vĐồng tin tức tài chính 365

Cổ phiếu mía đường hưởng lợi nhờ áp thuế chống bán phá giá với Thái Lan

2021-06-17 03:58

Cổ phiếu mía đường hưởng lợi nhờ áp thuế chống bán phá giá với Thái Lan

Dũng Nguyễn

(KTSG Online) - Việc áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với đường Thái Lan trong vòng năm năm tới được đánh giá là chính sách mang tính bước ngoặt giúp các doanh nghiệp mía đường trong nước hưởng lợi.

Thu hoạch mía. Ảnh minh họa: TTXVN

Trong phiên giao dịch ngày 16-6, hàng loạt cổ phiếu mía đường đồng loạt tăng mạnh.

Cụ thể, thị giá LSS của Mía đường Lam Sơn tăng trần lên mức 11.000 đồng/cổ phiếu. Thị giá QNS của Đường Quảng Nam tăng 6,87% lên mức giá 42.000 đồng/cổ phiếu. Thị giá SBT của Thành Thành Công Biên Hòa tăng 2,93%, lên mức 21.100 đồng/cổ phiếu. Thị giá SLS của Mía đường Sơn La tăng 6,23%, lên mức 134.700 đồng/cổ phiếu.

Còn xét từ đầu năm đến nay, mức tăng giá của các cổ phiếu mía đường có sự phân hóa mạnh. Cổ phiếu tăng đáng kể là SLS với mức tăng gần 88%, LSS tăng gần 42%, trong khi đó QNS tăng hơn 7%, còn SBT chỉ ở mức gần tương đương.

Cổ phiếu các công ty sản xuất mía đường tăng vọt trong bối cảnh quyết định áp thuế đối với đường từ Thái Lan có hiệu lực từ hôm nay. Theo đó, Bộ Công thương áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với đường mía có xuất xứ từ Thái Lan ở mức 47,64% trong vòng 5 năm.

Theo đánh giá của Công ty chứng khoán SSI, chính sách thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với đường Thái Lan sẽ giúp bảo vệ đường trong nước khỏi đường nhập khẩu giá rẻ từ Thái Lan cũng như đường nhập lậu, thúc đẩy ngành đường trong nước về lâu dài vì mục tiêu an ninh lương thực và hỗ trợ lao động ngành nông nghiệp.

Trên thực tế, ngành đường Việt Nam đã trải qua giai đoạn khó khăn kể từ niên vụ 2018/2019 khi giá đường thế giới đi xuống. Cộng thêm việc từ ngày 1-1-2020, thuế nhập khẩu đường từ các nước ASEAN giảm xuống còn 5% và khi hạn ngạch được xóa bỏ. Do đó, đường Thái Lan rẻ hơn tràn vào thị trường Việt Nam, đe dọa đến sản phẩm đường nội địa có chi phí sản xuất cao hơn.

“Chính sách này là sự kiện có tính chất bước ngoặt cho ngành đường Việt Nam và các doanh nghiệp mía đường trong nước như SBT, QNS, LSS, SLS, ... Năm năm là thời gian dài giúp chuỗi cung ứng đường trong nước phục hồi và phát triển bền vững hơn”, báo cáo của công ty chứng khoán SSI đánh giá.

Trên thực tế, từ đầu năm đến nay, kết quả tăng trưởng của ngành đường lại khá tích cực. Báo cáo của Công ty cổ phần Thành Thành Công Biên Hòa (mã chứng khoán SBT) cho biết đã tiêu thụ 877.000 tấn đường trong 9 tháng đầu niên độ 2020-2021, tăng gần 26% so với cùng kỳ. Doanh thu thuần đạt 10.749 tỉ đồng, tăng 18% và hoàn thành 75% kế hoạch năm, còn lợi nhuận sau thuế đạt 479 tỉ đồng, tăng 225% so với cùng kỳ.

Tương tự, báo cáo tài chính hợp nhất quí 1-2021 của QNS cho biết lợi nhuận sau thuế  là 160,7 tỉ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ. Theo lý giải của doanh nghiệp, lợi nhuận tăng mạnh là nhờ dây chuyền hoạt động ổn định, chi phí giảm.

Cùng với xu hướng tăng giá đường thế giới từ cuối năm 2020, việc áp dụng chính sách thuế mới, ngành đường dự kiến sẽ trở nên lạc quan hơn trong năm nay, công ty chứng khoán SSI nhận định.

Tuy nhiên, về dài hạn, ngành đường nội địa vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Theo công ty chứng khoán VCBS, các yếu tố ảnh hưởng là năng suất mía kém cạnh tranh hơn Thái Lan khiến chi phí sản xuất cao hơn. Việc kiểm soát lỏng lẻo đối với đường nhập khẩu giá rẻ qua biên giới làm sai lệch cung cầu thị trường và giá đường. Ngoài ra, việc Thái Lan và Trung Quốc có thể phục hồi sản lượng kể từ niên vụ 2021-2022 sẽ gây sức ép giảm lên giá đường.

Xem thêm: lmth.nal-iaht-iov-aig-ahp-nab-gnohc-euht-pa-ohn-iol-gnouh-gnoud-aim-ueihp-oc/194713/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Cổ phiếu mía đường hưởng lợi nhờ áp thuế chống bán phá giá với Thái Lan”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools