Phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số vào năm 2025
Vân Ly - Chánh Trung
(KTSG Online) – Việt Nam hướng tới hình thành Chính phủ số vào năm 2025, theo quyết định 942 phê duyệt chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030 vừa được Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ký ban hành vào ngày 15-6.
Triển lãm giải pháp của Viettel, một trong những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chính phủ số. Ảnh: DNCC |
Tái cấu trúc, đơn giản hóa và chuẩn hóa bộ máy
Thông tin này được Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết chiều ngày 15-6. Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử nhằm phát triển mô hình hoạt động được thiết kế lại và vận hành dựa trên dữ liệu và công nghệ số, để có khả năng cung cấp dịch vụ chất lượng hơn, đưa ra quyết định kịp thời hơn, ban hành chính sách tốt hơn. Sử dụng nguồn lực tối ưu hơn, kiến tạo phát triển, dẫn dắt chuyên đổi số quốc gia, giải quyết hiệu quả những vấn đề lớn trong phát triển và quản lý kinh tế-xã hội.
Mục tiêu của Chiến lược là đến 2025 các cơ quan nhà nước cắt giảm, tái cấu trúc, đơn giản hóa, chuẩn hóa, thống nhất các thủ tục hành chính phục vụ xã hội trên phạm vi toàn quốc. Cơ quan nhà nước cung cấp dịch vụ mới trên nguyên tắc đảm bảo chất lượng dịch vụ, giảm chi phí, tăng năng suất lao động xã hội một cách chủ động, kịp thời đáp ứng nhu cầu của xã hội. Người dân, doanh nghiệp có thể sử dụng dịch vụ số theo nhu cầu cá thể hóa, theo suốt cuộc đời, khi cần, theo cách thuận tiện, trực tuyến hoặc trực tiếp, dễ dàng, đơn giản, nhanh chóng, không giấy tờ, không cần sự hiện diện nếu pháp luật không yêu cầu.
Ngoài ra mục tiêu của Chiến lược là đến 2030 Việt Nam sẽ có Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số ở mức độ cao trên thế giới, thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu theo xếp hạng của Liên hợp quốc. Chính phủ số chuyển đổi cách thức phục vụ người dân, doanh nghiệp giảm chi phí, tăng năng suất của doanh nghiệp, tạo thuận lợi, mang lại sự hài lòng của người dân. Để người dân, doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào hoạt động của cơ quan nhà nước để cùng tạo ra giá trị, lợi ích, sự hài lòng, niềm tin và đồng thuận xã hội.
Chiến lược sẽ chú trọng xây dựng, phát triển, nuôi dưỡng thị trường sản phẩm công nghệ số "Make in Việt Nam" trong nước cũng như vươn ra khu vực và thế giới. Trong đó Chính phủ chủ động điều phối, quy hoạch, triển khai các hoạt động mang tính định hướng, kiến tạo thị trường nhằm mục tiêu kép vừa phát triển Chính phủ số, vừa phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Bên cạnh đó sẽ xây dựng thị trường công nghệ số đa dạng về quy mô, hướng tới làm chủ, phát triển các công nghệ lõi, nền tảng mở phục vụ Chính phủ số, hình thành hệ sinh thái ứng dụng, dịch vụ...
Chiến lược cũng xác định định hướng mở để người dân, doanh nghiệp và tổ chức khác tham gia một cách phù hợp vào hoạt động của cơ quan nhà nước, tương tác với cơ quan nhà nước để cùng tăng cường minh bạch, nâng cao chất lượng dịch vụ, cùng giải quyết vẫn để và cùng tạo ra giá trị cho xã hội.
Các giải pháp để thực hiện Chiến lược có thể kể đến gồm triển khai hợp tác giữa cơ quan nhà nước và doanh nghiệp dựa trên các cơ chế, chính sách về thuê dịch vụ, hợp tác theo phương thức đối tác công tư, sử dụng quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp...
Chiến lược cũng tập trung, ưu tiên, đẩy mạnh phong trào nghiên cứu một số công nghệ cốt lõi mà Việt Nam có lợi thế, có khả năng tạo bứt phá mạnh mẽ như QR code, trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (Blockchain) và thực tế ảo/thực tế tăng cường (VR/AR), dữ liệu lớn (Big Data) để tạo điều kiện sớm triển khai các công nghệ số tiên tiên trong Chính phủ số.
Danh tính số và hồ sơ sức khỏe số cho công dân
Chính phủ cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2025 mỗi người dân sẽ có danh tính số kèm theo mã QR (QR Code), tiến tới đều có điện thoại thông minh. Mỗi hộ gia đình có địa chỉ số, có khả năng truy cập Internet cáp quang băng rộng.
Mỗi người dân đều có hồ sơ số về sức khỏe cá nhân. Mỗi trạm y tế xã đều triển khai hoạt động quản lý trạm y tế xã trên môi trường số. Mỗi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đều triển khai tư vấn khám, chữa bệnh từ xa dựa trên nhu cầu thực tế. Mỗi bệnh viện, trung tâm y tế công đều triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, thanh toán viện phí không dùng tiền mặt, đơn thuốc điện tử. Công khai giá thuốc, giá trang thiết bị y tế, giá khám chữa bệnh.
Mỗi học sinh, sinh viên đều có hồ sơ số về việc học tập cá nhân. Mỗi cơ sở đào tạo đều triển khai hoạt động quản lý dạy và học trên môi trường số. Triển khai thanh toán học phí không dùng tiền mặt, học liệu số. Triển khai đại học số là quốc gia số thu nhỏ, thay đổi mô hình dạy và học để tối ưu hóa vận hành các cơ sở đào tạo đại học, tối ưu hóa trải nghiệm học tập của sinh viên và khuyến khích các mô hình đào tạo mới.
Mỗi người nông dân đều có khả năng truy cập, khai thác, sử dụng hiệu quả nền tảng dữ liệu số về nông nghiệp, nền tảng truy xuất nguồn gốc, giảm sự phụ thuộc vào các khâu trung gian từ sản xuất, phân phối đến người tiêu dùng.
Mỗi tuyến giao thông đường bộ cao tốc đều được triển khai lắp đặt hệ thống quản lý, điều hành giao thông thông minh. Triển khai thu phí điện tử không dừng tại tất cả các trạm thu phí trên toàn quốc, xóa bỏ tất cả các làn thu phí sử dụng tiền mặt. Mỗi phương tiện ô tô sử dụng tài khoản thu phí điện tử để thanh toán đa mục đích cho các dịch vụ giao thông đường bộ.
Mỗi người nhập cảnh, xuất cảnh tại Việt Nam đều có thể dễ dàng, giảm thiểu thời gian, nhanh chóng thực hiện các thủ tục cần thiết nhờ sự trợ giúp hiệu quả của các quy trình đã được tự động hóa, thuộc nhóm 3 nước tốt nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Chính phủ cũng đặt ra mục tiêu Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số theo đánh giá của Liên Hợp Quốc.
Những nhiệm vụ trước mắt
Để đạt được các mục tiêu trên, Chính phủ cũng đặt ra các nhiệm vụ phải thực hiện trong thời gian tới. Như hoàn thiện môi trường pháp lý. Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Giao dịch điện tử và các văn bản hướng dẫn nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc ở mức luật, tạo điều kiện phát triển Chính phủ số giai đoạn mới.
Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Lưu trữ để có quy định về lưu trữ điện tử, tạo điều kiện pháp lý cho việc thực hiện chuyển đổi số hoàn toàn trong hoạt động và quy trình làm việc của các cơ quan, tổ chức nhà nước. Nghiên cứu, xây dựng Luật Chính phủ số và các văn bản hướng dẫn nhằm tạo điều kiện phát triển Chính phủ số.
Bảo đảm môi trường pháp lý cho phép thử nghiệm, chấp nhận cái mới và chấp nhận thay đổi. Hình thành không gian thí điểm dịch vụ số và xây dựng khung pháp lý cho phép thử nghiệm các dịch vụ số chưa được quy định bởi pháp luật. Không gian thí điểm dịch vụ số là không gian số cho phép mọi sản phẩm, dịch vụ số sáng tạo, chưa được quy định bởi các văn bản quy phạm pháp luật có thể triển khai thí điểm với điều kiện được giám sát chặt chẽ bằng công nghệ về phạm vi, quy mô và mô hình hoạt động. Khi đạt đến quy mô nhất định, tổ chức đánh giá để xây dựng hành lang pháp lý cần thiết.
Bên cạnh đó là phát triển hạ tầng số với vận hành hạ tầng mạng chuyên dùng ổn định, an toàn, thông suốt, kết nối 4 cấp hành chính từ trung ương đến cấp xã trên cơ sở mạng truyền số liệu chuyên dùng. Triển khai các hệ thống kỹ thuật bảo đảm năng lực, an toàn thông tin cho mạng truyền số liệu chuyên dùng. Phát triển Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia để kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương trên quy mô toàn quốc thông qua việc kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương...
Ngoài ra còn phải phát triển dữ liệu số quốc gia tạo nền tảng cho triển khai Chính phủ số, bảo đảm cung cấp dữ liệu số cho các dịch vụ công trực tuyến, chia sẻ dữ liệu thông suốt giữa các cơ quan nhà nước, cung cấp các bộ dữ liệu mở có chất lượng và giá trị khai thác cao, mở dữ liệu theo quy định của pháp luật để phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số...
Xem thêm: lmth.5202-man-oav-os-uhp-hnihc-iot-gnouh-ut-neid-uhp-hnihc-neirt-tahp/634713/nv.semitnogiaseht.www