Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có 17/22 mục tiêu của Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 được hoàn thành, trong đó nhiều mục tiêu trọng tâm như quy mô ngân sách được cải thiện với cơ cấu nguồn thu bền vững hơn, bội chi ngân sách và tỉ trọng nợ công trên GDP được kiểm soát, đảm bảo an toàn nợ công, an toàn tài chính quốc gia. Các mục tiêu hoàn thành đã góp phần thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, tăng cường sức chống chịu và khả năng ứng phó của nền kinh tế với biến động bên ngoài.
Bảo đảm an toàn nợ công
Bộ KHĐT ngày 14.6 cho hay vừa có báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái về dự thảo Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025. Thứ trưởng Bộ KHĐT Trần Duy Đông cho biết, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 được tổ chức thực hiện và mang lại nhiều kết quả quan trọng. Qua đánh giá cho thấy, có 17/22 mục tiêu của kế hoạch được hoàn thành với 5 nhóm nhiệm vụ được triển khai thực hiện và có kết quả tích cực.
Trong số này, ba trọng tâm cơ cấu lại nền kinh tế (đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tín dụng) được đẩy mạnh và có những bước tiến thực chất hơn: Các quy định, pháp luật về đầu tư công được sửa đổi, hoàn thiện nhằm thực hiện hiệu quả kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020; kỷ luật, kỷ cương được nâng cao; dần khắc phục được tình trạng đầu tư dàn trải và nợ đọng xây dựng cơ bản; tỉ lệ giải ngân, hiệu quả đầu tư được cải thiện.
Công tác cơ cấu lại ngân sách nhà nước và khu vực công đạt được kết quả tích cực, thể hiện ở quy mô ngân sách nhà nước (NSNN) được cải thiện, cơ cấu thu bền vững hơn, tăng tỉ trọng chi đầu tư, bội chi ngân sách và tỉ trọng nợ công trên GDP được kiểm soát, bảo đảm an toàn nợ công, an toàn tài chính quốc gia.
Báo cáo mới nhất về việc triển khai thực hiện kế hoạch cho thấy, nhiều mục tiêu quan trọng đều vượt và về đích sớm hơn kế hoạch đề ra ban đầu. Trong đó quy mô nợ công giảm mạnh, từ mức 63,7% GDP cuối năm 2016 xuống khoảng 55% GDP cuối năm 2019; quy mô nợ Chính phủ giảm mạnh từ 52,7% năm 2016 xuống 48% GDP đến cuối năm 2019, thấp hơn so với mục tiêu không quá 54%; tỉ trọng lao động nông nghiệp giảm mạnh từ 44% năm 2015 xuống 41,6% năm 2016 và ước năm 2020 còn 34%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu dưới 40%; năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 45,21%, vượt xa so với mục tiêu 30-35% được đề ra; dư nợ thị trường trái phiếu đến năm 2019 cũng đạt 40,14%, vượt xa so với mục tiêu đến năm 2020 đạt 30% GDP.
Theo đánh giá của Thứ trưởng Trần Duy Đông, kết quả thực hiện kế hoạch giai đoạn 2016-2020 đã thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng, cải thiện chất lượng tăng trưởng, gia tăng năng suất, nâng dần tỉ lệ đóng góp TFP vào tăng trưởng; đảm bảo và củng cố kinh tế vĩ mô, tạo thêm dư địa để thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội.
Tăng sức chống chịu của nền kinh tế
Với kết quả trên, dự thảo Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 do Bộ KHĐT xây dựng nhấn mạnh quan điểm việc cơ cấu lại nền kinh tế cần được triển khai đồng bộ để thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng; củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, tăng cường sức chống chịu và khả năng ứng phó với biến động bên ngoài, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Đồng thời căn cứ vào điều kiện cụ thể để xác định trọng tâm cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 của ngành, vùng, địa phương.
Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn tới hướng đến mục tiêu tổng quát là nhằm tạo nên những thay đổi rõ nét trong mô hình tăng trưởng theo hướng dựa vào tăng năng suất, hiệu quả, nâng cao tính tự chủ và khả năng thích ứng của nền kinh tế trước những biến động bên ngoài.
Từ đây, kế hoạch đề xuất 5 nhóm nhiệm vụ, bao gồm: Củng cố nền tảng vĩ mô, nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế, hỗ trợ quá trình cơ cấu lại nền kinh tế. Phát triển thị trường các yếu tố sản xuất, nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng nguồn lực. Phát triển lực lượng doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, phát huy nội lực, tăng cường tính tự chủ, tự cường của nền kinh tế. Tăng cường liên kết vùng và phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn trong thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng. Nâng cấp chuỗi giá trị các ngành dựa vào ứng dụng tiến bộ KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, kế hoạch cơ cấu nền kinh tế giai đoạn tới ngoài việc khắc phục những tồn tại hạn chế của giai đoạn trước còn bổ sung các nhiệm vụ trong bối cảnh mới, đáp ứng yêu cầu phát triển. Vì vậy, nội dung của kế hoạch có nhiều điểm mới so với giai đoạn trước, như bên cạnh các nội dung nâng cao hiệu quả, năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh, còn bổ sung các nội dung tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế. Kế hoạch nhấn mạnh, đến đổi mới sáng tạo, ứng dụng tiến bộ KHCN, công nghệ số nhằm nắm bắt được các cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và yêu cầu tạo ra kết quả rõ nét trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
Đáng chú ý, kế hoạch tăng cường và tập trung vào phát triển lực lượng doanh nghiệp, đặc biệt đối với doanh nghiệp Việt Nam, bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân trong nước. Kế hoạch đặt ra mục tiêu và tăng cường các giải pháp khai thác lợi thế vùng và lợi thế của các trung tâm đô thị lớn, vùng kinh tế trọng điểm trong thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng.
Với kế hoạch này, các địa phương được yêu cầu căn cứ vào điều kiện, lợi thế của địa phương và trình độ phát triển để xây dựng kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế cho phù hợp, từ đó nâng cao hiệu quả triển khai thực hiện.