Thuyết âm mưu?
Điều khiến giới khoa học Mỹ đặt dấu chấm hỏi to tướng là liệu giáo sư Peter Daszak, một thành viên trong đoàn điều tra của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đến phòng lab ở Vũ Hán trước đó, có đang "bao che" cho Trung Quốc khi vẫn một mực khăng khăng cho rằng, việc nuôi dơi trong phòng thí nghiệm ở Vũ Hán chỉ là "thuyết âm mưu" mà thôi.
Một đoạn phim được kênh truyền hình Sky News (Úc) tung ra hôm 13/6 đã công khai toàn bộ những cảnh quay từ bên trong phòng thí nghiệm vốn được bảo vệ nghiêm ngặt này, từ đó giúp khán giả nhìn thấy rõ những con dơi đang được nhốt trong những chiếc lồng.
Theo Sky News thì đoạn video này được sản xuất và công chiếu bởi chính quyền Trung Quốc vào năm 2017 nhân sự kiện khai trương thêm một phòng thí nghiệm mới do Viện Virus học Vũ Hán quản lý.
Trong đoạn video, người ta nhìn thấy nhiều con dơi còn sống được nhốt trong một chiếc lồng đang được một nghiên cứu viên mang khẩu trang và găng tay cho ăn, cảnh nhiều nghiên cứu viên khác mặc đồ bảo hộ đang đi tìm bắt dơi ở bên ngoài… Vẫn chưa rõ vì mục đích gì mà đoạn video nói trên lại được "đào mộ" trong thời điểm này dù nó đã xuất hiện cách đây hơn 4 năm.
Trích một đoạn thuyết minh trong video: "Trong hơn 1 thập kỷ qua, nhóm nghiên cứu do bà Thạch Chính Lệ (Shi Zhengli) dẫn đầu đã thu thập hơn 15.000 mẫu dơi ở cả Trung Quốc lẫn nhiều nước ở châu Phi nhằm tìm kiếm nguồn gốc của bệnh SARS cũng như để cách ly và phân loại nhiều chủng virus mới".
Bà Thạch Chính Lệ chính là giám đốc của một phòng thí nghiệm thuộc Viện Virus học Vũ Hán, nơi lưu giữ bộ sưu tập virus corona lớn nhất thế giới. Bà là chuyên gia hàng đầu về virus corona của Trung Quốc và được biết đến với cái tên "nữ người dơi" (bat woman).
Những dấu hỏi về vấn đề "xung đột lợi ích"
Mỹ đã tỏ vẻ nghi ngờ về kết quả của cuộc nghiên cứu do WHO thực hiện tại Trung Quốc vào đầu năm nay khi một báo cáo do WHO và Trung Quốc đồng chấp bút nhận xét rằng, một sự cố rò rỉ virus từ phòng thí nghiệm "là hầu như không thể xảy ra" và việc lây lan virus từ một con vật chủ, sau đó lây tiếp sang động vật khác để rồi lây cho người "là có khả năng cao nhất".
Ông Peter Daszak, chuyên gia y tế của WHO (phải) và bà Thạch Chính Lệ (trái). Ảnh: Taiwan News
Nguyên nhân của sự nghi ngờ này là ở chỗ, bản thân chuyên gia của WHO là ông Peter Daszak lại có mối quan hệ mật thiết trong các công trình nghiên cứu với bà Thạch Chính Lệ thuộc Viện Virus học Vũ Hán, và vì thế nên có "xung đột lợi ích" dẫn đến kết quả điều tra của WHO không khách quan.
Tháng 12/2020, một bài báo trên tờ Independent cho biết: "Những mẫu thí nghiệm từ dơi đã được gửi đến phòng thí nghiệm ở Vũ Hán để tiến hành các phân tích gen".
Thế nhưng ông Daszak lập tức bác bỏ ý kiến này bằng một bài đăng trên Twitter của mình, và xóa đi ngay sau đó mà không rõ nguyên nhân. Tuy nhiên, ông vẫn khẳng định rằng, những gì mà mọi người đang thảo luận "chỉ là thuyết âm mưu" mà thôi bởi trong suốt 15 năm cộng tác với Viện Virus học Vũ Hán, ông Daszak chưa từng thấy bất cứ con dơi sống hay đã chết ở trong phòng thí nghiệm ở đó cả.
"Không có bất cứ bằng chứng nào cho thấy điều đó đã xảy ra", ông Daszak khẳng định.
Hình ảnh những con dơi nuôi giữ trong phòng thí nghiệm ở Vũ Hán được nhìn thấy qua đoạn video mới đây. Ảnh: The Chronicle
Nhưng rồi cũng chính ông, trong một cuộc trao đổi vài tháng sau đó, lại tự thú nhận rằng phòng thí nghiệm ở Vũ Hán "có thể có các con dơi sống trong đó", và thừa nhận rằng ông đã không hề đặt câu hỏi nào liên quan đến sự việc này trong suốt chuyến công tác của WHO tại Vũ Hán trước đó.
Nhóm điều tra của WHO "đã không làm gì ở Vũ Hán"?
Thêm một điểm đáng chú ý nữa, đó là các phụ lục của báo cáo do đoàn điều tra của WHO thực hiện có tổng cộng 193 trang, thế nhưng bản phụ lục được lập ngày 03/2/2021 khi làm việc tại phòng thí nghiệm Vũ Hán thì lại chỉ có vẻn vẹn 04 trang và cũng không hề đề cập gì đến việc các con dơi được nghiên cứu ở đây.
Bà Thạch Chính Lệ (Shi Zhengli) tại phòng thí nghiệm của Viện Virus học Vũ Hán. Ảnh: AP
Ông Peter Ben Embarek, trưởng nhóm điều tra của WHO đã thú nhận hồi cuối tháng 2/2021 rằng: "Chúng tôi đã không có bất cứ hoạt động kiểm tra nào tại các phòng thí nghiệm ở đây cả. Vì vậy, chúng tôi thật sự không có trong tay những dữ liệu chi tiết về quá trình nghiên cứu của họ".
Thế nhưng năm 2018, khi một nhóm các nhà khoa học Mỹ đến thăm Viện virus Vũ Hán đã cảnh báo "về một nguy cơ virus corona có thể gây ra đại dịch cho con người".
Điều này cũng được chính bà Thạch Chính Lệ nói trong một sự kiện khoa học hồi đầu năm 2020 rằng: "Một trong những nỗi lo lớn nhất của tôi là con virus có thể thoát ra được khỏi phòng thí nghiệm".
Nguyễn Thuận
Doanh nghiệp tiếp thị