Một tuần sau, Văn phòng Bộ xác minh những kiện hàng này không phải của đồng chí Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, mà của một người có tên Phạm Khắc Dũng, vốn là nhân viên hợp đồng của Văn phòng Bộ. Ngay sau đó, ông Phạm Khắc Dũng bị cho thôi việc. Câu chuyện tới đây hai năm rõ mười, và coi như xong xuôi, nhưng từ câu chuyện này, chúng ta buộc phải nhìn lại một "hiện tượng tâm lý" xuất hiện từ rất lâu trong xã hội chúng ta: Cáo mượn oai hùm!
Tại sao ông Phạm Khắc Dũng phải mượn danh Bộ trưởng chỉ để gửi đi vài kiện hàng từ Hà Nội vào TP. Hồ Chí Minh? Vì trước đó, ông đã nhìn thấy ai đó cũng đã "mượn danh" y như vậy, nhưng chưa bị phát hiện? Hay đơn giản vì ông nghĩ hành động "mượn danh" sẽ giúp kiện hàng của mình được gìn giữ cẩn thận, di chuyển thông suốt và nhanh chóng?
Chỉ là vận chuyển vài kiện hàng mà cũng không ngại ngần "mượn danh" vậy thì trong những chuyện to lớn hơn như xin việc, làm ăn, bàn bạc giao thương hợp đồng, những người có tâm lý giống như ông sẽ còn "mượn danh" đến mức nào?
Xin hãy nhìn lại môi trường làm việc xung quanh bạn, và trả lời thành thực xem ở đó ít nhiều có tồn tại tâm lý "mượn danh" người khác hoặc để tồn tại, hoặc để thăng tiến hay không? Dân gian có câu "Nhất hậu duệ/ Nhì tiền tệ…", và sức sống rõ nhất của cái mệnh đề "nhất hậu duệ" trong guồng máy hành chính thường nằm ở những lời rỉ tai theo kiểu: "Cậu ấy là cháu ông nọ"/ "Cô ấy là cháu bà kia".
"Ông nọ"/ "bà kia" trong nhiều trường hợp thường rất cụ thể, rõ ràng, nhưng trong nhiều trường hợp khác lại là một phạm trù mơ hồ, phi xác định. Một anh bạn tôi tâm sự rất thật lòng là ở cơ quan anh, ai cũng nghĩ anh là "cháu đồng chí ở trên kia". "Có phải thế quái đâu! Mình là mình, không phải là cháu chắt đồng chí nào cả, nhưng mình không phủ nhận, cũng không khẳng định, cứ mập mờ, thực thực hư hư để tất cả đều tin như thế" - anh bạn thừa nhận. Tại sao lại phải mập mờ, thật thật hư hư? Anh giải thích: "Ở môi trường của mình, như thế mới dễ tồn tại, không bị người ta bắt nạt". Rất có thể đây chỉ là một câu chuyện thiểu số, nhưng thiểu số ấy nói lên một sự thật: cái bóng hữu hình hoặc vô hình của một ông sếp nào đó, một đồng chí nào đó, một vị ở trên Sở, trên Bộ, trên A, B, C, X, Y, Z… nào đó đã được tận dụng, khai thác đến mức tối đa.
Nếu bạn chưa gặp những trường hợp thiểu số (thôi, cứ tin chỉ là thiểu số) như thế này, hẳn bạn sẽ gặp những trường hợp phổ biến hơn. Trong câu chuyện giao đãi bình thường, thi thoảng bạn sẽ thấy một người nào đó "buột miệng" khoe là họ quen ông nọ bà kia, mà chỉ là quen thôi, chứ không phải là con cái, cháu chắt gì đâu nhé. Rồi để chứng minh là mình không nói khoác, họ sẵn sàng rút điện thoại, mở thư mục ảnh rồi ấn vào mặt bạn một bức hình họ chụp với ông nọ/ bà kia. Có những người còn rửa những tấm ảnh đó ra, đóng khung cẩn thận rồi treo trong phòng khách hoặc nơi mình làm việc.
Thật ra treo để kỷ niệm, để trân trọng một nhân vật mà mình có cơ hội gặp gỡ thì cũng tốt, vấn đề là rất nhiều người treo như thế để khoe mẽ. Cứ có khách đến nhà là họ chỉ vào đó để khoe. Mà cứ nghe khẩu khí và cảm xúc khoe khoang của họ, chỉ cần có một chút duy lý, ắt hẳn bạn sẽ phải hoài nghi: "Có phải từ 1 họ đang cao hứng nói thành 10 hay không?". Trong rất nhiều trường hợp, mục đích của những người này cũng chẳng phải là "dựa hơi" người trong ảnh để làm ăn hay hù dọa đối tác, mà đơn giản là chỉ để làm sang cho mình - thế thôi. Họ nghĩ rằng mình sang khi được đứng gần người sang, được chụp ảnh với người sang.
Mượn danh ai đó để làm ăn hay để làm sang thì cũng thể hiện rất rõ một đặc điểm: Họ là người yếu đuối. Phải yếu đuối và thiếu nội lực thì mới bằng mọi cách phải bám vào những cái phao hão huyền như thế. Còn nếu thực sự có năng lực, ngay cả khi quả nhiên là "con ông nọ/ cháu bà kia" người ta cũng cố giấu đi thân phận và những mối quan hệ gần gũi của mình. Họ sẽ tìm cách chứng minh với xã hội rằng: tôi làm được việc này là do năng lực của tôi, chứ không phải là vì dựa hơi ông, bà, bố, mẹ, cô, dì, chú, bác nào đó của tôi.
Nhưng đấy mới chỉ là mặt thứ nhất của vấn đề: những người chủ ý dựa hơi người khác để sinh tồn. Còn mặt thứ hai, đáng bàn không kém là thái độ của những người chứng kiến toàn bộ quá trình dựa hơi đó. Hãy trở lại với những kiện hàng có dòng chữ "Bộ trưởng Bộ GTVT, người nhận Manh, số điện thoại 0989.464.xxx" mà chúng ta đề cập ở đầu bài viết. Giả dụ bạn là nhân viên của Vietnam Airlines hoặc nhân viên của sân bay Tân Sơn Nhất, nhìn thấy kiện hàng, có thể bạn sẽ rơi vào một trong ba trạng thái tâm lý như sau:
Trạng thái 1: Lập tức báo cáo cấp trên, yêu cầu xem xét thực hư vụ việc, vì bạn biết chắc, một vị Bộ trưởng không đời nào dại dột tung ra một biểu hiện phản cảm, có khả năng làm tổn hại nghiêm trọng đến hình ảnh cá nhân của mình như vậy.
Trạng thái 2: Không cần suy nghĩ nhiều, chỉ vừa nhìn thấy kiện hàng với những ghi chú đặc biệt, bạn sẽ lập tức đưa vào "chế độ ưu tiên đặc biệt", vì đơn giản những điều tương tự có thể đã từng xảy ra, chẳng qua chưa từng bị dư luận phát giác, làm rùm beng lên mạng mà thôi.
Trạng thái 3: Bạn phân vân không biết thực - hư kiện hàng ra sao. Nhưng rồi một ý nghĩ vượt khỏi sự phân vân: tránh voi chẳng xấu mặt nào, cẩn tắc vô áy náy, cái mác tư lệnh ngành sờ sờ ra đấy, giờ làm khó dễ, đòi tìm hiểu ngọn ngành biết đâu lại "phạm huý". Vậy nên cứ để nó vào chế độ ưu tiên cho… an toàn.
Nào, hãy đặt vị trí của mình là một nhân viên trong ngành, đối diện với một kiện hàng được dán mác tư lệnh ngành, và trả lời trung thực xem bạn sẽ chọn lựa phương án nào trong 3 phương án nêu trên? Hãy trả lời trung thực, với chính mình thôi, kẻ viết bài này tuyệt đối không dám truy kết quả. Và sau khi trả lời một cách trung thực nhất, hãy cùng nhìn vấn đề ở khía cạnh bao quát hơn: tại sao trong rất nhiều trường hợp, người ta cứ phải cố dán cái mác "hàng của ông này"/ "hàng của ông kia" lên những món đồ của chính mình?
Tại sao người ta cứ phải tìm cách nói cho người khác biết mình là cháu vị này/ cháu vị kia trong những phi vụ làm ăn thương trường? Tại sao người ta cứ phải tìm cách bắn tiếng là mình có mối quan hệ này/ quan hệ kia trong những phi vụ đấu thấu mà xét về nguyên tắc nó bắt buộc phải diễn ra hoàn toàn công bằng, minh bạch? Có phải vì trong những trường hợp cụ thể nào đó, quả nhiên những chiêu này đã giúp người ta đạt được hiệu quả như mình mong muốn? Và nếu đúng vậy, trong những trường hợp như vậy, phải chăng đâu đó trong chính guồng máy của chúng ta vẫn còn tồn tại tâm lý sợ bóng sợ gió, ngại xa ngại gần?
Một nền hành chính công vụ nghiêm cẩn là nơi mà ở đó không có chỗ cho những người yếu đuối tới mức cứ phải tìm cách dựa hơi ông A, ông B, ông C nào đó để tồn tại. Và đấy cũng là nơi mà khi thấy một trường hợp cá biệt nào đó cứ phải bắn tiếng về mối quan hệ với ông A, ông B, ông C thì toàn bộ phần còn lại có thể sòng phẳng, đàng hoàng đáp trả:
- Không có bất cứ ông nào được phép đứng trên sự minh bạch và luật pháp!
Vương Trọng TínXem thêm: /687446-oc-am-uad-uT-ioh-aud-gnuhc-ioH/mad-nahN/nv.moc.dnac.tcgtna