Lô vắc xin ngừa COVID-19 đầu tiên về tới Việt Nam qua cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (TP.HCM) - Ảnh: DUYÊN PHAN
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam có ý kiến: "Đồng ý với đề nghị của UBND TP.HCM về việc mua và nhập khẩu vắc xin.
Công tác tổ chức thực hiện, truyền thông cần tránh tình trạng tranh mua, đẩy giá vắc xin lên cao. Bộ Y tế chịu trách nhiệm cấp phép, kiểm định, quản lý chất lượng vắc xin theo quy định; chỉ đạo, hướng dẫn việc tiêm chủng theo tiến độ yêu cầu, bảo đảm an toàn, hiệu quả".
Chúng tôi cũng đã có kế hoạch để tiêm thần tốc, tiêm nhanh nhất có thể, đồng thời đảm bảo an toàn, dự định có thể sử dụng sân vận động lớn, các địa điểm diện tích lớn để tổ chức tiêm ngừa. Nếu có vắc xin, mỗi ngày Hà Nội có thể thực hiện 200.000 mũi tiêm.
Bà Trần Thị Nhị Hà (giám đốc Sở Y tế Hà Nội)
Thời gian và số lượng cụ thể cung ứng vắc xin ngừa COVID-19 về Việt Nam có thể thay đổi do phụ thuộc tình hình thế giới vì họ cung ứng vắc xin cho cả thế giới.
GS Đặng Đức Anh (viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương) trả lời truyền thông ngày 15-6.
Quyết định nhanh chóng
Trước đó, UBND TP.HCM có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc mua và sử dụng vắc xin ngừa COVID-19 cho TP.HCM.
Theo UBND TP.HCM, hiện TP có trên 7,2 triệu người từ 18 tuổi trở lên; có trên 1,6 triệu công nhân, người lao động làm việc tại các doanh nghiệp, tập đoàn trong các khu công nghiệp.
Tuy nhiên đến nay TP mới nhận được 140.000 liều vắc xin theo phân bổ từ Bộ Y tế và triển khai tiêm phòng mũi 1 cho hơn 60.000 người và hơn 10.000 người tiêm đủ 2 mũi.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên trưởng khoa nhiễm - thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho biết SARS-CoV-2 biến thể theo quy luật, thời gian càng trải dài chúng càng lây nhanh.
Những biện pháp lâu nay ngành y tế TP.HCM đã và đang làm có thể "đi chậm" hơn một bước so với tốc độ lây lan của virus. Vì vậy, TP cần phải dùng mọi biện pháp để có vắc xin kịp đến người dân.
Để đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng với trên 70% dân số được tiêm đủ 2 mũi vắc xin thì việc mua được đủ cơ số là vấn đề cấp bách.
Do đó UBND TP kiến nghị Thủ tướng về việc cho phép các doanh nghiệp trên địa bàn TP được chủ động đàm phán tìm nguồn vắc xin; được nhập khẩu hoặc thuê các doanh nghiệp có chức năng nhập khẩu vắc xin.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một quan chức Bộ Y tế cho biết Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Y tế, các ngành chức năng đều đã công bố chủ trương khuyến khích các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp tìm và tiếp cận nguồn
vắc xin, nếu địa phương chủ động được nguồn thì càng tốt. Tuy nhiên các địa phương cũng phải thực hiện như Hà Nội, nghĩa là làm việc với 36 doanh nghiệp có chức năng nhập khẩu thuốc, vắc xin kể trên, vì vắc xin là ngành kinh doanh có điều kiện.
Bên cạnh đó, nếu tìm được vắc xin, doanh nghiệp có chức năng sẽ làm thủ tục nhập khẩu, lô vắc xin đó phải được nhà sản xuất "bảo lãnh lô" để tránh trường hợp mua phải hàng trôi nổi, hàng gần hết hạn. Về mặt thủ tục nhập khẩu, Bộ Y tế cam kết sẽ xem xét hồ sơ trong 5 ngày nếu vắc xin đó đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thẩm định.
Dữ liệu: TÚ ANH - Đồ họa: NGỌC THÀNH
Săn vắc xin ngoại, chờ vắc xin nội
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, bà Trần Thị Nhị Hà nhìn nhận Hà Nội thực hiện tiêm chủng ở mức nhanh nhất so với các địa phương trong cả nước, nhưng đến nay mới có xấp xỉ 130.000 người có chỉ định được tiêm ngừa, trong khi thủ đô có khoảng 6 triệu người trong nhóm có chỉ định và nếu muốn tiêm để đạt miễn dịch cộng đồng thì cần tiêm cho 5 triệu người.
"Chúng tôi đã mời các doanh nghiệp trong nhóm 36 công ty được nhập khẩu và cung cấp dịch vụ bảo quản vắc xin mà Bộ Y tế cung cấp đến làm việc, nhưng quan trọng nhất là nguồn cung vắc xin rất khó. Doanh nghiệp cũng không cam kết và đến nay họ cũng chưa trả lời về số lượng có thể cung cấp" - bà Hà cho biết.
Về nguồn tài chính, theo bà Hà, Hà Nội là một trong những địa phương sớm công bố quyết định tiêm vắc xin cho toàn thể công dân TP, với nguồn tài chính từ ngân sách và nguồn huy động từ các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, từ người dân thông qua Mặt trận Tổ quốc TP. Vào chủ nhật 20-6 tới sẽ tổ chức lễ tiếp nhận.
Nhưng mối lo lắng của cơ quan chức năng Hà Nội nằm ở việc nguồn vắc xin ở đâu, bởi hai công việc quan trọng nhất hiện nay để tiến hành chiến dịch tiêm chủng thành công là "có vắc xin" và "tổ chức tiêm chủng nhanh, an toàn". Nhưng nguồn vắc xin mà Bộ Y tế đã tiếp cận, theo thông báo là hơn 120 triệu liều, thì chưa rõ ràng lắm về tiến độ cung cấp cho Việt Nam.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một quan chức Bộ Y tế nói cho đến nay chưa rõ thời điểm lô vắc xin kế tiếp từ nguồn COVAX và nguồn mua. Với lô gần 1 triệu liều vừa được Nhật Bản tặng, Bộ Y tế đã có kế hoạch phân bổ và ưu tiên cho các tỉnh thành đang có dịch, đặc biệt là TP.HCM, Bắc Giang, Bắc Ninh và Hà Nội.
Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, ngoài số vắc xin nhiều nhất đã có mặt tại Việt Nam là loại của AstraZeneca, dự kiến tháng 7 tới sẽ có lô vắc xin Pfizer đầu tiên về đến Việt Nam, lô này do doanh nghiệp nhập khẩu theo diện "xã hội hóa", nhưng số lượng đến nay chưa rõ ràng.
Tuần rồi, Bộ Y tế đã phê duyệt nhập khẩu có điều kiện vắc xin Pfizer, chuẩn bị đủ hồ sơ thủ tục trước khi lô Pfizer đầu tiên về đến Việt Nam.
Ngoài ra, vắc xin nội địa Nano Covax cũng đang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 với tiến độ thử nghiệm rất nhanh, nhằm thu thập đủ dữ liệu, tiến tới báo cáo đánh giá Bộ Y tế dự kiến vào tháng 8 tới và tháng 9 sẽ đề xuất đăng ký lưu hành khẩn cấp.
"Vắc xin nội cũng nằm trong dự định của chúng tôi khi tìm nguồn vắc xin cho TP Hà Nội. Nếu có vắc xin nội thì ta sẽ chủ động hơn về nguồn và giá thành sẽ rẻ hơn" - bà Hà nhấn mạnh.
1,55 triệu
Theo thống kê của Bộ Y tế, đến nay Việt Nam đã tiêm được 1,55 triệu liều cho các nhóm đối tượng ưu tiên và công nhân, trong đó số người đã được tiêm đủ 2 mũi vắc xin ngừa COVID-19 là 59.608 người.
TTO - Tính đến chiều 14-6, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM - Ban Vận động, tiếp nhận và phân phối Quỹ phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM nhận được hơn 2.293 tỉ đồng đăng ký ủng hộ mua vắc xin phòng COVID-19 từ 105 tổ chức, đơn vị...
Xem thêm: mth.33165742061601202-nix-cav-gnud-us-av-aum-gnod-uhc-coud-mchpt/nv.ertiout