Chính thức áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đường nhập khẩu từ Thái Lan
Nam Bình
(KTSG Online) – Chiều 15-6, Bộ Công thương đã có quyết định cuối cùng về việc áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với các sản phẩm đường nhập khẩu từ Thái Lan. Theo đó, mức thuế chống bán phá giá chính thức là 42,99% và thuế chống trợ cấp là 4,65%.
Cụ thể, trong Quyết định số 1578/QĐ-BCT do Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh ký chiều ngày 15-6, Việt Nam quyết định áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp với các sản phẩm đường mía (mã HS 1701.13.00; 1701.14.00; 1701.91.00; 1701.99.10 và 1702.90.91) nhập khẩu từ Thái Lan vào Việt Nam.
Theo Quyết định này, Bộ Công thương cho rằng, kết luận điều tra cuối cùng của Cơ quan điều tra đã xác định rằng có tồn tại hành vi bán phá giá, được trợ cấp của hàng hóa nhập khẩu bị điều tra, ngành sản xuất trong nước bị thiệt hại đáng kể và có mối quan hệ nhân quả giữa việc nhập khẩu hàng hóa bán phá giá và được trợ cấp với thiệt hại đáng kể của ngành sản xuất trong nước.
Do đó, các tổ chức, cá nhân sản xuất, xuất khẩu hàng hóa từ Thái Lan phải chịu mức thuế chống bán phá giá (CBPG ) chính thức là 42,99% và thuế chống trợ cấp (CTC) ở mức 4,65%. Như vậy, tổng mức thuế CBPG, CTC đường nhập khẩu Thái Lan phải chịu là 47,64%.
Kết luận của Cơ quan điều tra cho thấy, đường nhập khẩu từ Thái Lan đã khiến ngành mía đường trong nước thiệt hại nặng nề. Ảnh: Nam Bình. |
Quyết định này có hiệu lực từ ngày 16-6-2021 và có thời hạn 5 năm kể từ ngày có hiệu lực (trừ trường hợp được thay đổi, gia hạn theo Quyết định khác của Bộ Công thương).
Mô tả hàng hóa bị áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp, Bộ Công thương nêu rõ, sản phẩm bị áp thuế có tên gọi thông thường là đường mía, đường kính, đường thô, đường tinh luyện, đường RE, đường RS… Nghĩa là sẽ chỉ có một mức thuế CBPG, CTC cho cả đường tinh luyện và đường thô nhập khẩu từ Thái Lan.
Cũng theo quyết định này, Bộ Công Thương xác định, thuế CBPG và CTC là thuế nhập khẩu bổ sung, áp dụng với đường mía nhập khẩu có xuất xứ từ Thái Lan, kể cả nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan.
Căn cứ kết luận điều tra cuối cùng và dữ liệu của Tổng cục Hải Quan về tình hình nhập khẩu hàng hóa bị điều tra, Bộ Công thương xác định rằng, không có sự gia tăng đột biến về khối lượng, số lượng hàng hóa bị bán phá giá, được trợ cấp vào Việt Nam trong thời gian từ khi tiến hành điều tra đến khi áp thuế CBPG, CTC tạm thời.
Do đó, không đủ cơ sở để áp dụng biện pháp CBPG, CTC có hiệu lực trở về trước theo Quy định tại Khoản 4 điều 81 và Khoản 4, điều 89 của Luật Quản lý ngoại thương.
Để có cơ sở xác định xuất xứ của hàng hóa nhập khẩu thuộc đối tượng áp dụng thuế CBPG, CTC, cơ quan hải quan sẽ thực hiện kiểm tra chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa gồm Chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) hoặc Chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa phù hợp với quy định tại Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN hoặc Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu hay Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam với Vương quốc Anh và Bắc Ai-Len.
Nội dung kiểm tra cụ thể gồm: Nếu người khai hải quan nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa từ nước, vùng lãnh thổ khác không phải là Thái Lan thì sẽ không phải chịu thuế CBPG, CTC. Ngược lại, nếu người nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa từ Thái Lan hoặc không nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa thì phải chịu thuế CBPG, CTC ở mức như đã nêu trên.
Trước đó, cuối tháng 9-2020, Bộ Công thương quyết định khởi xướng cuộc điều tra chống phá giá với mía đường từ Thái Lan vào Việt Nam dựa trên cơ sở về những thiệt hại của sản phẩm đường nhập khẩu khiến ngành mía đường trong nước bị thiệt hại nhiều mặt.
Đến tháng 2-2021, sau quá trình điều tra và cân nhắc tác động kinh tế-xã hội theo quy định của Luật Quản lý ngoại thương, nhằm đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của người nông dân, ngành sản xuất, chế biến đường trong nước, người tiêu dùng cũng như các tính toán khác, Bộ Công Thương quyết định mức thuế tạm thu đối với đường nhập khẩu từ Thái Lan là 33,88%.
Mời xem thêm:
Lo ngại đường Thái Lan đi vòng qua nước thứ 3 vào Việt Nam để tránh phòng vệ thương mại