Là quốc gia xuất khẩu gạo nhưng phải đến khi có gạo ST25 đạt giải gạo ngon nhất nhì thế giới thị trường mới có cái nhìn khác về chất lượng gạo của Việt Nam. Những tháng qua, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam có nhiều thời điểm cao hơn của Thái Lan đã là một tín hiệu tích cực.
Lâu nay nhiều người vẫn nghĩ ST25 chỉ phù hợp ở diện hẹp trong ĐBSCL. Tuy nhiên, 2 năm nay gạo ST25 đã được thử nghiệm trồng tại phía Bắc. Vụ lúa chiêm năm nay, tại cánh đồng rươi ở Hải Phòng, những sản phẩm gạo ST25 hữu cơ đầu tiên đã bắt đầu bán trên thị trường với giá lên tới 86.000 đồng/kg.
Hiện gạo rươi ST25 mới được bán tại cửa hàng bán lẻ của doanh nghiệp Hải Âu Việt - đơn vị đầu tiên được tác giả giống ST25 ủy quyền khảo nghiệm tại miền Bắc.
Doanh nghiệp cho biết, có nhiều khách Hải Phòng đã đặt mua gạo rươi ST25 trước cả tháng nhưng cửa hàng không dám nhận. Lý do là sản lượng vụ đầu chưa nhiều, tổng sản lượng dự kiến đạt gần 100 tấn thóc mà 70% đã có doanh nghiệp bán lẻ ký hợp đồng bao tiêu.
Gạo ST25 đang được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. (Ảnh: VOV).
Triển vọng nhân rộng thành công ST25 tại miền Bắc
Giống lúa ST25 có những yêu cầu khác biệt về đất, nước, khí hậu, không phải chỗ nào cấy cũng cho năng suất chất lượng tốt. Riêng cấy trên cánh đồng nuôi rươi miền Bắc còn phải đáp ứng những yêu cầu riêng đặc biệt.
Tại xã Kiến Quốc, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng, sản phẩm chính của chủ ruộng ở đây là rươi, không phải lúa. Con rươi sẽ chết nếu đất, nước có nhiễm hóa chất. Vì vậy, doanh nghiệp liên kết trồng lúa không được sử dụng bất kỳ loại phân, thuốc hóa học nào.
Rơm rạ giúp chủ đất giảm chi phí thức ăn bón cho rươi. Phân rươi và tập tính làm tơi xốp đất của rươi giúp giống lúa ST25 vốn đã ngon, lại thêm ngon và đảm bảo chuẩn hữu cơ.
"Chúng tôi kết hợp với công ty Hải Âu Việt đã cấy giống lúa ST25 rất là phù hợp cả hai bên đều có lợi. Năng suất cũng như về hiệu quả tăng gấp rưỡi so với các giống lúa khác. Thực tế việc trồng lúa cũng tạo môi trường thuận lợi để chúng tôi sản xuất con rươi", bà Đinh Thị Nhu - chủ ruộng lúa rươi ST25 xã Kiến Quốc, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng cho biết.
Cánh đồng rươi kết hợp trồng lúa ST25.
Ngoài vùng rươi Kiến Thụy, doanh nghiệp Âu Việt có 25ha khảo nghiệm giống ST25 thuần chủng tại Nam Định, Bắc Giang, Bắc Ninh. Các diện tích này đều sản xuất theo quy trình an toàn và cho kết quả khá tốt.
Toàn bộ lượng thóc ST25 được doanh nghiệp bao tiêu tươi ngay sau thu hoạch với giá 12.000 đồng/kg. Giá này cao hơn 40% so với thóc khác. Tiến độ vận chuyển thóc nhanh. Việc sấy, xay xát thóc đều tiến hành trong nhà máy lớn mà phía Bắc đã có sẵn. Như vậy, giống lúa thuần chủng ST25 rất có triển vọng phát triển ở phía Bắc, cả lúa giống và lúa thịt.
Chọn được những vùng đất có sự tương đồng với vùng đất đầu tiên ST25 sinh sống đã là cơ sở để các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân mở rộng. Sẽ còn cần nhiều thời gian để khẳng định thành công hay không nhưng những gì thu được từ 2 vụ vừa qua sẽ là động lực cho các bên phát triển những giống lúa đặc sản như ST25.
Gạo ST25 đứng vững tại thị trường Mỹ VTV.vn - Gạo ST25 đang mở ra cơ hội cho gạo Việt Nam có thể chinh phục thị trường Mỹ, một trong những thị trường đầy tiềm năng. | Câu chuyện thương hiệu gạo ST25 và bài học cho các Start-up Việt Nam VTV.vn - Vụ việc gạo ST25 của Việt Nam bị một số doanh nghiệp nước ngoài đăng ký nhãn hiệu đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo đối với cộng đồng các nhà kinh doanh trong nước. | Gạo ST25 được đăng ký tại Mỹ với nhãn hiệu "Gạo Ông Cua" VTV.vn - Mới đây, doanh nghiệp Hồ Quang Trí vừa nộp đơn xin bảo hộ nhãn hiệu "Gạo Ông Cua" tại Văn phòng sáng chế và Thương hiệu Mỹ (USPTO). |
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!