37 tỉnh thành chưa giải ngân vốn đầu tư công có nguồn vay từ nước ngoài
Vân Phong
(KTSG Online) – Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công bằng vốn nước ngoài thuộc khối địa phương mới bằng 1,73% dự toán sau 5 tháng đầu năm 2021, theo Bộ Tài chính.
Hoạt động thi công tại dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 57. Ảnh minh hoạ: TTXVN. |
Chia sẻ tại hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trên cả nước về tình hình giải ngân nguồn vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài của Chính phủ 5 tháng đầu năm 2021, ông Trương Hùng Long - Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) - cho biết tổng kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ODA, vay ưu đãi nước ngoài được giao đầu năm 2021 của các địa phương là 63.709 tỉ đồng.
Trong đó vốn bổ sung có mục tiêu của ngân sách Trung ương là 34.913 tỉ đồng, còn vốn cho các địa phương vay lại là 28.796 tỉ đồng.
Nhưng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công bằng vốn nước ngoài thuộc khối địa phương mới bằng 1,73% dự toán sau 5 tháng đầu năm 2021. Trong đó, vốn bổ sung có mục tiêu của ngân sách trung ương giải ngân bằng 1,77% kế hoạch vốn được giao đầu năm và vốn cho các địa phương vay lại giải ngân bằng 1,68% kế hoạch vốn được giao đầu năm.
Đáng chú ý, trong 63 tỉnh, thành phố thì có đến 37 tỉnh, thành phố chưa giải ngân vốn (0%).
Về tỷ lệ giải ngân, nếu tính riêng kế hoạch vốn được giao năm 2021 thì tỷ lệ giải ngân nêu trên thấp hơn so với 5 tháng đầu năm 2020, theo ông Long. Còn nếu tính đến số vốn được giải ngân theo kế hoạch vốn 2020 được kéo dài, chuyển nguồn trong 5 tháng đầu năm 2021 thì tỷ lệ giải ngân này cũng vẫn thấp so với cùng kỳ năm 2020.
Đại diện UBND thành phố Hà Nội, tỉnh Hà Giang, tỉnh Thái Nguyên và nhiều tỉnh, thành phố cho biết, tác động của đại dịch Covid-19 đã làm chậm tiến độ giải ngân của các địa phương bởi nhiều hoạt động sử dụng vốn vay ODA và vay ưu đãi đều gắn với yếu tố nước ngoài từ khâu nhập máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu, tư vấn giám sát.
Bên cạnh đó, đại diện các tỉnh, thành phố cũng cũng cho biết địa phương vẫn còn gặp các vướng mắc ở một số vấn đề, gồm: vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng; chậm hê duyệt chủ tương đầu tư; khó khăn trong việc xử lý quy định nhà tài trợ do những khác biệt với quy định của Chính phủ; thủ tục điều chỉnh dự án ODA thường kéo dài gây ảnh hưởng không nhỏ tới tiến độ giải ngân; ban quản lý dự án còn yếu kém, chưa nhiều kinh nghiệm.
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết: “Điều chúng tôi trăn trở nhất là nhiều dự án không có khối lượng thực hiện để thực hiện thanh toán do chưa hoàn thành thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng di dân tái định cư, tiến trình triển khai chậm; chậm xử lý đơn rút vốn; điều chỉnh dự án... tựu chung lại là trình tự thủ tục kéo dài, làm cho dự án triển khai chậm”.
Vì vậy, ông Hà đề nghị các cơ quan chức năng, các tỉnh, thành phố, các sở ngành liên quan cần chỉ đạo quyết liệt để Ban quản lý dự án đẩy nhanh tiến độ, đồng thời ưu tiên những dự án có khả năng giải ngân và hoàn thành trong năm 2021 để đẩy nhanh tiến độ, có khối lượng hoàn thành.
Với các địa phương nhu cầu điều chỉnh tăng hoặc giảm vốn ODA trong năm, ông Hà cho rằng cần đánh giá kỹ và sớm báo cáo, đề xuất để Bộ KHĐT tổng hợp, rồi báo cáo Thủ tướng việc để điều chỉnh cho phù hợp trong 6 tháng cuối năm 2021.