Nhóm cổ phiếu vua đã không còn giữ được đà tăng như vũ bão. Dòng tiền rót vào nhóm cổ phiếu ngân hàng trong phiên giao dịch hôm nay ngày càng yếu ớt.
Trong phiên giao dịch ngày 15.6, có tới 17/25 mã cổ phiếu ngân hàng chìm trong sắc đỏ, 4 mã vàng quanh mức giá tham chiếu.
Mã chứng khoán ngân hàng giảm sâu nhất là các mã VPB giảm 6,21% xuống còn 66.500 đồng/cổ phiếu. Thậm chí, VPB đã hai lần lao dốc “sàn đo ván”, nhưng đến cuối phiên ATC được kéo lên sắc đỏ.
VPB là cổ phiếu thanh khoản lớn nhất nhóm với khối lượng giao dịch lên tới 37,8 triệu đơn vị, tuy nhiên, theo đánh giá của một số nhà đầu tư kì cựu, VPB đang có dấu hiệu phân phối khá rõ.
Các mã chứng khoán ngân hàng khác giảm mạnh là LPB giảm 5,54% xuống còn 29.000 đồng/cổ phiếu, SHB giảm 4,11% xuống còn 28.000 đồng/cổ phiếu, SSB giảm 3,95% xuống còn 41.300 đồng/cổ phiếu). Đây là toàn là những mã chứng khoán đã “tăng bằng lần” trong thời gian qua.
Chỉ có 5 số mã chứng khoán nhóm ngân hàng duy trì sắc xanh như ACB, VCB, HBD, BVB và NVB.
Đáng chú ý, ACB bất ngờ tăng mạnh sau dự báo lọt rổ VN30. Kết phiên, thị giá mã chứng khoán này dừng tại 35.350 đồng/cổ phiếu, tăng 3,67% so với phiên trước.
Trung tâm phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) đã khuyến nghị nhà đầu tư cần cẩn trọng hơn đối với nhóm cổ phiếu ngân hàng do triển vọng tích cực từ việc tăng vốn, xử lý nợ xấu... đã phần nào phản ánh vào giá.
Dù vậy, SSI Research cũng có chung quan điểm về một số cổ phiếu vẫn có thể có triển vọng, trong đó có cổ phiếu của những nhà băng có thể có tác động tích cực từ việc tăng vốn, có lợi nhuận phục hồi sau khi xử lý hết nợ xấu.
Trong khi đó, Báo cáo của FiinGroup cho rằng “Chỉ số nhóm đã tăng trưởng 34,4% kể từ đầu năm cho thấy định giá cổ phiếu nhóm này không còn nhiều hấp dẫn so với triển vọng lợi nhuận năm 2021”.
Nhóm cổ phiếu Ngân hàng đóng góp đến 43% lợi nhuận toàn thị trường, dự báo khối Ngân hàng sẽ có lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 23,8% trong năm 2021. Theo FiinGroup, việc theo dõi trong quý II/2021 và các thay đổi chính sách như lãi suất huy động, tỉ lệ trích lập dự phòng nợ xấu, tăng trưởng lợi cũng như hoạt động phát hành pha loãng sẽ là yếu tố quan trọng để nhà đầu tư cần theo dõi và đánh giá ảnh hưởng đến tâm lý thị trường nói chung và đến các chỉ số nền tảng này của thị trường.
Đặc biệt, yếu tố rủi ro pha loãng theo đánh giá của Fiingroup cũng khá lớn. Số lượng cổ phiếu mới phát hành của toàn bộ doanh nghiệp niêm yết là 102,6 nghìn tỉ, trong đó các ngân hàng chiếm 21,4% và lên tới 22 nghìn tỉ đồng. Do đó, lãi cơ bản trên cổ phiếu EPS nhóm Ngân hàng có mức tăng trưởng thấp hơn nhiều lợi nhuận sau thuế, dự báo chỉ đạt 4,6%; P/B dự kiến năm 2021 là 2,0x, thấp hơn so với mức hiện tại (2,6x). Báo cáo cũng nhận định, cổ phiếu ngành Bảo hiểm, Bất động sản và Bán lẻ đang còn dư địa tăng trưởng nhiều, đang được định giá khá hấp dẫn.