bánh ú năm nay tăng từ 10.000 - 30.000 đồng/chục tùy loại, lên mức 50.000 - 60.000 đồng/chục bánh ú không nhân và 90.000 - 110.000 đồng/chục bánh ú có nhân.

Ông Tới, bán bánh ú tại chợ Thị Nghè (quận Bình Thạnh), thừa nhận giá bánh ú năm nay tăng gần gấp đôi so với năm ngoái, lên 100.000 đồng/chục 12 cái loại gói bằng lá dong, còn gói bằng lá tre rẻ hơn, chỉ có 50.000 đồng/chục. Cũng theo ông Tới, năm nay bánh ú loại nhỏ không thấy xuất hiện, nguyên nhân là do cấm tụ tập đông người nên không thể gói loại bánh nhỏ được vì cần nhiều nhân công.

Về phía người làm bánh, bà Lê Thị Em (xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh), thừa nhận năm nay ít người làm bánh ú nước tro vì lo dịch bán không được. "Người làm đã ít mà sản lượng từng nhà cũng giảm, nhà tôi năm nay chỉ làm 20.000 cái bánh, bằng một nửa năm ngoái. Năm nay nguyên liệu bánh đều tăng, như đường tăng 4.000 đồng, đậu xanh tăng 5.000 đồng/kg, nếp tăng 2.000 đồng/kg nhưng giá bán bánh không đổi, vẫn ở mức 60.000 đồng/chục 12 cái (giá sỉ). Loại bánh này muốn ngon phải chuẩn bị nguyên liệu trước 3-4 ngày nên dù thấy thị trường hút hàng cũng không thể làm thêm được nên người bán lẻ tranh thủ tăng giá" - bà Em nói.

Đại diện Công ty TNHH Thực phẩm Đại Phát (công ty chuyên về thực phẩm của Đài Loan) tại TP HCM và Bình Dương cho hay lần đầu tiên doanh nghiệp nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm bánh ú tro nhưng đã rất thành công. Sản phẩm chính thức ra thị trường từ ngày 28-5, gồm 2 loại nhân (một được làm bằng đậu đỏ, một loại khác được làm bằng đậu xanh và dừa, nấu chín và trộn với mật ong), đóng gói trong hộp giấy sang trọng, mỗi hộp 12 cái, giá 144.000 đồng. Ông Hứa Ngọc Lâm, tổng giám đốc công ty, cho hay cũng là bánh ú tro truyền thống Việt Nam nhưng bánh được gói từ gạo nếp ngon của Tiền Giang, ngâm với nước tro làm từ nguyên liệu riêng của Đại Phát và không sử dụng bất kỳ hóa chất làm giòn, dai nào nên giữ được mùi vị đặc trưng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. "Sản phẩm nhanh chóng được một số công ty, xí nghiệp, tổ chức đặt hàng số lượng lớn để làm quà tặng đối tác, nhân viên nhân dịp Tết nửa năm. Hơn 10.000 cái bánh ú tro đã được tiêu thụ hết chỉ trong tuần đầu tiên sản phẩm ra thị trường, nếu tính trong hơn 2 tuần nay thì còn cao hơn nữa" - ông Lâm thông tin.

Bà Đào Phương Thảo, quản lý thu mua hệ thống cửa hàng Organic Food, cho biết năm nay hệ thống lần đầu bán bánh ú tro, cơm rượu và xôi gấc phục vụ cho nhóm khách hàng thân thiết đặt hàng trước. Đây là nhóm sản phẩm đặc sản vùng miền, được kiểm soát an toàn thực phẩm tại cơ sở sản xuất có giấy phép chứ chưa đạt chuẩn hữu cơ do chưa đủ nguyên liệu hữu cơ để chế biến. Tại đây, bánh ú có giá 120.000 đồng/chục loại đặc biệt, cơm nếp 55.000 đồng/phần và hệ thống đã bán được 4.500 cái bánh ú và 250 phần cơm rượu. "Do tình hình dịch bệnh phức tạp nên có đến 80% khách hàng đặt mua yêu cầu giao tại nhà, chỉ 20% đến nhận hàng trực tiếp tại cửa hàng. Trước khi có dịch, hệ thống chúng tôi chú trọng phát triển mảng bán hàng giao tận nhà nhưng tỉ lệ mới đạt 40%" - bà Thảo nhận xét.

Thị trường Tết Đoan Ngọ bớt nhộn nhịp - Ảnh 1.

Thị trường Tết Đoan Ngọ năm nay không nhộn nhịp so với mọi năm do TP HCM đang thực hiện giãn cách xã hội để chống dịch Ảnh: Nguyễn Hải

Đặt hàng online tăng 2-3 lần

Ở kênh siêu thị, các nhà bán lẻ đẩy mạnh bán hàng qua các kênh online và điện thoại trong dịp Tết Đoan Ngọ mùng 5-5.

Ghi nhận trong 2 ngày 13 và 14-6 tại các hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food của Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op), sức tiêu thụ các loại rau củ quả, trái cây tăng hơn 30% so với những ngày trước. Cũng như thời điểm này mọi năm, trái cây, đặc biệt là trái vải tươi, bánh ú nước tro, thịt gà nguyên con, hải sản, hoa tươi... tiêu thụ mạnh nhất, trong đó lượng khách đặt hàng giao tận nhà rất cao. Tại các hệ thống Big C, GO!, Vinmart, Vinmart+, MM Mega Market, Aeon, siêu thị Emart..., tình hình cũng diễn ra tương tự.

Theo các siêu thị, hiện đang rộ mùa nhiều loại trái cây trong nước, sản lượng dồi dào nhưng tiêu thụ kém do ảnh hưởng của dịch, vì vậy siêu thị chủ động làm chương trình khuyến mãi, giảm giá mặt hàng này để hỗ trợ tiêu thụ nông sản lẫn kích cầu tiêu dùng. Đơn cử, riêng hệ thống GO!, Big C dự kiến tiêu thụ khoảng 200 tấn trái cây các loại (bơ, sầu riêng, vải thiều, nhãn, thanh long, xoài, vú sữa, chôm chôm, măng cụt, bưởi da xanh...) chỉ trong 1 tuần, từ ngày 10 đến 16-6, qua chương trình giảm giá trái cây đến 30%.

Ngoài chợ và siêu thị, những người bán bánh ú nước tro và cơm rượu trên các trang mạng khá đắt khách. Ngay từ chiều 13-6 (tức mùng 4-5 âm lịch), trang bán hàng trên Facebook có tên Bếp Bà Bắc đã thông báo dừng nhận đơn hàng các món đồ cúng, đồ ăn dịp Tết Đoan Ngọ do quá tải. Admin của fanpage cho biết đắt khách nhất là cơm rượu nếp cái hoa vàng và cơm rượu nếp cẩm, giá 100.000 đồng/hộp.

Một nhà bán hàng khác từ trưa 13-6 cũng dừng nhận đơn bánh ú nước tro và cơm rượu giao ngày 14-6. "Năm nay bán online được hơn năm trước rất nhiều. Trong 2 ngày cuối tuần rồi, tôi nhận đơn sỉ và lẻ đến 15.630 cái bánh ú nước tro, gần 1.000 cái bánh ú trứng muối tam sắc và hơn 100 hũ cơm rượu. Đóng và giao hàng không kịp lịch hẹn khách" - chủ nhà này cho biết.

Tại nhiều trang bán hàng khác, bánh ú nước tro được bán với đủ loại giá, hầu như đều tăng so với ngày thường từ 2-4 lần. Mức giá phổ biến từ 65.000 - 95.000 đồng/10 cái tùy loại nhân (đậu xanh, đậu xanh - sầu riêng, không nhân...). Thậm chí, có nơi bán giá 130.000 - 140.000 đồng một xâu 12 cái. 

Vải thiều đầy chợ

Tết Đoan Ngọ cũng là dịp tiêu thụ trái cây nhiều nhất trong năm (chỉ sau Tết nguyên đán). Khảo sát của phóng viên những ngày này, vải thiều vẫn là mặt hàng được bày bán nhiều nhất, giá từ 35.000 - 40.000 đồng/kg (loại vận chuyển đường bộ) và 65.000 - 75.000 đồng/kg (loại vận chuyển đường hàng không; chôm chôm từ 40.000 - 50.000 đồng/kg; măng cụt từ 60.000 - 80.000 đồng/kg.

Tại chợ đầu mối Hóc Môn, lượng hàng về trong 2 ngày trước Tết Đoan Ngọ đạt 2.900 - 3.200 tấn (gồm thịt heo, rau quả và trái cây), tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái (2.800 tấn/ngày). Riêng lượng trái cây về chợ đạt 884 tấn, trong đó, riêng vải thiều là 210 tấn, giá cả ổn định, không tăng do hàng về nhiều.

Còn chợ đầu mối Thủ Đức thì ghi nhận lượng hàng về đạt 4.496 và 5.089 tấn (rau, củ, trái cây) trong khi lượng hàng về chợ ngày thường chỉ khoảng 3.000 tấn. Trong đó, mặt hàng trái cây tăng mạnh nhất, ở mức 3.500 tấn/ngày trong khi ngày thường chỉ khoảng 1.200 tấn. Đặc biệt, mặt hàng vải thiều ghi nhận lượng hàng nhập chợ đạt mức kỉ lục, đạt xấp xỉ 1.400 tấn vào ngày trước Tết Đoan Ngọ. Do hàng về chợ đầu mối nhiều nên giá ổn định, không có mặt hàng trái cây nào tăng giá mà chỉ có 2 loại giảm giá là sầu riêng Ri6, giảm 5.000 đồng/kg, còn 65.000 đồng/kg và mãng cầu giảm 5.000 đồng/kg, còn 40.000 đồng/kg.

Ng.Ánh

Xem thêm: mth.50171731241601202-pihn-nohn-tob-ogn-naod-tet-gnourt-iht/et-hnik/nv.moc.dln

Comments:0 | Tags:No Tag

“Thị trường Tết Đoan Ngọ bớt nhộn nhịp”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools