Trái cây lợi ích và cà phê bền vững
Hồ Nguyên Thảo
(KTSG) - Doanh nhân Pháp thuyết phục nông dân đồng bằng trồng trái cây sạch với phương châm “cùng lợi ích”. Tập đoàn Nhật Bản giúp các trang trại cà phê vùng Tây Nguyên thực hành canh tác bền vững… Các doanh nghiệp, tập đoàn nước ngoài đang hợp sức cùng nông dân Việt Nam thay đổi phương thức canh tác.
”Cùng chịu đựng, chia sẻ lợi ích” là cách mà doanh nhân Pháp Jean Luc Voisin cùng nông dân Việt Nam chống chọi với hai đại dịch năm 2003 và 2020. |
Công ty đầu tiên đạt chứng nhận “lợi ích”
Tháng 10-2019, Les Vergers du Mekong, công ty có trụ sở đặt tại TPHCM, đạt chứng nhận “Certified B Corporation” (CBC). Chữ B ở đây là benefit - lợi ích - do tổ chức phi lợi nhuận B Lab cấp cho các công ty vì lợi nhuận. Đây là công ty đầu tiên ở Việt Nam và Campuchia đạt chứng chỉ này.
Để đạt được CBC, doanh nghiệp phải đảm bảo môi trường canh tác sạch và bền vững, đồng thời bảo vệ quyền lợi nhà nông và người tiêu dùng. Triết lý “from farm to fork” - từ nông trại đến chiếc nỉa ăn - như vậy đã giúp công ty gia nhập cộng đồng hơn 2.800 công ty CBC ở 150 nước. “Điều này đồng nghĩa sản phẩm của chúng tôi được tiếp nhận dễ dàng hơn, thị trường coi như mở rộng”, doanh nhân người Pháp Jean Luc Voisin nói.
Cuối những năm 1990, nước trái cây cho các khách sạn 5 sao hay nhà hàng sang trọng tại TPHCM và Hà Nội hầu hết được nhập từ nước ngoài. Là chuyên gia của Tổ chức Lương nông Liên hiệp quốc (FAO) cho một số dự án nông nghiệp tại Việt Nam, ông Voisin nhận ra thị trường ngách và quyết định đầu tư mở xưởng chế biến nước trái cây tại khu công nghiệp Trà Nóc, Cần Thơ vào năm 2000.
Các điểm thu mua được mở từ Sapa ở Lào Cai đến Châu Đốc ở An Giang. Trà Thái Nguyên, cà phê Đắk Lắk hay Lâm Đồng và các loại trái cây của đồng bằng... có đủ trong các đơn hàng bán trong và ngoài nước của Les Vergers du Mekong.
Giờ đây, Les Vergers du Mekong có khoảng 200 nhân viên trong hệ thống của mình và 2.000 nhà cung cấp ở miền Tây và các tỉnh lân cận. Mạng lưới của ông thu mua 25 loại rau quả với sản lượng khoảng trên 2.000 tấn. Sản phẩm của Les Vergers du Mekong bán cho các khách sạn hạng sang thuộc chuỗi Accor, Caravelle, Rex, Sheraton và Park Hyatt hay các công ty catering hoặc chuỗi siêu thị Aeon, Big C hay các cửa hàng tiện lợi như 7Eleven, Family Mart, Circle K...
Ngoài Rainforest Alliance, còn có các loại giấy chứng nhận chính trong ngành cà phê như organic (hữu cơ), fair trade (công bằng trong mua bán), CF (trồng trong bóng râm) và CF 4C (trồng trong bóng râm của các cộng đồng). |
Cái khó là thuyết phục nông dân đồng bằng làm nông nghiệp sạch bởi họ quá quen phóng tay chuyện xài phân hóa học, thuốc diệt cỏ và thuốc trừ sâu.
“Chúng ta không thể kiểm soát vấn đề 100%, nhưng tôi chắc rằng chúng tôi kiểm soát phần lớn chuỗi cung ứng của mình. Làm thế nào chúng tôi làm được điều đó? Chúng tôi bắt tay với nông dân”, Voisin nói.
Các chuyên viên của Les Vergers du Mekong đến các nông trại, mảnh vườn của nông dân mỗi tháng với sổ tay hướng dẫn làm nông nghiệp an toàn. Công ty cũng viết ứng dụng WeTrace - Chúng ta cùng theo dõi - để nông dân có thể cùng công ty bám sát quá trình canh tác. “WeTrace cho chúng tôi dữ liệu rằng rau quả là an toàn. Chúng tôi cũng có thể phản hồi cho nông dân biết rằng họ đã thành công trong việc quản lý canh tác nông nghiệp sạch. Các thông tin về thời tiết, tưới nước, bón phân hữu cơ hay phân NPK, thu hoạch đều được ghi nhận”, ông Voisin giải thích. Ông nói cung cấp miễn phí cho nông dân 400 chiếc điện thoại thông minh có sẵn ứng dụng WeTrace.
Ông hy vọng số lượng hộ nông dân tham gia cung ứng nông phẩm cho Les Vergers du Mekong sẽ đạt con số 4.000 hộ vào năm 2023. Sản lượng đầu ra cũng tăng gấp đôi. Trái cây đồng bằng và các loại rau quả chế biến giờ được Les Vergers du Mekong xuất sang Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Dubai và EU.
Tập đoàn bia tìm nguồn cà phê sạch
Bắt đầu từ tháng 4-2020, hãng bia Kirin của Nhật Bản đã bắt đầu giúp đỡ các trang trại cà phê ở Tây Nguyên có được giấy chứng nhận canh tác bền vững của Liên minh Rừng mưa nhiệt đới (Rainforest Alliance). Đây là một trong những loại giấy chứng nhận chính về tiêu chuẩn có thể giúp tăng lượng tiêu thụ cà phê ở các nước tiên tiến.
Hãng bia Nhật sẽ chuyển giao những bí quyết có được trong việc giúp các trang trại trà ở Sri Lanka trong một chương trình khởi sự từ năm 2013 với mục tiêu giúp nông dân đạt chứng nhận phát triển bền vững theo các mục tiêu của Liên hiệp quốc đề ra. Cho đến cuối năm 2019, chỉ có 87 trang trại trà lớn ở Sri Lanka thực hành canh tác bền vững với sự hỗ trợ của Kirin. Từ năm 2018, Kirin chuyển sang hỗ trợ các đồn điền nhỏ. Chủ tịch kiêm CEO Yoshinori Isozaki nói rằng tập đoàn đặt mục tiêu có 10.000 trang trại nhỏ đạt chứng nhận Rainforest Alliance vào năm 2025.
Để được chứng nhận của tổ chức phi chính phủ đặt tại Mỹ, chủ trang trại không được sử dụng quá liều nông dược cho phép, phải bảo đảm sự đa dạng sinh học cũng như hiệu quả và năng suất canh tác, bên cạnh việc cải thiện điều kiện sống của nông dân. Hiện họ đang giúp nông dân Việt bảo tồn nguồn nước, ngăn ô nhiễm nước sông, ứng dụng các biện pháp canh tác tốt hơn cho những nơi có ít nắng.
Hiện đã có 350 trang trại đạt được giấy chứng nhận Rainforest Alliance. Kirin mong muốn sẽ tăng gấp đôi số lượng trang trại lên 700 vào cuối năm 2021. Tuy số lượng trang trại cà phê Việt Nam có thể đạt giấy chứng nhận Rainforest Alliance không tăng nhanh như ở Sri Lanka, nhưng có những lợi ích vô hình mà nông dân Tây Nguyên là người hưởng lợi. “Họ hiểu được trách nhiệm của chính mình trong sử dụng tài nguyên thiên nhiên, tìm cách thích ứng linh hoạt với thay đổi môi trường, bao gồm thay đổi khí hậu. Trong khi giảm thiểu sản xuất, họ lại có thể nâng chất lượng cà phê. Hơn hết là chất lượng cuộc sống của họ”, CEO Isozaki phát biểu với Kyodo News Group.
Theo Nikkei Asia, Kirin mong muốn có được nguồn cung ổn định từ các trang trại cà phê ở Việt Nam. Lượng cà phê nhập từ Việt Nam chiếm 30% tổng lượng nhập của tập đoàn - theo lời Chủ tịch Hideki Horiguchi của Kirin Beverages - hãng nước giải khát thuộc tập đoàn Kirin. Tỷ lệ này thấp hơn con số 55% của Brazil - quốc gia xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới.
Cà phê Việt Nam được sử dụng trong các loại nước uống và bánh kẹo của Kirin. Nhãn cà phê đóng lon và thạch cà phê Kirin Fire rất được người Nhật Bản ưa chuộng.
Từ tháng 7-2020, Việt Nam đã vượt qua Brazil để trở thành nhà cung cấp cà phê hạt robusta lớn nhất cho Nhật Bản. Nhưng số lượng cà phê của Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững chỉ bằng 10% con số của Brazil. Trong khi đó, lượng tiêu thụ cà phê có chứng nhận của Rainforest Alliance lại tăng 15% trên thế giới trong năm ngoái.
Kirin nói sản lượng của các nông trại cà phê nhỏ ở Việt Nam “thất thường”, nên họ không thể tăng tỷ lệ nguyên liệu từ Việt Nam. Bằng cách giúp các trang trại cà phê Tây Nguyên, Kirin ổn định được chất lượng cà phê và nguồn cung.
Xem thêm: lmth.gnuv-neb-ehp-ac-av-hci-iol-yac-iart/791713/nv.semitnogiaseht.www