Anh Kỳ vừa đút cháo vừa động viên cô Nga ráng ăn khỏe để sớm khỏi bệnh - Ảnh: KIM ÚT
Cụ cố gắng thở nha. Cụ thở giỏi, mau khỏe, cai được máy thở là bác sĩ cho về nhà liền. Con thấy cụ khỏe lắm, nay mai sẽ được xuất viện thôi, cố lên nha cụ.
Anh Nguyễn Hồng Kỳ
Lanh lẹ, hoạt bát, nam thanh niên tự giới thiệu tên Nguyễn Hồng Kỳ (33 tuổi, ngụ quận Tân Bình), người vừa điều trị khỏi COVID-19 tại bệnh viện (BV) dã chiến.
Sau khi cách ly tại nhà hơn một tuần, anh đã tình nguyện quay lại BV dã chiến số 4 (huyện Bình Chánh, TP.HCM) để hỗ trợ các F0 khác còn đang chiến đấu với dịch bệnh.
Hỗ trợ F0 như người nhà
Bệnh viện cử bác sĩ đưa anh Kỳ vào phòng hồi sức cấp cứu cho các bệnh nhân COVID-19 nặng. Trong bộ đồ bảo hộ kín mít, anh đi theo sát người hướng dẫn đến từng giường bệnh, lắng nghe đặc điểm của phòng bệnh. Không khí căng thẳng khi các bệnh nhân đều phải thở máy.
"Người ở đây bị COVID nặng, không thể tự ăn uống, vệ sinh cá nhân. Nếu anh thấy ai không có người nhà chăm thì đút họ ăn hoặc giúp họ đi vệ sinh, lau người. Ngoài ra có thể giúp tụi em dọn vệ sinh nữa là em mừng lắm. Bây giờ điều dưỡng phải phụ trách rất nhiều bệnh nhân nặng, việc làm không xuể" - nam điều dưỡng trẻ trao đổi với Kỳ.
Nhìn những bệnh nhân lớn tuổi nằm bất động cố rướn thở tìm sự sống, Kỳ rưng rưng: "Tôi thấy thương họ, giống y như cha mẹ mình vậy". Thời gian đầu chưa nắm rõ việc cũng như cách chăm sóc người bệnh, Kỳ quan sát cách làm của các điều dưỡng rồi học theo.
Thấy bà Chà (66 tuổi) và cụ Nga (77 tuổi) không có người thân chăm sóc, hoạt động khó nhọc, anh đến thay tã và lau người vệ sinh cho hai cụ. Xong việc này, anh lại lấy thức ăn vừa bón từng muỗng vừa chia sẻ chuyện vượt bệnh của mình cùng những lời động viên đến họ.
"Không phải là điều dưỡng nhưng tôi có kinh nghiệm chăm sóc người bệnh do từng chăm mẹ quá cố. Vậy nên những lúc thấy các cụ trở nặng tôi lo lắm, cảm giác như thể sắp mất người thân của mình. Tôi mong sẽ truyền được năng lượng tích cực để các cụ khỏe hơn, những lúc này các cụ cần nhất là người bên cạnh động viên và chăm sóc" - anh Kỳ tâm sự.
Thấy cụ Phạm Thị Bảy (74 tuổi) nằm co ro một mình trên giường bệnh, anh Kỳ vội đến hỏi thăm. Biết cụ không có ai chăm sóc, anh ngỏ ý thay tã, thay trải giường giúp cụ và được đồng ý ngay.
Vừa thay tã, anh vừa động viên cụ Bảy khi nghe cụ than điều trị lâu nhưng không thấy tiến triển. "Cụ cố gắng thở nha, thở giỏi mau khỏe cai được máy thở là bác sĩ cho về nhà liền. Con thấy cụ khỏe lắm, nay mai sẽ được xuất viện thôi, cố lên nha cụ" - anh vỗ về cụ Bảy.
Việc thiện nguyện của Kỳ cứ thế tiếp diễn từ sáng đến trưa. Vừa ngơi tay việc này, anh lại phụ điều dưỡng vệ sinh, dọn dẹp vệ sinh phòng hồi sức.
Anh Kỳ hỗ trợ bệnh nhân COVID-19 nặng - Ảnh: KIM ÚT
Vượt bệnh bằng niềm tin tích cực
Câu chuyện của Nguyễn Hồng Kỳ khá đặc biệt ở bệnh viện dã chiến này. Khi vừa được về nhà sau quá trình điều trị, anh đã xung phong trở lại hỗ trợ các trường hợp F0 khác.
Kỳ cho biết anh dương tính với Covid từ ngày 4-7 mà không rõ nguồn lây. Ba ngày sau đó, anh được đưa vào điều trị tại BV dã chiến số 4, đến ngày 3-8 anh được xuất viện.
Ban đầu anh Kỳ là người dương tính duy nhất trong nhà, sau đó 3 ngày vợ anh cũng có kết quả dương tính và cũng được đưa vào cùng bệnh viện. May mắn vợ anh không có triệu chứng, khỏe mạnh như bình thường, duy chỉ có anh có triệu chứng ho, sốt, mất vị giác.
"Những ngày đầu tôi mệt không muốn làm gì, chỉ nằm yên một chỗ, ăn cũng không vô vì không cảm nhận được vị. Tôi nằm gần như suốt ngày, chỉ những lúc lấy cơm mới cố gắng di chuyển" - anh kể về những ngày điều trị COVID của mình.
Sau đó được vợ động viên, anh suy nghĩ tích cực hơn, chăm đi lại giúp đỡ mọi người chung phòng, dọn vệ sinh phòng, cứ thế sức khỏe anh dần hồi phục và được trở về sau 28 ngày điều trị.
Trong thời gian điều trị COVID-19 tại BV dã chiến, anh Kỳ rất xúc động với sự nhiệt tình hỗ trợ của các bác sĩ, điều dưỡng, dân quân. Anh rất muốn góp một chút công sức của mình nhưng do đang phải cách ly nên anh chỉ có thể hỗ trợ người chung phòng và giữ cho phòng luôn sạch sẽ.
Anh tâm sự: "Khi được bệnh viện cho về và sau một tuần cách ly tại nhà, tôi ra ngoài mua thực phẩm, thấy xe buýt 50 chỗ, xe cấp cứu chở người đi cách ly mà rất thương. Tôi nghĩ dịch giã này ở nhà cũng không làm gì, nên tình nguyện trở lại để giúp đỡ các F0 như tôi cho nhanh khỏi bệnh".
Anh Kỳ bàn với vợ, vợ anh cũng muốn cùng đi hỗ trợ khâu nấu nướng. Tuy nhiên, ở bệnh viện dã chiến không có khâu này nên chỉ mình anh khăn gói lên đường.
Ban đầu bệnh viện phân công anh hỗ trợ hậu cần như vận chuyển, lấy cơm cho các bệnh nhân. Sau đó, khoa hồi sức cho bệnh nhân nặng phải thở máy thiếu người hỗ trợ nên anh đã chủ động đăng ký.
"Lúc đầu được phân công hỗ trợ vòng ngoài, tôi hơi buồn một chút, muốn đóng góp sức mình nhiều hơn, nên khi được nhận vào hồi sức cấp cứu tôi rất hứng khởi. Đã vượt qua dịch bệnh bằng sự lạc quan nên tôi muốn "lây nhiễm" sự lạc quan này đến với các F0 đang điều trị" - anh vui vẻ nói.
Anh Kỳ nhanh chóng được các bác sĩ hỗ trợ kiến thức hướng dẫn người bệnh thở, các trang bị đồ phòng hộ cho bản thân để sẵn sàng đối mặt với nguy cơ cao. "Bác sĩ nói với tôi khả năng lây nhiễm của tôi cũng vẫn có nhưng rất thấp.
Tôi không sợ lây nhiễm cho bản thân mà chỉ sợ lây nhiễm cho người khác. Trong lúc trang bị kiến thức, bác sĩ đã căn dặn tôi khi tiếp xúc với bệnh nhân nào xong phải khử khuẩn ngay" - Kỳ kể lại.
Tham gia đội ngũ tuyến đầu chống dịch, anh Kỳ cho biết không hề thấy mệt mà lại vui vì giúp đỡ được nhiều người bệnh. Anh sẽ tiếp tục công việc này cho đến khi tình hình dịch bệnh được ổn định mới thôi.
Anh Kỳ dọn rác thải lây nhiễm của phòng cấp cứu - Ảnh: KIM ÚT
F0 có thuận lợi để chăm sóc bệnh nhân Covid-19
Bác sĩ Nguyễn Trần Nam - phó giám đốc BV Nhi đồng TP, phó giám đốc BV dã chiến số 4 - cho biết những nghiên cứu hiện tại cho thấy các F0 đã khỏi bệnh có kháng thể bảo vệ cơ thể, vì thế nguy cơ nhiễm lại rất thấp. Do đó, việc hỗ trợ bệnh nhân của lực lượng này sẽ dễ dàng hơn.
Bên cạnh đó, do bản thân những người từng là F0 nên sẽ đồng cảm và dễ dàng hỗ trợ được cả về sinh hoạt cá nhân của người bệnh, y tế lẫn tâm lý nên việc chăm sóc mang lại hiệu quả tốt.
Theo ông Nam, trong thời điểm hiện nay các F0 rất nhiều, trong đó 80% là những người không có triệu chứng và có khả năng hồi phục trong vòng 1-2 tuần. F0 đã khỏi sẽ trở thành lực lượng rất tốt, đông đảo và hiệu quả trong vấn đề hỗ trợ chăm sóc các bệnh nhân đang mắc COVID tại các khu thu dung, cách ly, thậm chí là các bệnh viện lớn.
TTO - Trải qua 21 ngày đêm chiến đấu với tử thần, bệnh nhân 2983 đã được các bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM giành lại sự sống. Đến nay, bệnh nhân đã phục hồi hoàn toàn và đi được trên chính đôi chân của mình.
Xem thêm: mth.86931023202801202-hneb-iohk-auv-0f-tom-al-ort-oh-ed-0f-irt-ueid-gnohp-ned-al-iougn/nv.ertiout