Xu hướng hồi phục rõ nét tại các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Châu Âu… góp phần hỗ trợ tăng trưởng GDP trong nước.
Kinh tế thế giới đang hồi phục mạnh mẽ
Theo Bộ Công Thương, các nền kinh tế chủ chốt như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Châu Âu (EU) đang có xu thế hồi phục mạnh mẽ. Nhiều tín hiệu lạc quan trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 trên toàn cầu nhờ hiệu quả của các biện pháp hạn chế tiếp xúc cộng đồng và đẩy nhanh tiến trình tiêm vaccine ngừa COVID-19, hàng loạt quốc gia đã từng bước gỡ bỏ các biện pháp kiểm soát, phong tỏa, hoạt động sản xuất và tiêu dùng đang dần hồi phục trở lại.
Thông tin từ Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), cho biết: Số liệu từ Viện Quản lý nguồn cung (ISM) cho thấy chỉ số quản lý sức mua (PMI) của Mỹ đạt 61,2 điểm trong tháng 5.2021, cao hơn so với mức 60,7 điểm của tháng trước đó và đánh dấu tháng thứ 12 liên tiếp hoạt động sản xuất của Mỹ tiếp tục được mở rộng.
Theo IHS Markit (một tổ chức hàng đầu trên thế giới về cung cấp thông tin, phân tích thông tin và các giải pháp quan trọng cho các ngành công nghiệp và thị trường nhằm thúc đẩy và định hướng các nền kinh tế toàn cầu), chỉ số PMI trong tháng 5.2021 cũng đạt tới 62,1 điểm, tăng so với mức 60,5 điểm trong tháng 4.2021 và cũng cao hơn so với mức ước tính đạt 61,5 điểm trước đó.
Chỉ số tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi (không tính đến biến động thực phẩm và năng lượng) đã tăng 0,7% trong tháng 4.2021, vượt mức ước tính tăng 0,6% và cao hơn so với mức tăng 0,4% trong tháng 3.2021.
Tại châu Âu, vaccine ngừa COVID-19 đang được triển khai rộng rãi và nhiều chính phủ quyết định nới lỏng các biện pháp kiểm soát, kinh tế châu Âu đã phát đi những dấu hiệu khởi sắc với hoạt động sản xuất liên tục tăng trưởng trong những tháng gần đây.
Còn tại Anh, chỉ số PMI sản xuất trong tháng 5.2021 đã tăng lên mức cao kỷ lục 65,6 điểm nhờ số lượng đơn đặt hàng mới tăng cao. Tại Eurozone, chỉ số PMI lĩnh vực sản xuất đã tăng lên mức 63,1 điểm, cao hơn so với mức 62,9 điểm trong tháng 4.2021. Đây là mức cao nhất kể từ khi IHS Markit bắt đầu khảo sát lĩnh vực sản xuất (từ tháng 6.1997)...
Các chỉ số "nền" trong nước tăng trưởng
Mặc dù chưa có số liệu thống kê tháng 6, nhưng mức tăng trưởng các chỉ số trong 5 tháng qua cho thấy nền kinh tế trong nước đang có nhiều tín hiệu lạc quan: Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 130,94 tỉ USD, tăng 30,7% so với cùng kỳ năm trước; 5 tháng đầu năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 12,6%;
Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến ngày 20.5.2021 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vẫn đạt 14 tỉ USD, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước;
Trong 5 tháng đầu năm, cả nước có gần 55,8 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 778,3 nghìn tỉ đồng, tổng số lao động đăng ký là 412,4 nghìn lao động, tăng 15,4% về số doanh nghiệp, tăng 39,5% về vốn đăng ký và tăng 1,3% về số lao động so với cùng kỳ năm trước…
Trước đó, ngày 30.4.2021, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố Chỉ số Môi trường kinh doanh EuroCham (Business Climate Index – BCI) quý I.2021 đạt 73,9 điểm phần trăm, đây là số điểm cao nhất được ghi nhận kể từ quý III/2019, trước khi đại dịch COVID-19 tác động hệ thống thương mại, đầu tư toàn cầu.
Ngày 21.5.2021, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor’s Global Ratings thông báo về việc giữ nguyên hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam, nâng triển vọng từ ổn định lên tích cực.
Như vậy, từ khi đại dịch bùng phát đến nay, Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới được cả ba tổ chức xếp hạng tín nhiệm gồm Moody’s, S&P và Fitch đồng loạt nâng triển vọng lên tích cực. Đây là một trong những yếu tố tích cực củng cố niềm tin vào môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam trong thời gian tới.
Xem thêm: odl.607029-coun-gnort-et-hnik-gnourt-gnat-ort-oh-cas-iohk-ioig-eht-et-hnik/et-hnik/nv.gnodoal