Tàu sân bay USS Ronald Reagan của Hải quân Mỹ được nhìn thấy gần Hong Kong, ngày 21-11-2018. Ảnh: REUTERS
Theo Hải quân Mỹ, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan đi vào Biển Đông lần này bao gồm tàu sân bay cùng tên, không đoàn trên hạm số 5 cùng sự hộ tống của tàu tuần dương có tên lửa dẫn đường USS Shiloh và tàu khu trục USS Halsey.
“Tại Biển Đông, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan sẽ triển khai các hoạt động an ninh hàng hải, bao gồm huấn luyện bay với máy bay chiến đấu và trực thăng, diễn tập tiến công trên biển, huấn luyện phối hợp chiến thuật giữa các đơn vị” - lực lượng Hải quân Mỹ cho hay.
"Chúng tôi lấy làm vui và coi đó là đặc ân khi được làm việc với các đồng minh và đối tác nhằm cung cấp hỗ trợ toàn diện cho các lợi ích hàng hải chung quan trọng, đồng thời đảm bảo mọi quốc gia tiếp tục được hưởng lợi từ khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở" - theo thông báo của Hải quân Mỹ.
Mỹ và các đồng minh gần đây tăng cường sự hiện diện của mình ở Biển Đông. Hải quân Mỹ khẳng định đợt triển khai lần này thể hiện cam kết an ninh của Mỹ với đồng minh và đối tác trong khu vực, đồng thời chứng minh khả năng điều động nhanh chóng các lực lượng hải quân Mỹ.
Động thái trên diễn ra vào thời điểm căng thẳng đang tiếp tục gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc, quốc gia tuyên bố chủ quyền hầu hết các tuyến đường thủy đang tranh chấp ở Biển Đông, Reuters đưa tin.
Trung Quốc thường xuyên phản đối các sứ mệnh quân sự của Mỹ ở Biển Đông, cho rằng Mỹ không có ý định giúp thúc đẩy hòa bình hoặc ổn định tại khu vực này.
Tuy nhiên, chính quyền Bắc Kinh cũng tăng cường sự hiện diện quân sự của chính mình ở Biển Đông trong những năm gần đây, bao gồm cả việc xây dựng trái phép các đảo nhân tạo và căn cứ không quân.
Biển Đông đã trở thành một trong những điểm nóng trong mối quan hệ đầy thách thức giữa Trung Quốc và Mỹ. Các tàu chiến của Mỹ đã gia tăng tần suất đi qua khu vực Biển Đông trong những năm gần đây nhằm chống lại các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc.