Vay vài triệu đồng qua App, phải trả nợ hàng trăm triệu đồng
Trong thời gian vừa qua, tình trạng nhiều tổ chức, cá nhân cho vay tiền qua App không được cấp phép, đã lợi dụng tính nhanh, gọn, dễ tiếp cận và thực hiện các thủ tục đơn giản trên không gian mạng để "ra chiêu" thu hút người dân vay tiền lúc khó khăn, khá phổ biến. Thế nhưng, bên cạnh sự tiện lợi đó thì nhiều người dân đã phải trả cái giá quá đắt, với hệ luỵ để lại không hề nhỏ khi phải "gồng mình" trả lãi với lãi suất "cắt cổ" lên tới hơn 300%, thậm chí có người vay phải trả lãi lên tới 800% - 900%/ năm.
Thời gian gầy đây, tình trạng vay tiền và cho vay tiền qua app trên mạng với lãi suất "cắt cổ" diễn ra rất phổ biến. Trong đó, việc thanh toán trả nợ trên tài khoản ngân hàng có nhiều vấn đề
Trường hợp của bà Lâm Thị Tố Oanh, ngụ tại thị trấn Phong Phú, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, là một ví dụ điển hình.
Theo phản ánh của bà Lâm Thị Tố Oanh, do tình hình khó khăn và dịch bệnh COVID-19 với diễn biến phức tạp, khoảng tháng 9/2020, sau khi xem thông tin quảng cáo trên mạng về cho vay không lãi suất thông qua app, bà đã đăng ký và vay 5 App (App: hopevay, vaytinnhanh, vitienloi, heyvi, kaka…), mỗi App với số tiền 2.000.000 (Hai triệu đồng). Tuy nhiên, thực chất bà chỉ nhận được số tiền là 1.100.000 (Một triệu một trăm nghìn đồng), một số App thì 1.300.000 (Một triệu ba trăm nghìn đồng). Và với số tiền thực nhận là 1.100.000 đ sau một tuần (7 ngày), bà Oanh phải trả cho khoản này thành 2.000.000 đ. Nhưng do không xoay xở kịp, app đã nhắc nhở bà Oanh, đồng thời giới thiệu cho bà vay app khác (app mới) để trả nợ cho app cũ. Và cứ thế, bà Oanh đã rơi vào vòng xoáy, không còn khả năng chi trả vì số tiền lãi đã lên tới cả hàng trăm triệu đồng.
Tổng cộng, chỉ trong 6 tháng bà Oanh đã trả hơn 600 triệu, và còn nợ hơn 300 triệu đồng. Số nợ này tiếp tục sinh lãi. Các App khủng bố bà Oanh, thậm chí còn mạo danh Công an ra lệnh truy nã và gửi thông tin cho toàn bộ những ai có tên trong danh bạ điện thoại của bà...
Đáng chú ý, trong qua trình trả nợ, mỗi lần thanh toán tiền gốc và lãi, App đã hướng dẫn bà Oanh chuyển tiền qua số tài khoản tại Ngân hàng TNHH MTV Woori Bank Việt Nam (Woori Bank) – Chi nhánh TP HCM.
Việc vay tiền qua app khá dễ dàng, lại được quảng cáo không lãi suất nên bà Lâm Thị Tố Oanh đã đăng ký vay và lãi mẹ đẻ lãi con khiến bà phải vay từ app này sang app để trả nợ
Vấn đề là số tài khoản này mang tên bà Oanh, nhưng bà Oanh lại chưa từng tới ngân hàng này để thực hiện mở tài khoản. Tổng số tiền mà bà Oanh đã chuyển cho Woori Bank từ tháng 9/2020 cho đến nay là: 342.456.785 đồng.
Woori Bank CN TPHCM là một trong 2 ngân hàng bị bà Oanh đâm đơn khởi kiện
Tương tự, App cũng hướng dẫn bà Oanh chuyển tiền gốc và lãi qua số tài khoản tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) - Chi nhánh TP HCM. Tính đến thời điểm hiện tại, bà Oanh đã chuyển tổng số tiền là 12.122. 400 đồng vào tài khoản ở đây. Số tài khoản này cũng được mang tên bà Oanh, mặc dù bà Oanh cũng chưa từng tới ngân hàng VPBank để thực hiện mở tài khoản.
Lo lắng và bức xúc, bà Oanh đã làm đơn kêu cứu tới các cơ quan chức năng, đồng thời khởi kiện 2 ngân hàng ra Toà án nhân dân Quận 1, gồm: Ngân hàng TNHH MTV Woori Bank Việt Nam (Woori Bank) – Chi nhánh TP HCM yêu cầu hoàn lại số tiền bà đã chuyển là: 342.456.785 đồng; và Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank)- Chi nhánh TP HCM yêu cầu hoàn lại số tiền bà đã chuyển là: 12.122.400 đồng. Hiện Toà án Nhân dân Quận 1 đã tiếp nhận hồ sơ của bà Oanh về vụ việc nêu trên.
Nghi vấn các ngân hàng… "tiếp tay"?
Nhận định về vụ việc nêu trên, Luật sư Hà Hải- Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP HCM, Uỷ viên hội đồng Luật sư toàn quốc, cho rằng: Sau khi tìm hiểu thông tin và nghiên cứu hồ sơ vụ việc, đặc biệt là trong sao kê Vietcombank của bà Oanh, có rất nhiều khoản tiền do bà Oanh trả cho các App chạy vào ngân hàng Woori Bank. Tổng cộng có khoảng 158 giao dịch chuyển về Woori Bank, với số tiền trên dưới khoảng 451.809.000 đồng. Tuy nhiên, để chính xác và chi tiết hơn thì phải dùng máy tính để sử dụng phần mềm Excel vì có quá nhiều con số.
Cũng theo Luật sư Hải, về nguyên tắc, những ngân hàng tiếp tay cho các App để thực hiện các giao dịch và tự ý mở tài khoản cá nhân của bà Oanh tại ngân hàng trong khi bà Oanh không tới ngân hàng là không đúng. Vì thế ông đã hướng dẫn Oanh nộp đơn lên Tòa án Nhân dân Quận 1, TP Hồ Chí Minh để khởi kiện Woori Bank và VPBank các chi nhánh, đòi lại số tiền mà bà Oanh đã chuyển vào 2 ngân hàng này.
Luật sư Hà Hải khẳng định: Về nguyên tắc, những ngân hàng "tiếp tay" cho các App để thực hiện các giao dịch và tự ý mở tài khoản cá nhân của bà Oanh tại ngân hàng trong khi bà Oanh không tới ngân hàng là không đúng.
Phân tích và cảnh báo về tình trạng cho vay App trên online, Luật sư Hải cho rằng: "Ứng dụng vay tiền trực tuyến (App vay tiền online), thực chất là một ứng dụng cho vay tín chấp. Người đi vay không cần có tài sản đảm bảo và người cho vay thì dựa vào uy tín của người đi vay về thu nhập và khả năng trả nợ để cho vay. Về tính chất, vay tiền qua App rất thuận lợi, nhanh chóng. Với các App cho vay tiền chính thống, hoạt động công khai, minh bạch. Nhưng song song đó thì hiện nay cũng xuất hiện nhiều App cho vay tiền nhưng lại núp dưới hình thức tín dụng đen, cho vay với lãi suất cắt cổ.
Do đó, người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin điều khoản, dịch vụ, các quy định về lãi, phí, hạn mức trả nợ… trước khi quyết định vay tiền qua App. Bên cạnh đó, người vay cần phải tìm hiểu, lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ uy tín, thể hiện đầy đủ các thông tin trên website như: tên công ty, mã số doanh nghiệp, địa chỉ, các chính sách cụ thể về lãi suất vay (trả nợ trước hạn, chậm trả…)" – Luật sư Hải cảnh báo.
Ông cũng nhấn mạnh, trong vụ việc của bà Oanh và nhiều trường hợp khác, số tiền vay là vật chứng của vụ án. Vì vậy, nếu các đối tượng, tổ chức đứng sau các App cho vay tiền dính tới việc cho vay với lãi suất cao, khủng bố người vay thì có thể bị xử lý với tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự theo Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017.
Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin.
Hương Giang-Duy Long
Diễn đàn doanh nghiệp
Xem thêm: nhc.62834750151601202-gnah-nagn-2-neik-iohk-un-uhp-iougn-ppa-auq-neit-yav-ut-yul-eh/nv.zibefac